Thất Thu Sau Khi Dùng Thuốc Dưỡng Lúa

Trái với mong đợi của nhà nông, sau khi xịt thuốc dưỡng lúa hiệu “9 trong 1” do Công ty Hóa nông lúa vàng sản xuất, nhiều đồng lúa ở ấp Đòn Dong (xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) nguy cơ thất thu nặng… Chuyện xảy ra khoảng hơn nửa tháng nay.
Ngành chức năng đã tìm về tận địa phương này để tìm hiểu rõ nguyên nhân nhưng vẫn chưa có trả lời chính thức.
Đưa chúng tôi ra tận đồng lúa hơn 30 công của gia đình, ông Phạm Hoàng Tiếp, hộ dân ở ấp Đòn Dong lội xuống tận ruộng nhổ liên tục nhiều bụi lúa đã vàng bông. Đưa cho chúng tôi tận mắt mới biết hầu hết các bông lúa đều bị ngã, bị lép, vỏ bị khô như vỏ trấu.
Ông nói: “Phải hôm đó tôi phun cùng loại thuốc với ông bạn láng giềng thì giờ này lúa nhà tôi cũng thu hoạch như ruộng bên đó chứ không phải thê thảm như thế này. Ham năng suất cao nhưng tới ngày thu hoạch không dám mướn gặt, lỗ tiền công”.
Ông Tiếp kể, ngày 22-7, ông đến đại lý thuốc bảo vệ thực vật của ông Nguyễn Văn Lực (cùng ấp) hỏi mua thuốc về phun để dưỡng hạt cho đồng lúa đang giai đoạn ngậm sữa. Ông Lực tư vấn ông Tiếp mua và sử dụng 4 cặp thuốc hiệu CureGold và Physan (giải pháp 9 trong 1) do Công ty Hóa nông lúa vàng (trụ sở chính số 50, đường số 7, KDC Trung Sơn, Bình Hưng, Bình Chánh, TP HCM) sản xuất. Ông Tiếp đồng ý.
Hôm sau, ông Tiếp pha chế thuốc theo chỉ dẫn và thuê một nhân công để phun giáp đồng lúa nhà mình. Tuy nhiên, phun gần giáp ruộng thì người phun thuốc thuê cho ông Tiếp hay không tiếp tục phun thuốc này được nữa vì ruộng lúa nhà ông Tiếp có biểu hiện lạ.
Chạy ra thăm đồng, ông Tiếp muốn “té ngửa” vì bông lúa nào đã ngậm sữa từ trước thì đậu sữa cứng hạt, còn những bông chưa ngậm sữa thì “dựng cờ”. Chỉ vài ngày sau, bông lúa bị thúi, ngã ngang, trổ màu vàng nhưng không có gì bên trong, nhẹ như vỏ trấu. Số bông bị hư, lép ấy theo lời ông Tiếp chiếm khoảng 80% diện tích đồng lúa nhà ông.
Nguy cơ gần như trắng tay vào cuối vụ, ông Tiếp nhổ luôn bụi lúa mang tới nhà ông Lực đòi ông này bồi thường. Ông Lực suy tính, thương lượng chấp nhận bồi thường 50% nhưng bắt ông Tiếp phải trừ đi 20% vì cho rằng trong vùng đang có bệnh đạo ôn cổ bông.
“Trước khi phun, lúa nhà tôi mơn mởn. Chòm xóm qua coi còn đánh giá từ 30-40 giạ mỗi công vào cuối vụ mà ông Lực thường vậy tôi đâu có chịu nên tôi kiện lên UBND xã Khánh Lộc nhờ can thiệp đòi ông Lực bồi thường thỏa đáng” – ông Tiếp nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cùng cảnh như ông Tiếp còn có đồng lúa của một số hộ dân cùng ấp, như: ông Tám Lu (Võ Minh Lưu), bị thiệt hại khoảng 10 công; chú cháu ông Út Đực, khoảng 14 công…
Ông Trần Hoàng Ai, Phó Trưởng ban Nhân dân kiêm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Đòn Dong, cho biết: Nhiều hộ địa phương và hộ vùng lân cận có lúa bị thiệt hại sau khi phun thuốc “9 trong 1” nhưng đến nay chỉ có hộ ông Lưu và ông Tiếp là có đơn trình báo.
Chia sẻ và cùng tâm trạng bất an như nhà nông địa phương, anh Đặng Minh Sơn, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Khánh Lộc nói rằng đã báo cáo tình hình về trên nhờ can thiệp và từ chối bình luận nguyên nhân lúa bị hư hại.
Trung tuần tháng 8-2014, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đến tận ấp Đòn Dong thực địa và ghi nhận ý kiến hộ dân có lúa bị thiệt hại sau khi phun thuốc hiệu “9 trong 1” và đại lý bán loại thuốc này tại cơ sở do ông Nguyễn Văn Lực làm chủ.
Đoàn cán bộ này ghi biên bản và hứa trình lãnh đạo sau chuyến đi này để có hồi âm sớm nhất cho bà con ở ấp Đòn Dong cũng như những hộ có lúa bị thiệt hại.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thế Tài, Chánh thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: Đã chỉ đạo thực tế tại ấp Đòn Dong, đơn vị của ông cũng đang rà soát coi còn nơi nào hộ trồng lúa gặp tình cảnh tương tự. “Sau khi tổng hợp các mẫu và gởi phân tích, chúng tôi sẽ có câu trả lời thỏa đáng cho hộ dân nguyên nhân lúa thiệt hại sau khi phun thuốc “9 trong 1” là do lỗi của nhà sản xuất thuốc hay do lỗi của nơi bán thuốc hoặc do lỗi của nhà nông sử dụng không đúng liều, không đúng cách” – ông Phạm Thế Tài khẳng định.
Có thể bạn quan tâm

Sáng 6-12, tại xã Vĩnh Yên, Sở NN và PTNT tỉnh Lào Cai và UBND huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã tổ chức công bố Quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) về chỉ dẫn địa lý đối với trâu của huyện Bảo Yên (Lào Cai).

Thực hiện dự án phát triển cây bưởi đặc sản, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) đã phối hợp với các ngành chức năng đưa ra nhiều giải pháp nhằm ổn định diện tích và nâng cao năng suất, chất lượng quả.

Đầu tư trang trại nuôi heo lớn kết hợp xây dựng hầm chứa biogas, rồi lại dùng gas chạy máy phát điện nghiền thức ăn, chiếu sáng, tắm heo… giúp tiết kiệm chi phí. Đó là cách làm của anh Lê Tấn Hải (thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang) với mô hình nuôi heo an toàn sinh học (ATSH).

Thời gian gần đây, người trồng sả ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) rất phấn khởi do giá sả liên tục ổn định ở mức cao, nhiều hộ thu lợi nhuận tới 150 triệu đồng/ha/năm. Chính vì vậy, từ đầu năm 2013 đến nay, diện tích trồng sả ở địa phương liên tục tăng, hiện đạt gần 450ha.

Nhằm nâng cao hiệu quả canh tác trên vùng đất pha cát nhẹ ven chân núi Ba Thê, nông dân thị trấn Óc Eo (Thoại Sơn - An Giang) đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong đó, phải kể đến mô hình trồng khoai cao xen canh với lúa, vừa mang lại lợi nhuận cao vừa có tác dụng cải tạo đất hiệu quả.