Thêm Nguồn Lực Cho Làng Nuôi Cá

Với 500 triệu đồng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của T.Ư Hội ND cho vay, 17 hộ ND ở xã Hà Phong, huyện Hà Trung, Thanh Hóa đang thực hiện dự án nuôi cá nước ngọt có thêm vốn để mua giống, thức ăn cho cá, mở rộng diện tích ao nuôi...
Trong số 17 hộ này có 1 hộ được vay 20 triệu đồng, 16 hộ vay 30 triệu đồng, thời gian vay 24 tháng, lãi suất 0,8%/tháng.
Mở rộng ao nuôi
Anh Lê Ngọc Vi - một trong những hộ tiên phong trong phong trào nuôi cá nước ngọt ở xã Hà Phong cho biết: “Trước đây, toàn bộ diện tích nuôi cá của xã là vùng sình lầy, cấy lúa kém hiệu quả. Năm 2002, thực hiện chủ trương của xã, gia đình tôi ra đây khai hoang lập trang trại nuôi cá và trồng cây ăn quả”.
Tuy nhiên, để có 1ha nuôi cá này, anh Vi phải bỏ ra một số vốn lớn để cải tạo và mua con giống. “Muốn làm ăn lớn phải có vốn. Tôi chủ yếu vay vốn ngân hàng, trừ các khoản chi phí lời lãi thu về không đáng kể” - anh Vi tâm sự.
Năm 2012, anh được Quỹ HTND cho vay 30 triệu đồng. Có thêm vốn, anh mở rộng diện tích ao nuôi lên 1,6ha, mua thêm con giống cá rô phi đơn tính, chép, trôi, mè thả nuôi. Anh vừa thu hoạch 1 lứa cá trong năm nay, sản lượng hơn 20 tấn. Anh ước tính, năm nay thu 2 lứa cá, gia đình anh bỏ túi 300 - 400 triệu đồng. Anh Vi dự tính, sau khi trả hết nợ cho Quỹ HTND, tiền tích luỹ được, anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích ao nuôi.
Hỗ trợ ND làm ăn lớn
Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Hà Trung cho biết: Hà Phong là xã có diện tích nuôi cá lớn với 20ha mặt nước (trong đó 16,8ha của các hộ tham gia dự án). Được Quỹ HTND tiếp thêm vốn, Hội ND lại mở các lớp tập huấn nuôi cá nước ngọt tại địa phương, các hộ nuôi cá đã được tiếp thêm nguồn lực để mở rộng diện tích ao nuôi, mua thêm con giống, thức ăn... nhờ vậy mà thu nhập của các hộ cũng tăng lên.
“Số tiền Quỹ HTND cho vay tuy không nhiều so với số vốn phải bỏ ra để đầu tư, nhưng đã tiếp thêm động lực cho tôi có điều kiện mở rộng quy mô, tăng thu nhập. Với lãi suất ưu đãi, chúng tôi có khả năng trả nợ sớm”.Anh Lê Ngọc Vi
Anh Lê Văn Bộ ở xã Hà Phong chia sẻ: “Cũng như nhà anh Vi, gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên trong xã cải tạo khu đất sình lầy để nuôi cá. Với 1,5ha diện tích mặt nước, tôi phải bỏ vào đó khoảng 400 triệu đồng. Tiền Quỹ HTND?cho vay tuy không nhiều nhưng đã tiếp thêm nguồn lực cho gia đình tôi”.
Ông Lâm cho biết: Hiện, tổng nguồn vốn của Quỹ HTND huyện Hà Trung là 1,009 tỷ đồng. Trong đó có 500 triệu đồng nguồn vốn từ Quỹ HTND của T.Ư Hội ND, còn lại là nguồn vốn của Quỹ HTND huyện và xã. Ngoài dự án nuôi cá nước ngọt, số tiền còn lại Quỹ HTND còn cho các hộ ND trong huyện vay để đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi...
Ông Lâm thông tin thêm, sau khi triển khai dự án cho vay vốn Quỹ HTND, Hội ND huyện đã thành lập ban điều hành giám sát việc thực hiện giải ngân cho các hộ ND, đảm bảo cho vay vốn đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích. Các hộ tham gia dự án nuôi cá nước ngọt còn thành lập nhóm ND nuôi cá để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong việc tiêu thụ sản phẩm...”.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay khi tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra trên đàn vật nuôi thì việc vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh càng được các hộ chăn nuôi đặc biệt quan tâm. Và nuôi lợn theo mô hình khép kín của gia đình anh Bùi Danh Dự, phố Chu Văn An, thị trấn Đầm Hà (huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) là một ví dụ điển hình, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như giảm khả năng mắc bệnh và lây truyền bệnh cho vật nuôi.

Là địa phương có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy, hải sản cả trong đầm nuôi lẫn trên dòng sông Mã, tuy nhiên, nhiều năm, người dân xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) chỉ quen nuôi con tôm, cua và các loại nhuyễn thể trong khu vực ao đầm mà bỏ qua lợi thế trên sông.

Để giải quyết lao động nông nhàn, tăng thêm thu nhập cho người dân, thời gian gần đây các địa phương ở Quảng Nam đã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Bằng sự cần cù, chịu khó, anh Ngô Đắc Ánh, hội viên Hội LHTN xã Thủy Phù (Hương Thủy - Thừa Thiên Huế) đã tạo được mô hình kinh tế phù hợp. Ngoài lãi ròng 30 triệu đồng mỗi năm, anh còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Nhận định về thế mạnh và tiềm lực SX nấm để phát triển thành ngành hàng công nghiệp thực phẩm, các nhà chuyên môn cho rằng ĐBSCL hội tụ đầy đủ yếu tố và đang đứng trước cơ hội vàng.