Thấp Thỏm Lo Gà Nhập Lậu Lấn Át Gà Nội

Thời điểm này, người chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hải Phòng sẵn sàng chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới và hồi hộp chờ giá cả. Tuy nhiên, điều các hộ chăn nuôi lo lắng nhất là gà nhập lậu liệu có ồ ạt phân phối ngoài thị trường.
Dẫn khách đi thăm quan khu trại chăn nuôi gà của gia đình, chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Hoàng Lâu 1, xã Hồng Phong (huyện An Dương) cho biết, chị đang nuôi 2000 con gà, trong đó, một nửa đàn để phục vụ thị trường Tết. Với chị, Tết năm nay sẽ đặc biệt hơn, bởi đàn gà nuôi của chị đạt tiêu chuẩn về chăn nuôi sạch. "Từ năm 2012, tôi tham gia nhóm Gahp, được trang bị đầy đủ kiến thức về chăn nuôi. Từ khâu chuẩn bị chuồng trại, chọn giống đến khâu chăn nuôi khá cầu kỳ.
Vì thế, người tiêu dùng sẽ không lo gà không bảo đảm chất lượng"- chị Lan chia sẻ. Theo chị Lan, tính riêng trên địa bàn xã Hồng Phong có hàng chục trại chăn nuôi gà quy mô lớn nhỏ khác nhau nên thị trường không sợ thiếu. Cũng vì thế không có chuyện giá gà cao ngất ngưởng. Chị Lan chia sẻ thêm, chị cũng không muốn giá gà tăng quá cao, bởi giá tăng cao hay xuống thấp đều không có lợi về lâu dài với người chăn nuôi. Tại nhà anh Phạm Quốc Huy, 1000 con gà cũng chờ ngày xuất chuồng.
"Từ đây đến Tết, gà nặng trung bình 1,3-1,5kg, phù hợp cho nhu cầu của người tiêu dùng cúng Tết, rằm tháng Giêng và lễ hội đầu năm" - anh Huy cho biết. Cũng như các hộ chăn nuôi khác trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, ông Trần Văn Mẫn ở xã Lại Xuân cũng khấp khởi chờ ngày gà xuất chuồng. Ông cho biết, trại gà của ông có quy mô đàn 6000 con, trong đó, một nửa chủ yếu phục vụ thị trường dịp Tết.
Tuy nhiên, ngoài nỗi lo về giá cả, điều khiến chị Lan, anh Huy, ông Mẫn và nhiều hộ chăn nuôi khác trên địa bàn thành phố lo lắng nhất hiện nay là tình trạng gà nhập lậu. Chị Lan cho biết, không chỉ dịp Tết, bình thường trên địa bàn có không ít xe chở gà từ các tỉnh khác như Hải Dương, Thái Bình, Hà Bắc...về địa phương tiêu thụ. Không rõ chất lượng sản phẩm thế nào, nhưng do giá rẻ hơn nên vẫn là lựa chọn của nhiều tiểu thương. Bên cạnh đó, gà từ nơi khác nhập về nhưng nhiều khi lấy mác sản xuất chăn nuôi trong xã khiến người mua nhầm lẫn. Điều này gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi trên địa bàn.
Ông Mẫn nhớ lại thời gian thị trường tràn ngập gà Trung Quốc, do giá gà Trung Quốc rẻ nhiều hơn so với gà ta, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn bán thì không có lãi, không bán thì không biết tiêu thụ ở đâu. Thời gian đó, ông giảm đàn nuôi và từng có ý định bỏ chăn nuôi chuyển sang nghề khác. Theo ông Đào Xuân Mến, Phó trưởng trạm Khuyến nông, khuyến ngư huyện An Dương từ năm 2012, huyện triển khai thực hiện dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm, 218 hộ chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn 5 xã tham gia chương trình.
Tham gia chương trình, các hộ chăn nuôi phải đáp ứng 29 tiêu chí về chăn nuôi sạch. Nói như thế vừa để thấy các hộ chăn nuôi đều chú trọng khâu sản xuất sạch, vừa để thấy sự thiệt thòi của các hộ chăn nuôi như thế nào nếu gà nhập lậu tràn vào địa bàn.
Nỗi lo gà nhập lậu không chỉ ở năm nay, mà với người chăn nuôi lúc nào cũng canh cánh trong lòng. Đến hẹn lại lên, gà nhập lậu lại tràn vào khiến nhiều hộ chăn nuôi thu hẹp sản xuất, một bộ phận nông dân không còn mặn mà với công việc chính của mình. "Chúng tôi chỉ mong ngành chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra, để giúp người chăn nuôi yên tâm hơn trong sản xuất" - ông Mẫn chia sẻ.
Ngăn chặn tình trạng gà nhập lậu, các địa phương cũng thực hiện các biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm khi phát hiện có xe chở gà qua địa bàn. Tuy nhiên, chỉ một mình địa phương làm thì cũng không ngăn được tình trạng này. Vì vậy, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc phát hiện và xử lý hàng nhập lậu.
Có thể bạn quan tâm

Cá tràu tiến vua và cá rô Tổng Trường là hai loài cá quý hiếm đặc hữu của Ninh Bình. Chúng chỉ sống ở vùng hang động ngập nước thuộc Tổng Trường Yên, huyện Hoa Lư với số lượng hạn chế. Nhưng hiện nay, Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Ninh Bình đã thử nghiệm thành công việc nhân giống hai loài cá quý hiếm này, góp phần bảo tồn nguồn gen và mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân.

Phát huy lợi thế của huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) thuần nông, thời gian qua, nuôi bò thịt đã trở thành mô hình làm ăn có hiệu quả được người dân huyện Hồng Ngự chú trọng.

Tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, giá cá lóc nuôi mua tại ao đã tăng thêm 2.000 - 3.000 đồng/kg trong vòng hai tuần qua và đang ở mức 38.000 - 40.000 đồng/kg tuỳ loại.

Hơn một tháng nay, nông dân trồng bưởi tại Bến Tre rất lo lắng trước hiện tượng xuất hiện loại sâu mới hại bưởi da xanh. Loại sâu này có màu hồng, thường chọn trái bưởi to, vỏ dày và đục thẳng vào ruột, khiến quả rụng chỉ trong khoảng vài tuần.

Trong chăn nuôi, đặc biệt là heo và gia cầm, các tiến bộ khoa học kỹ thuật như con giống, dinh dưỡng, chăm sóc, quản lý có vai trò quan trọng trong việc nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Với gia cầm, ngoại trừ cúm H5N1, những yếu tố này đã giúp tạo sự phát triển ổn định những năm qua, đạt năng suất cao.