Thêm Một Vụ Mía Đắng

Các NM đường ở ĐBSCL đang vào vụ ép mới với những khó khăn chồng chất: đường tồn kho nhiều, giá đường đang ở mức rất thấp, SX không hiệu quả.
PV NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đồng (ảnh), GĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang, tỉnh có 3 nhà NM đường và vùng mía nguyên liệu lớn nhất khu vực.
Theo thông báo, chậm nhất đến ngày 20/9 tất cả các nhà máy đường trên địa bàn ĐBSCL sẽ vào vụ. Như vậy có trễ so với mọi năm và sẽ ảnh hưởng như thế nào đến vùng mía nguyên liệu nếu nước lũ đổ về nhanh, thưa ông?
Ngày vào vụ như trên đã được sự thống nhất giữa ngành nông nghiệp và các nhà máy. Đồng thời chấp hành chủ trương chung của Bộ NN-PTNT là chỉ vào vụ khi vùng mía nguyên liệu đạt từ 9 chữ đường trở lên.
Trong 3 nhà máy đường trên địa bàn tỉnh thì Cty TNHH Mía đường - cồn Long Mỹ Phát đã vào vụ từ ngày 30/8, Cty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO) sẽ vào vụ lần lượt là ngày 17/9 (nhà máy Phụng Hiệp) và 20/9 (nhà máy Vị Thanh). Lịch vào vụ như vậy là phù hợp với niên vụ mía đường năm nay.
Còn về vùng mía nguyên liệu có nguy cơ bị ảnh hưởng lũ chủ yếu tập trung tại huyện Phụng Hiệp. Đến nay đã có 5.000/8.345 ha mía của địa phương này được đầu tư hệ thống đê bao và một số diện tích được CASUCO hỗ trợ máy bơm rút nước ra.
Tuy nhiên, bình thường người dân không mặn mà bơm rút nước ra vì sợ tốn thêm chi phí. Trong trường hợp nước lũ đổ về nhanh, có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng mía thì tỉnh sẽ chỉ đạo bơm rút nước ra, nhằm tránh thiệt hại.
Giá mía năm nay được các nhà máy thu mua khá thấp, chỉ khoảng 900 đ/kg mía 10 chữ đường tại cầu cảng nhà máy. Với giá này, liệu người dân trồng mía có lãi?
Giá mía các nhà máy thu mua như vậy là đã được tính toán, phân tích kỹ. Trước hết, không để xảy ra vi phạm giá sàn bao tiêu mà các nhà máy đã ký kết với nông dân là 830 đ/kg. Đồng thời dựa trên hướng dẫn của Bộ NN-PTNT về cách tính giá mía nguyên liệu: giá đường hiện hành - 5% thuế VAT x 60% giá mía 10 chữ đường.
Với giá đường hiện nay chỉ ở mức 12.000 - 12.500 đ/kg, nếu áp theo công thức này thì tính ra giá mía chỉ ở mức 715 đ/kg. Như vậy, giá thu mua hiện nay thể hiện sự cố gắng hết sức của các nhà máy, nhằm chia sẻ khó khăn với nông dân cũng như giữ vùng mía nguyên liệu cho các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, với mức giá này thì nông dân lãi cao lắm cũng chỉ khoảng 4-5 triệu đ/ha, thấp hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, kể cả là so với trồng lúa, trong khi vụ mía kéo dài tới 9-10 tháng. Có thể khẳng định năm nay lại thêm một vụ mía đắng nếu tình hình thị trường thời gian tới không được cải thiện.
Tỉnh sẽ có quy hoạch cũng như những chính sách gì để hỗ trợ người trồng mía nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu cho các nhà máy đường hoạt động trong thời gian tới?
Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát lại quy hoạch để giảm diện tích mía của tỉnh xuống còn từ 10.000 - 12.000 ha, vừa đủ đáp ứng nhu cầu công suất của 3 nhà máy. Hiện nay, diện mía của tỉnh còn 12.600 ha, đã giảm 1.400 ha so với niên vụ trước.
Diện tích giảm được chuyển sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Do vùng mía nguyên liệu Phụng Hiệp có địa hình trũng thấp nên thường bị ngập lũ, người dân phải thu hoạch sớm, sau đó trồng lại vụ lúa tiếp, diện tích khoảng 3.000 ha. Cơ cấu mía – lúa như vậy là không phù hợp, làm tăng chi phí do phải đầu tư trồng lại hàng năm.
Vì vậy, về lâu dài sẽ chuyển vùng mía nguyên liệu chính của tỉnh từ Phụng Hiệp về huyện Long Mỹ, nơi có địa hình cao, phù hợp với trồng mía lưu gốc.
Tập trung thực hiện cánh đồng lớn trong trồng mía để đầu tư cơ giới hóa, giảm lao động thủ công để hạ giá thành sản xuất. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn nữa vào vùng mía nguyên liệu, nhất là về khâu giống, kỹ thuật canh tác để nâng cao năng suất, chữ đường, từ đó nâng cao thu nhập cho người trồng mía.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm

Trước thực trạng dịch cúm gia cầm đã tái phát và xuất hiện tại năm tỉnh gồm Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Ninh Bình và Nam Định, Cục Thú y đã ban hành văn bản số 1286/TY-DT hướng dẫn sử dụng vắcxin phòng bệnh cúm gia cầm do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thuốc thú y trung ương (Navetco) sản xuất.

Gần đây, nhiều hộ nuôi tôm chân trắng tại xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh - Khánh Hòa) đã xuất bán tôm sớm hơn dự định. Tôm chỉ mới được thả nuôi hơn 2 tháng, kích cỡ hơn 140 con/kg đã được xuất bán với giá 83.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do người dân lo ngại thời tiết nắng nóng kéo dài, trong khi nguồn nước dẫn vào đìa nuôi tôm thiếu và bị ô nhiễm, tôm rất dễ bị dịch bệnh.

Từ đầu tháng 8-2012 đến nay, dịch bệnh heo tai xanh đã xuất hiện rải rác tại một số quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ. Các ngành chức năng thành phố đã và đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, dập tắt và không để dịch heo tai xanh lây lan ra diện rộng...

Trong khi người nuôi heo và gia cầm lại gặp khó khăn thì người nuôi bò ở Phú Yên thu lãi lớn vì giá thịt bò đang ở mức cao, thị trường tiêu thụ rộng. Những hộ nuôi bò ở các địa phương đang đầu tư phát triển đàn.

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06/2013/NQ-HÐND ngày 26.7.2013 của HÐND tỉnh về chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương (KCHKM), kênh mương nội đồng (KMNÐ) giai đoạn 2013-2015, hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh ta từng bước được hoàn thiện, phục vụ sản xuất nông nghiệp (SXNN) có hiệu quả hơn. Tuy nhiên so với yêu cầu, tiến độ thực hiện KCHKM vẫn còn chậm do vốn đầu tư thấp.