Thêm 3 tấn vải thiều chuẩn bị xuất đi Australia

Trao đổi với VnExpress, ông Mai Xuân Thìn - Giám Đốc kinh doanh công ty Rồng Đỏ (TP HCM) cho biết đang đợi kết quả kiểm tra cuối cùng về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của vùng vải tại Chí Linh và Thanh Hà (Hải Dương). “Nếu đảm bảo chúng tôi sẽ thu hoạch luôn trong tuần này”, vị này cho biết.
Do xưởng đóng gói của doanh nghiệp tại miền Bắc vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện nên sau khi thu mua và tuyển lựa, trái vải sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không vào TP HCM để đóng gói và tiến hành chiếu xạ, nhằm đảm bảo hàng có thể xuất đi trong ngày 10/6.
Về số lượng vải thu mua, lãnh đạo Rồng Đỏ cho biết tùy thuộc sản lượng vải đủ tiêu chuẩn VietGap. "Kể cả 10-20 tấn, doanh nghiệp vẫn có thể thu mua vì ngoài xuất khẩu, vải còn có thể tiêu thụ tại các siêu thị nội địa”, ông Thìn chia sẻ. Cùng đó, giá thu mua phụ thuộc thời điểm thu hoạch nên doanh nghiệp chưa thể định giá lúc này, song vị này khẳng định sẽ mua cao hơn giá thị trường.
Trong khi đó, tại Bắc Giang, vụ vải sớm đang được thu hoạch, chủ yếu là giống U Hồng và lai Thanh Hà. Đây cũng là giống vải được công ty Ánh Dương Sao thu mua để xuất khẩu sang thị trường Mỹ vào 30/5.
Ông Phùng Trần Hoạt (thôn Kép 1, Hồng Giang) cho biết, với giống vải sớm năm nay gia đình ông thu hoạch khoảng một tấn. Hiện giá bán tại địa phương dao động 20.000-22.000 đồng một kg, chủ yếu cho các lái buôn trong nước về thu mua để cung cấp cho một số thành phố lớn. "Tuy mức giá thấp hơn với năm ngoái, song mới là đầu vụ nên vài ngày tới khi thu hoạch rộ, khả năng giá sẽ tăng hơn”, ông nói.
Ông Hoạt cũng cho biết, ngoài nhóm trồng số 6 đã được doanh nghiệp lựa chọn trước đó, hiện gia đình ông cùng 5 hộ trồng khác trong nhóm mã vạch 5 đã được doanh nghiệp cam kết thu mua. Khoảng 10 ngày nữa vải thiều mới chính vụ, do vậy ông cùng các hộ trồng khác đang trong quá trình chuẩn bị thu hoạch.
Là năm đầu tiên thu mua để đưa hàng mẫu sang Mỹ và Australia, nên khâu bảo quản được ông Hoàng Ngọc Khải - Giám đốc công ty Việt Pháp (Lục Ngạn) tập trung đầu tư. Một hệ thống nhà xưởng với công nghệ bảo quản chế biến tại chỗ đã được công ty hoàn thiện cách đây vài ngày. Vị này dự kiến sẽ đưa 2-3 tấn vải mẫu xuất sang 2 thị trường nước ngoài khi vải chính vụ thu hoạch. "Việc làm bao bì mới đang được doanh nghiệp tiến hành để khi chiếu xạ không phải tháo dỡ hàng như hiện nay”, ông Khải cho hay.
Trước đó, ngày 30/5, lô vải thiều đầu tiên đã được xuất khẩu sang Mỹ, trong 1/6 tiếp tục có 6 tấn hoa quả (trong đó có một tấn vải) tiếp tục lên đường sang thị trường này. Đến nay, tuy chưa tiết lộ được số lượng xuất khẩu, song cơ quan quản lý khẳng định Mỹ và Australia là hai thị trường khó tính, mới mở cửa với quả vải Việt Nam nên năm nay chưa hy vọng vào việc xuất khẩu với số lượng lớn.
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết tổng sản lượng vải thiều năm nay của 2 tỉnh là Bắc Giang và Hải Dương đạt trên 200.000 tấn. Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 60%, tương ứng 120.000 tấn, số còn lại sẽ xuất khẩu. Để chuẩn bị cho việc tiêu thụ vải thiều thuận lợi, Bộ Công Thương đã và đang kết nối cung - cầu giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối nội địa, trong đó xác định thị trường phía Nam vẫn là khu vực tiêu thụ quan trọng, chiếm khoảng 43% tổng sản lượng vải bán trong nước.
Có thể bạn quan tâm

Chuẩn bị sẵn sàng phục vụ thị trường xoài Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, năm nay 42 xã viên của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (Đồng Tháp) dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường trên 120 tấn xoài các loại, chủ yếu là xoài cát chu (xoài cát hòa lộc chỉ chiếm khoảng 10%).

Sau thời gian triển khai công tác chống dịch, đến nay có khoảng 2.100/2.700 ha nhãn tiêu da bò bị bệnh “chổi rồng” đã phục hồi và phát triển trở lại sau khi được cắt tỉa và phun thuốc (trong đó có 600ha cho trái).

Vụ vú sữa năm nay hầu hết nhà vườn đều trúng mùa, trúng giá nhờ thời tiết thuận lợi, trình độ thâm canh của bà con nâng lên và vú sữa Lò Rèn đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tháng 12 vừa qua, cam sành thôn Thuốc Thượng 1, xã Tân Thành (Hàm Yên - Tuyên Quang) đã được Viện Khoa học sự sống (Bộ Nông nghiệp và PTNT) chính thức công nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Đây tiếp tục là bước tiến quan trọng góp phần nâng cao giá trị cam sành Hàm Yên nói chung và vùng cam Tân Thành nói riêng.

Theo các hộ nông dân, bưởi đường lá cam Bạch Đằng hiện nay không đủ cung ứng cho các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, trong đó thị trường tiêu thụ chủ yếu hiện nay là Hà Nội.