Thêm một cách làm giàu cho nông dân

Đến nay, sau 8 tháng nuôi, mô hình đã cho thấy những thành công ban đầu, cá bống tượng thích nghi và sinh trưởng tốt trong môi trường nuôi tại TX Quảng Yên.
Chủ nhiệm Dự án Vũ Thị Tám trao đổi với 2 hộ tham gia nuôi thử nghiệm cá bống tượng về kết quả đạt được từ đối tượng nuôi mới này.
Hơn 20 năm làm nghề nuôi trồng thuỷ sản, gia đình ông Vũ Văn Lương ở khu 1, phường Nam Hoà có 1.500m2 ao đầm nước ngọt nuôi trồng theo hình thức quảng canh cải tiến.
Song do giá trị kinh tế của các đối tượng nuôi thấp, chủ yếu là những loài cá truyền thống như: Cá trôi, trắm, mè, chép... nên thu nhập của gia đình không cao.
Khi được lựa chọn thực hiện mô hình nuôi thử nghiệm đối tượng mới là cá bống tượng, ông Lương tích cực tham gia triển khai.
Ông Lương cho biết: Qua đài, báo, xem tivi, tôi cũng biết về loài cá bống tượng này lâu lắm rồi.
Nên khi được chọn tham gia nuôi thử nghiệm cá bống tượng, gia đình tôi nhất trí cao.
Nuôi rồi mới thấy, loài cá này thật dễ chăm sóc và có hiệu quả kinh tế.
Cá bống tượng là loài thuỷ sản có giá trị dinh dưỡng cao, là đối tượng nuôi ở môi trường nước ngọt song cá có chất lượng cũng như giá trị kinh tế không thua kém gì so với các loài cá biển khác như cá vược, cá song, cá tráp, cá mú...
Cá bống tượng chỉ sử dụng thức ăn tự nhiên 100%, cho nên sản phẩm thịt cá chắc, dai, thơm ngon.
Là một trong 2 hộ nuôi cùng tham gia mô hình, hộ ông Vũ Tài Khái ở khu 11, phường Hà An dành hẳn 5.000m2 diện tích nuôi trồng của gia đình để tiến hành thả 3.000 con cá bống tượng giống theo đúng mật độ 2 con/m2.
Gia đình ông đã nghiêm túc thực hiện theo đúng quy trình quản lý, chăm sóc cá, cá bống tượng có tốc độ tăng trưởng và phát triển khá nhanh, cá đạt trọng lượng 250 - 300g/con sau 8 tháng nuôi.
Ông Khái chia sẻ kinh nghiệm: Để nuôi đối tượng này thành công trong điều kiện khí hậu miền Bắc, người nuôi cần quan tâm chú trọng đến việc bổ sung thêm nước và thức ăn cho cá khi thời tiết có giá lạnh, cho ăn đúng kỹ thuật.
Nguồn thức ăn cho cá bống tượng hoàn toàn là những thức ăn tự nhiên có trong ao là các loại cá tạp, tép và một số vi sinh vật khác, đặc biệt loài cá này không ăn thức ăn công nghiệp.
Qua theo dõi, tôi thấy tập tính bắt mồi của cá bống tượng rất hay, cá ăn mồi ở tầng đáy, điều này rất phù hợp vì những loại cá tạp chìm dưới đáy, không phải như thức ăn công nghiệp nổi trên mặt ao, cho nên việc cho cá ăn hoàn toàn đơn giản mà không khó khăn gì.
Bà Vũ Thị Tám, cán bộ Trạm Khuyến nông thị xã, Chủ nhiệm Dự án, đánh giá: Khi lựa chọn đối tượng cá bống tượng vào nuôi thử nghiệm tại địa phương, chúng tôi theo dõi rất chặt chẽ, kỹ lưỡng.
Với 6.000 con cá giống được thả, sau 8 tháng triển khai, đến thời điểm cuối vụ nuôi hiện nay, chúng tôi thấy được loài cá bống tượng có khả năng chống chịu tốt các yếu tố môi trường khắc nghiệt, trước đây nguồn gốc của cá sống ở môi trường nắng nóng quanh năm vậy mà giờ đây cá phải sống ở nơi có điều kiện khí hậu nóng ẩm nhưng cá vẫn hoàn toàn phát triển khoẻ mạnh; tỷ lệ sống đạt 75%.
Cá có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, đạt trọng lượng bình quân 250 - 300g/con sau 7 tháng nuôi.
So với nuôi các loài cá nước ngọt truyền thống ở địa phương, cá bống tượng có ưu điểm vượt trội hơn hẳn về kỹ thuật nuôi đơn giản, về khả năng kháng bệnh tốt, giá trị dinh dưỡng, giá trị kinh tế cũng như năng suất sản lượng mà cá mang lại.
Với thành công đạt được của mô hình nuôi cá bống tượng thương phẩm sẽ giúp các hộ nuôi trồng cá nước ngọt tại TX Quảng Yên có thêm 1 đối tượng mới, góp phần đa dạng hoá và thay thế các đối tượng nuôi cá nước ngọt giá trị kinh tế thấp, nâng cao năng suất để mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ nuôi.
Đồng thời, cung cấp cho thị trường một lượng lớn sản phẩm cá bống tượng dinh dưỡng, sạch, an toàn, lấp khoảng trống của sự khan hiếm cá bống tượng từ trước tới nay trên thị trường tỉnh Quảng Ninh.
Qua đó góp phần phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt cho các hộ dân một cách bền vững, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Hàng năm, diện tích cũng như sản lượng nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn Quảng Ninh liên tục tăng. Kết quả này có một phần đóng góp không nhỏ của Trung tâm Khoa học và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh trong việc nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm thành công nhiều giống mới, đáp ứng nhu cầu về giống cho sự phát triển bền vững nghề nuôi trồng thuỷ sản.

Nhờ áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật với quy trình sản xuất xoài đạt chuẩn GlobalGAP, Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) từng bước khẳng định thương hiệu, vươn ra thị trường thế giới. Bình quân mỗi héc ta trồng xoài cát Chu và xoài cát Hoà Lộc lãi từ 100 - 200 triệu đồng.

Chuẩn bị bước vào vụ đông xuân, thay vì cách làm truyền thống phát dọn cỏ trước khi gieo sạ, không ít nông dân ở nhiều nơi trong tỉnh lựa chọn cách dùng thuốc để diệt cỏ. Việc lạm dụng quá mức thuốc diệt cỏ không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái mà cả sức khỏe con người.

Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bến Tre chọn cá điêu hồng làm mô hình trình diễn tại hộ ông Trịnh Công Trung - ấp 10 - xã Tân Thạch (Châu Thành).

Trong năm, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất hoa màu tiếp tục được quan tâm. Cụ thể, thực hiện 7 mô hình trình diễn rau an toàn (RAT); 4 mô hình sản xuất RAT gắn với tiêu thụ và nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo lồng ghép trong các chương trình, dự án... Từ đó, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng (bắp 7 tấn/ha, đậu nành 2,1 tấn/ha, rau muống lấy hạt 2,5 tấn/ha). Sản xuất RAT diện tích trên 150ha, đạt 83,5% kế hoạch nhưng hầu hết diện tích rau đều sản xuất nhỏ lẻ, chưa có liên kết sản xuất và tiêu thụ.