Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thêm Một Hướng Làm Giàu Cho Nông Dân Bắc Bình (Bình Thuận)

Thêm Một Hướng Làm Giàu Cho Nông Dân Bắc Bình (Bình Thuận)
Ngày đăng: 10/12/2014

Mô hình nuôi dê Bách Thảo đang được nhân rộng và trở thành mô hình sản xuất bền vững quy mô hộ gia đình, mở ra triển vọng làm giàu cho người dân ở huyện Bắc Bình (Bình Thuận).

Ông Bá Đình Tâm - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Bắc Bình cho biết, trước đây chăn nuôi dê cũng được nhiều hộ dân ở Bắc Bình đầu tư, nhưng do giá cả thấp, nhiều hộ không nắm vững kỹ thuật nên tỷ lệ nuôi đạt thấp. Đến tháng 5/2013 Trạm khuyến nông nhận được hỗ trợ 66 con dê giống Bách Thảo từ Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây (Hà Nội). Đây là giống có sức đề kháng, lớn nhanh, trọng lượng cao hơn giống dê địa phương.

Trạm đã tổ chức khảo sát địa bàn, nhận thấy các hộ đăng ký nhận nuôi ở hai xã Phan Hiệp và Phan Điền có đầy đủ điều kiện để chăm sóc và phát triển đàn dê, như có đủ diện tích đất để làm bãi chăn thả và trồng cỏ, thuận lợi đường giao thông, có khả năng đầu tư phù hợp với yêu cầu kỹ thuật và nội dung của mô hình.

Theo đó xã Phan Hiệp có 5 hộ tham gia mô hình, nhận nuôi 23 con dê, xã Phan Điền 10 hộ nhận nuôi 43 con dê, tổng chi phí hơn 390 triệu đồng. Để giúp các hộ nắm vững kỹ thuật trong chăn nuôi, Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây còn tổ chức 2 lớp tập huấn về quy trình chăn nuôi dê, kỹ thuật làm chuồng trại... và hỗ trợ một số lượng cám hỗn hợp ban đầu cho hộ nuôi.

Sau hơn 1 năm giao vật nuôi cho các hộ dân, đến nay đàn dê ở các xã đều phát triển tốt, số lượng đàn tăng nhanh, ở Phan Hiệp là 45 con và Phan Điền là 56 con.

Ông Cửu Hoài Đức (thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp) cho biết, dê là loài ăn tạp, dễ nuôi. Thức ăn cho dê rất đa dạng gồm các loại cây bụi, cỏ trồng, cỏ mọc tự nhiên, các loại lá cây, phế phẩm nông nghiệp (rơm, thân cây ngô, dây đậu, dây thanh long...), các loại củ quả, thức ăn tinh, thức ăn khoáng... Sau hơn 1 năm nhận nuôi, từ 5 con ban đầu đến nay đàn dê tăng lên 12 con.

Hiện có nhiều thương lái đến hỏi mua dê thịt với giá từ 110.000 – 120.000 đồng/kg nhưng ông chưa bán, bởi ông muốn tiếp tục gầy dựng đàn, cung cấp con giống cho người dân trên địa bàn. “So với nuôi bò và heo thì nuôi dê tiết kiệm được thời gian và có hiệu quả cao hơn”, ông Đức nói thêm. Ngoài ra các hộ Quách Thị Kim Nguyên, Đặng Thị Lài (xã Phan Hiệp), Đỗ Văn Dũng, Mang A, Hoàng Quốc Dũng, Bá Tôn (Phan Điền) cũng đã chú trọng tăng đàn và cung cấp con giống các hộ dân trong vùng.

Tuy nhiên để đàn dê phát triển tốt, theo ông Bá Đình Tâm, hộ nuôi cần chú ý khi xây dựng chuồng trại cho dê phải đảm bảo ở nơi khô ráo, sạch sẽ, tránh nắng nóng và ẩm ướt. Chuồng phải có sân chơi để theo dõi và quản lý đàn. Sàn chuồng phải cách mặt đất từ 60 – 80 cm. Theo dõi sức khỏe đàn dê hàng ngày, không cho dê ăn thức ăn ướt, dính nước mưa, bùn đất. Cho dê uống nước sạch có bổ sung thêm một ít muối.

Vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, máng ăn, uống hàng ngày, tiêu độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi 2 tuần/lần. Hàng ngày trước khi chăn thả và sau khi về chuồng phải kiểm tra từng con nhằm phát hiện những con bỏ ăn, đau ốm, chướng bụng đầy hơi để kịp thời điều trị. Tách riêng những con bệnh với con khỏe để theo dõi nhằm tránh lây lan trong đàn. Định kỳ tẩy giun sán và tiêm các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm cho dê như lở mồm long móng, đậu, tụ huyết trùng…

Nguồn bài viết: http://www.baobinhthuan.com.vn/kinh-te/them-mot-huong-lam-giau-cho-nong-dan-bac-binh-72047.html


Có thể bạn quan tâm

Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp Chuyển Biến Mạnh Đồng Bằng Sông Cửu Long Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp Chuyển Biến Mạnh Đồng Bằng Sông Cửu Long

Đây là hội thảo đầu tiên trong khuôn khổ MDEC Sóc Trăng 2014, thu hút 700 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý từ các bộ, ngành Trung ương và địa phương tham dự.

06/11/2014
Xã Hoằng Châu (Thanh Hóa) Thả Nuôi 389 Ha Tôm Sú Vụ Xuân – Hè Xã Hoằng Châu (Thanh Hóa) Thả Nuôi 389 Ha Tôm Sú Vụ Xuân – Hè

Vụ nuôi tôm xuân – hè năm nay, xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) có kế hoạch đưa vào thả nuôi khoảng 25 triệu con tôm sú trên diện tích 389 ha. Hiện nay, các chủ đồng đã đồng loạt thả tôm xuống đồng nuôi, theo kế hoạch, đến cuối tháng 4-2014, toàn xã sẽ hoàn thành việc thả tôm giống.

16/04/2014
“Nuôi Lươn Không Bùn” Coi Chừng Lỗ Nặng! “Nuôi Lươn Không Bùn” Coi Chừng Lỗ Nặng!

Nhiều nông dân ở huyện Phú Giáo (Bình Dương) đã đầu tư hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng để xây dựng chuồng trại nuôi lươn không bùn. Tuy nhiên, sau đợt nuôi đầu tiên chừng vài tháng, không ít người lao đao vì lỗ nặng, nợ tiền vay ngân hàng. Nhiều người bức xúc cho rằng: Mình đã bị lừa!

16/04/2014
Lợi Ích Và Rủi Ro Trong Nuôi Tôm Hùm Ở Miền Trung Lợi Ích Và Rủi Ro Trong Nuôi Tôm Hùm Ở Miền Trung

Tôm hùm, một loại hải đặc sản có giá trị kinh tế cao, đang được chú trọng trong nuôi trồng thủy sản, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, sản lượng hằng năm đạt 1.385 tấn, đem lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho người nuôi. Tuy nhiên, thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm vẫn bộc lộ nhiều hạn chế: rủi ro cao, thiếu tính bền vững.

16/04/2014
Bùng Phát Dịch Tôm Đồng Mỹ Trung (Bình Định) Bùng Phát Dịch Tôm Đồng Mỹ Trung (Bình Định)

Vùng nuôi tôm Mỹ Trung, thuộc thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước - Bình Định), có diện tích hơn 31 ha. Vụ nuôi tôm năm nay, người nuôi tôm ở đây mới thả tôm giống 12 ngày thì tôm bị dịch bệnh chết hàng loạt, đến nay lan rộng trên 23 ha.

16/04/2014