Thêm Thu Nhập Nhờ... Lá Rừng

Các loại rau, lá rừng ở Cù Lao Chàm giúp cho nhiều hộ dân có thêm thu nhập ngoài nghề biển.
Mới bước chân lên đảo, chúng tôi gặp ngay chị Phạm Thị Tiến với rổ rau xanh mướt trên tay đi chào mời khách du lịch. Quê ở Đại Lộc, chị làm dâu trên đảo.
Nhờ được bố mẹ chồng truyền kinh nghiệm nên chị nắm rất rõ những loại rau rừng cần hái. Theo chị Tiến, rau và lá rừng có hàng chục loại khác nhau nên người hái phải nắm vững từng loại nếu không sẽ nhầm. Với rau rừng, ngon nhất là rau bướm, rau dớn, rau chọi, rau cu, rau sân...
Chị Tiến cho biết, nếu rổ rau rừng mà thiếu rau sân thì chưa thể coi là món rau rừng hoàn hảo.
Chị Tiến cho biết: “Rau rừng hái về chủ yếu nhập cho các nhà hàng, quán ăn. Nhưng đến mùa khách ra đảo đông, chúng tôi tranh thủ giới thiệu bán trực tiếp cho du khách, vừa để quảng bá sản phẩm đặc biệt của đảo vừa bán được giá hơn”. Được biết, mỗi ký rau rừng có giá khoảng 100 - 120 nghìn đồng.
Một buổi lên rừng, một người có thể kiếm được từ 1 - 2kg rau rừng. “Thu nhập tuy không cao nhưng nếu chịu khó thì cũng có được đồng ra đồng vào cho con cái ăn học” - chị Tiến chia sẻ.
Ngoài rau rừng, chị Tiến cũng hái thêm cả lá rừng về phơi khô đem bán cho khách du lịch. Nước lá rừng ở đảo được nhiều du khách ưa chuộng bởi mùi thơm đặc trưng rất dễ uống. Nhiều người tin rằng, nước lá rừng Cù Lao Chàm còn có thể chữa được bệnh.
Vợ chồng ông Nguyễn Năm (ở thôn Cấm) đều đã hơn 60 tuổi, có nhiều năm lên rừng tìm lá, nhưng nghề chính của ông bà vẫn là nghề biển. Mùa này biển lặng, dễ đánh bắt nên sáng nào ông bà cũng cùng nhau ra biển giăng lưới, sau mang cá vào bán cho khách du lịch.
Buổi chiều rảnh rỗi, ông Năm lại cùng vợ lên rừng tìm lá để kiếm thêm thu nhập. “Nhiều tuổi rồi nhưng cũng phải tranh thủ làm thêm để dành dụm lúc ốm đau. Với lại đang mùa đảo thu hút khách nên phải tranh thủ để kiếm thêm thu nhập” - ông Năm chia sẻ.
Giống như rau rừng, lá rừng cũng có hàng chục loại khác nhau, như lá sập, bồ tru, bồ đề, lá riêng… mỗi thứ một ít, được chặt nhỏ, đem phơi khô rồi trộn vào nhau thành thứ nước lá rừng đặc trưng. Mỗi bao lá rừng “thập cẩm” phơi khô được bán với giá 10 nghìn đồng.
Theo người dân, nước lá có tác dụng giúp ăn ngủ ngon, da đẹp, mát gan… Nhờ nước lá có mùi thơm, dễ uống nên hiện nay được rất nhiều du khách ưa chuộng.
Chị Nguyễn Thị Thủy, một du khách lần đầu ra Cù Lao Chàm, chia sẻ: “Ra đảo không chỉ được ngắm nhìn cảnh vật, chứng kiến những hoạt động của người dân trên đảo mà tôi còn đặc biệt ấn tượng với loại rau rừng đặc sản và mùi thơm của nước lá rừng Cù Lao Chàm”.
Có thể bạn quan tâm

Biết tin Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai chương trình thí điểm BHNN, anh Lâm Văn Tiến, hộ nuôi tôm công nghiệp xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu rất mừng. Anh cho biết: Vậy là chúng tôi thấy đỡ hẳn gánh nặng rồi, chứ cứ vừa nuôi tôm vừa ngóng chủ trương, phập phồng theo từng con nước, từng cơn mưa thế này, bà con nuôi tôm cơ cực lắm.

Theo thống kê của Sở Công Thương, 6 tháng đầu năm 2014, giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của nhóm hàng gỗ và lâm sản xuất khẩu (G-LSXK) ước thực hiện gần 140 triệu USD, chiếm tỉ trọng 44,6%, đạt 46,5% kế hoạch năm và tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2013.

Sáng 6-9, Sở NN&PTNT phối hợp Tổng cục nuôi trồng thủy sản tổ chức triển khai Nghị Định số 36/ 2014 của Chính Phủ về việc nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra cho lãnh đạo các huyện kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung và người nuôi cá tra trong tỉnh Sóc Trăng.

Từ bao đời nay, trên dải cát nằm dọc bãi ngang ven biển xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đến cả cỏ cây cũng khó sinh sống được.

Sau gần 2 tháng triển khai Dự án phát triển chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chiều 5.9, Trạm Khuyến nông Thành phố Tây Ninh tổ chức tổng kết Dự án, đánh giá kết quả thực hiện của chương trình này trên địa bàn Thành phố.