Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thay Đổi Tư Duy Về Cây Lúa

Thay Đổi Tư Duy Về Cây Lúa
Ngày đăng: 24/03/2014

Thay đổi tư duy về cây lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng chính là một cách nhìn, hành động có trách nhiệm với cây lúa.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn cho vựa lúa quan trọng bậc nhất cả nước.

Điều này cho thấy cần thiết phải có một sự thay đổi căn bản trong điều hành sản xuất, tiêu thụ lúa gạo và các sản phẩm nông nghiệp khác. Đây được cho là lúc để ngành nông nghiệp nhìn lại mình, quy hoạch lại cơ cấu vật nuôi, cây trồng một cách hợp lý, nâng cao hiệu quả sản xuất, ổn định cuộc sống cho hàng chục triệu nông dân.

Hơn 20 năm trước, từ một nước thiếu lương thực, nhờ vào sự thay đổi cơ chế mà Đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành vựa lúa chính, đảm bảo lương thực cho cả nước. Rồi từ chỗ đủ ăn, chúng ta đã dần vươn lên thành cường quốc xuất khẩu gạo với sản lượng hơn 7 triệu tấn trong năm ngoái. Đó là một thành tích thật đáng tự hào.

Nhưng, ngay khi việc xuất khẩu gạo thuận lợi, nhiều chuyên gia đã có ý kiến lo ngại vì khối lượng xuất khẩu lớn nhưng giá trị kinh tế mang lại không cao. Đó là sự cảnh tỉnh cần thiết. Nay, khi xuất khẩu gạo khó khăn, nông dân không có lãi như kỳ vọng thì điều đó lại càng hiện hữu.

Một lần nữa, Chính phủ quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo nhằm chặn giá lúa xuống quá thấp. Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng tạm trữ gạo chỉ là giải pháp tình thế, chỉ nên dùng một lần, rồi sau đó phải có chiến lược dài hơi, căn cơ hơn cho việc sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo.

Thực tế năm nào chúng ta cũng mua tạm trữ, nhưng việc này chỉ có thể ngăn giá lúa không giảm sâu, chứ không làm giá lúa tăng thêm, hạt gạo Việt Nam ngày càng bị cạnh tranh gay gắt bởi gạo các nước trong khu vực. Hay nói cách khác là chúng ta sản xuất mà không dựa vào nhu cầu của thị trường.

Lẽ ra phải tìm hiểu thị trường thế giới cần gì, từ đó giao chỉ tiêu sản xuất ở vùng nào mà hạt gạo đạt chất lượng cao nhất, giá thành sản xuất thấp nhất để tăng tính cạnh tranh cho hạt gạo, thì đằng này, nông dân vẫn cứ sản xuất một số giống lúa phẩm cấp thấp, giá trị xuất khẩu không cao. Chủ trương để người trồng lúa có lãi 30% trong giá thành sản phẩm xem ra còn rất xa vời.

Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng cần thay đổi từ gốc vấn đề. Thay vì đưa tiền cho doanh nghiệp, hãy thông qua các hợp tác xã này “đưa tiền” trực tiếp cho nông dân để họ tạm trữ. Nông dân dùng tiền đó trả nợ ngân hàng và tái đầu tư sản xuất vụ mới, chờ giá lúa tăng; tổ chức lại sản xuất theo mô hình hợp tác xã, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để có lượng nông sản hàng hóa lớn, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Mà cánh đồng lớn là mô hình cần phải nhân rộng.

Một nghịch lý khác là trong khi mỗi năm cả nước xuất khẩu trên 7 triệu tấn gạo, thu về khoảng 3 tỉ USD, chúng ta cũng phải bỏ ra chừng ấy ngoại tệ để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu.

Nếu tính cả lượng nhập khẩu ngô, đậu tương và lúa mì, con số ấy là trên 4 tỷ USD. Chi phí thức ăn chiếm tới 70% cơ cấu tạo giá thành sản phẩm chăn nuôi. Mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 12,5 triệu tấn thức ăn thì 72% trong số ấy phải nhập ngoại. Nghĩa là người chăn nuôi đang làm gia công cho các công ty nước ngoài là chủ yếu.

Thực tế này đòi hỏi phải thay đổi tư duy về cây lúa. Chúng ta có quyền tự hào về thành tích xuất khẩu gạo cũng hoàn toàn có lý khi quyết tâm giữ 3,8 triệu ha đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực.

Nhưng giữ đất lúa không có nghĩa là tất cả đều phải trồng lúa, để rồi lãng phí cơ hội phát triển các loại cây trồng vật nuôi khác có giá trị hơn như ngô, đậu tương, thủy sản, gia súc. Nếu những vùng đất kém hiệu quả được chuyển sang trồng ngô và đậu tương, trồng cỏ thì chúng ta không phải tốn 3-4 tỉ USD mua thức ăn chăn nuôi mỗi năm, hơn 7 triệu con trâu, bò trong nước không phải thiếu thức ăn, thịt bò Việt Nam không bị thịt bò Australia, New Zealand ép giá.

Hãy để nông dân được quyền quyết định trên mảnh đất của mình. Không thể bắt nông dân cứ trồng lúa, nếu việc ấy không đem lại một cuộc sống tốt hơn cho họ. Thay đổi tư duy về cây lúa, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giảm hợp lý diện tích lúa để thay vào đó bằng những loại cây trồng khác chính là một cách nhìn, một lối suy nghĩ, một hành động có trách nhiệm với cây lúa, với hạt gạo Việt Nam.


Có thể bạn quan tâm

Ba ba, cua đinh giống hút hàng Ba ba, cua đinh giống hút hàng

Hiện nay phong trào nuôi ba ba và cua đinh đang phát triển mạnh ở các tỉnh ĐBSCL, vì có đầu ra ổn định,đồng thời giúp nhiều nông dân làm giàu.

06/05/2015
Chủ tịch nước khảo sát mô hình nông nghiệp công nghệ cao Chủ tịch nước khảo sát mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Trong dịp lễ 30/4 và 1/5, nhân chuyến công tác phía Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm và khảo sát một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) tại tỉnh Lâm Đồng.

06/05/2015
Hung thần trên vùng biển Tây Nam Hung thần trên vùng biển Tây Nam

Những năm gần đây, tình trạng khai thác thủy sản ven bờ bằng tàu có công suất nhỏ đã làm nguồn lợi thủy sản vùng biển Tây Nam (ở địa bàn 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang) bị suy giảm nghiêm trọng. Hệ sinh thái thủy sản ven bờ sẽ tiếp tục cạn kiệt nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ.

06/05/2015
Ngư dân xã đảo Nhơn Châu trúng mùa cá cơm săn Ngư dân xã đảo Nhơn Châu trúng mùa cá cơm săn

Ông Phan Văn Binh, Bí thư Đảng ủy xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), cho biết: Năm nay mùa cá cơm săn đến sớm hơn mọi năm nên trong những ngày qua cá cơm săn xuất hiện nhiều trên vùng biển ven bờ xã đảo Nhơn Châu và có khoảng 250 hộ dân đang tập trung khai thác loại hải sản này. Sau một đêm, mỗi hộ đánh bắt được 50 - 70kg, có hộ trúng đậm trên 100kg nên ngư dân có được một khoảng thu nhập khá từ việc đánh bắt cá cơm săn.

06/05/2015
Tăng cường quan trắc cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh trong nuôi thủy sản Tăng cường quan trắc cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh trong nuôi thủy sản

Tỉnh Nam Định có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế thủy sản. Những năm gần đây, phong trào nuôi thủy sản ở tỉnh ta đã và đang có bước phát triển mạnh cả về quy mô, diện tích và sản lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nghề nuôi thủy sản đang chuyển dần từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh, nuôi công nghiệp với quy mô lớn về diện tích, tạo ra sản phẩm thủy sản tập trung, có giá trị kinh tế và xuất khẩu.

06/05/2015