Thêm 3 Giống Lúa Thuần Chất Lượng Cao

Để đáp ứng nhu cầu giống lúa phục vụ sản xuất, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã tích cực đưa vào khảo nghiệm nhiều giống lúa mới cho năng suất, chất lượng tốt. Kết quả đã xác nhận thêm 3 giống lúa có chất lượng là Hoa ưu 109, PC6 và AQ6.
Giống lúa thuần Hoa ưu 109 là một trong những giống đã được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Tổng Công ty giống cây trồng con nuôi Ninh Bình khảo nghiệm thành công tại các huyện Đắk Mil, Đắk R’lấp và thị xã Gia Nghĩa trong vụ hè thu vừa qua.
Trong 4 tháng trình diễn, giống Hoa ưu 109 cho thấy nhiều ưu điểm như tỷ lệ nảy mầm trên 90%, mạ sinh trưởng khỏe, chiều cao cây đạt 100 – 110 cm, đẻ nhánh sớm, bông to và đóng hạt dày. Cùng với khả năng chống chịu hạn và kháng bệnh tốt, nhất là bệnh đạo ôn, cổ bông, khô vằn và lem lép hạt, dễ thâm canh, giống lúa thuần Hoa ưu 109 còn cho năng suất cao, trung bình đạt 6,5 – 7,5 tạ/sào.
Anh Nguyễn Hữu Nhân, một trong những hộ tham gia mô hình tại xã Đức Mạnh (Đắk Mil) cho biết: “Tôi rất mừng vì được trực tiếp tham gia khảo nghiệm giống lúa mới vì vừa được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn tận tình vừa tìm được giống lúa mới phù hợp ngay tại ruộng gia đình đang canh tác. Tôi thấy giống lúa này cũng dễ trồng và chăm sóc nên trong vụ tới chắc chắn sẽ thêm vào danh sách giống lúa cần gieo cấy của gia đình”.
Tương tự, giống lúa PC6 cũng đạt được kết quả khả quan khi khảo nghiệm tại cánh đồng lúa xã Nam Dong (Chư Jút). Với thời gian sinh trưởng 90 - 93 ngày, dạng hình gọn, cứng cây, đẻ nhánh sớm, khỏe; chiều dài bông từ 24-26cm, to; chống chịu sâu bệnh khá; trong quá trình canh tác ít xuất hiện các loại sâu bệnh hại như bệnh thối bẹ, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn, chịu thâm canh và thích ứng rộng, năng suất cao.
Ngoài ra, PC6 còn cho tỷ lệ gạo/lúa cao, đạt 70%, hạt gạo ít gãy vụn, gạo trắng trong, không bạc bụng, cơm mềm, bóng và đậm. Theo UBND xã Nam Dong thì trong quá trình canh tác lúa, do thói quen nên bà con vẫn sử dụng một số giống lúa địa phương cho năng suất thấp, khả năng kháng bệnh yếu và dễ mắc các bệnh hại lúa nguy hiểm như rầy nâu, rầy lưng trắng.
Do vậy, ngành nông nghiệp đưa các giống mới vào khảo nghiệm, đánh giá kết quả ngay tại các chân ruộng sẽ giúp người dân yên tâm chọn giống mới vào gieo cấy. Dựa vào kết quả khảo nghiệm thành công ở mô hình trình diễn, xã sẽ bổ sung thêm giống lúa PC6 vào bộ giống của xã để khuyến khích nông dân đưa vào gieo cấy thay thế một số giống đã thoái hóa.
Theo Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư tỉnh thì trong vụ hè thu 2013, ngoài hai giống lúa đã nêu, đơn vị cũng đã tiến hành khảo nghiệm thêm 2 giống lúa khác và thấy giống lúa AQ6 phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, khả năng kháng sâu bệnh cao, dễ thâm canh, năng suất cao, có thể bổ sung vào bộ giống của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Năm qua là một năm đại thắng lợi của con tôm thẻ chân trắng. Trên đà đó, tôm thẻ tiếp tục được phát triển mạnh ở ĐBSCL và đang tiếp tục át vía tôm sú, kể cả ở những nơi chưa cho phép nuôi loại tôm này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng không thể bỏ tôm sú bởi nó vẫn có giá trị lớn.

Từ đầu tháng 12.2013 đến nay, giá gỗ nguyên liệu keo, bạch đàn trên địa bàn tỉnh Bình Định liên tục tăng, hiện đang ở mức 1,15 - 1,2 triệu đồng/tấn; tăng 300 - 400 ngàn đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giá gỗ nguyên liệu tăng mạnh là do các nhà máy dăm trong tỉnh cạnh tranh mua nguyên liệu, đẩy giá lên cao.

Là một trong những người đầu tiên mang loại dừa xiêm Mã Lai về trồng tại vùng đất Lê Minh Xuân, anh Lê Minh Đức (sinh năm 1973, ngụ ấp 2, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) hiện đang “sống khỏe” nhờ loại cây này.

Đầm Dơi là huyện có diện tích nuôi tôm công nghiệp lớn nhất trong tỉnh Cà Mau với trên 2.200 ha. Nếu như trước đây, những hộ giàu, hộ khá, hộ có đất nhiều mới nuôi, thì bây giờ, không ít hộ nghèo, cận nghèo, hộ có đất sản xuất ít vẫn mạnh dạn nuôi và bước đầu đã thành công.

Năm nay, nông dân xã Bằng Khánh, một trong những địa phương có diện tích khoai tây vụ đông lớn nhất huyện, xuống giống trên 30ha. Như đã thành nếp, ngay sau khi thu hoạch lúa mùa, nông dân trong xã bắt tay vào làm đất, trồng khoai tây vụ đông với phương châm “lúa thu hoạch đến đâu, làm đất trồng khoai tây đến đó”. Ở Bằng Khánh, nhà ít cũng trồng 1 - 2 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2), nhà nhiều trồng 4-5 sào khoai tây.