Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thấp Thỏm Đầu Ra Cho Hoa Nhài

Thấp Thỏm Đầu Ra Cho Hoa Nhài
Ngày đăng: 05/11/2013

Thời điểm này, bà con nông dân các thôn Thanh Thủy, Đồng Giành, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang bước vào cuối vụ thu hoạch hoa nhài. Năm nay, thời tiết mưa nhiều, năng suất hoa nhài giảm nhưng được giá nên bà con rất phấn khởi.

Chị Lê Thị Xuyên, thôn Thanh Thủy, xã Đông Xuân phấn khởi cho biết, gia đình chị trồng 1,4 sào hoa nhài. Năng suất bình quân đạt 300kg/sào. Với giá bán trung bình 25.000 đồng/kg, mỗi sào hoa nhài thu được 7 - 8 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với cấy lúa. "Cây hoa nhài là cây trồng cho thu nhập cao nhất trên đồng đất của địa phương hiện nay" - chị Xuyên chia sẻ. Trồng gần 2 sào hoa nhài, vụ thu hoạch năm nay, chị Nguyễn Thị Hạnh, thôn Đông, xã Phù Lỗ cũng rất mừng vì thu nhập cao. Từ đầu vụ tới nay, chị đã thu được 650kg hoa nhài cân bán cho thương lái. Do chăm sóc tốt nên gần hết vụ, nhà chị Hạnh vẫn còn hoa để thu hoạch. Chị cho biết, thời điểm cuối vụ, hoa nhài được giá, có lúc đạt 35.000 - 38.000 đồng/kg nên thu nhập tăng hơn so với mọi năm. Ước tính, với gần 2 sào trồng hoa nhài, năm nay gia đình chị thu được khoảng 18 - 19 triệu đồng. Nhờ cây hoa nhài, chị có tiền lo cho hai đứa con ăn học và trả nợ.

Theo HTX Nông nghiệp xã Phù Lỗ, toàn xã có 230ha đất nông nghiệp. Từ một vài hộ dân trồng tự phát cách đây hơn chục năm, đến nay, diện tích trồng hoa nhài của xã đã đạt khoảng 50ha. Đây là cây trồng cần nhiều công chăm sóc nhưng cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với cấy lúa. Hơn nữa, cây trồng một lần có thể thu hoạch trong nhiều năm và vốn đầu tư ít. Chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho mỗi sào hoa nhài chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng/vụ. Đặc biệt, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 5 - 6 tháng/năm nên thu nhập của người nông dân khá đều đặn.

Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt so với cấy lúa, song việc phát triển mô hình trồng hoa nhài trên địa bàn huyện Sóc Sơn vẫn còn những hạn chế nhất định, nhất là về đầu ra cho sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Loan, thôn Thanh Thủy, xã Đông Xuân chia sẻ, giá bán hoa nhài không ổn định, lúc cao, lúc thấp. Thậm chí nhiều thời điểm, người nông dân còn bị ép giá bán hoa rất rẻ. Một đầu mối thu mua hoa nhài tại xã Phù Lỗ cũng chia sẻ, khi nào "hiếm" hoa nhài thì các công ty sẵn sàng nâng giá cao nhưng khi hoa nhài được mùa thì mua với giá rất thấp.

Hiện nay, hoa nhài chủ yếu được bán cho các công ty chế biến chè. Quá trình thu hương liệu của hoa chỉ trong vòng một ngày nên hoa phải được chế biến, xử lý ngay và tránh vận chuyển xa. Đây cũng là một trong những lý do mà các doanh nghiệp thu mua viện cớ để ép giá người nông dân, bởi nếu không bán được hoa ngay trong ngày thì chỉ còn cách… đổ bỏ. Ông Trần Bằng - Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Phù Lỗ cho biết, trên địa bàn xã có 9 công ty, xí nghiệp mua hoa nhài với hàng chục đại lý thu mua. Tuy nhiên, tình trạng người nông dân bị ép giá vẫn thường xuyên xảy ra.

Cây hoa nhài đã phần nào khẳng định được vị thế trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Sóc Sơn cũng đã tích cực tổ chức các lớp khuyến nông về hoa nhài cho người nông dân, đồng thời đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh. Hiện nay, diện tích trồng hoa nhài toàn huyện Sóc Sơn đạt khoảng 140ha. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất của cây trồng này, thời gian tới, huyện Sóc Sơn cần có chính sách hỗ trợ đầu ra ổn định, giúp người dân yên tâm sản xuất.


Có thể bạn quan tâm

Xuất Khẩu Cá Ngừ Bứt Phá Xuất Khẩu Cá Ngừ Bứt Phá

Tính đến giữa tháng 3/2012, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 101 triệu đô la Mỹ, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

18/04/2012
Bí Quyết Làm GAP Nhanh Bí Quyết Làm GAP Nhanh

Ở Bình Thuận, làm GAP trên thanh long nhưng trang trại Duy Lan ở thôn Minh Hòa, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam đã tìm được một cách đi cho riêng mình và đây thực sự là một mô hình siêu tốc vì từ lúc nộp đơn là ngày 30/10/2006 đến ngày 12/3/2007 là lần thẩm định cuối cùng và đến 5/7/2007 là đã được tổ chức IMO của Thụy Sỹ công nhận chính thức đạt tiêu chuẩn Euro GAP.

17/05/2012
Để Nghề Nuôi Trồng Thuỷ Sản Bền Vững Ở Quảng Ninh Để Nghề Nuôi Trồng Thuỷ Sản Bền Vững Ở Quảng Ninh

Những năm qua, nghề nuôi trồng thuỷ sản của Quảng Ninh đã có những bước phát triển đáng kể, diện tích nuôi không ngừng được mở rộng trên cả 3 vùng nuôi mặn, lợ và nuôi nước ngọt. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của ngành, còn bộc lộ nhiều hạn chế. Tính bền vững của nghề nuôi còn thấp.

19/07/2012
Kỹ Thuật Mới Trong Khai Thác Thủy Sản Kỹ Thuật Mới Trong Khai Thác Thủy Sản

Gần đây, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều phương tiện kỹ thuật mới, hỗ trợ tích cực việc đánh bắt thủy hải sản của ngư dân Núi Thành.

20/07/2012
Xuất Hiện Sò Huyết, Nghêu Giống Ở Đất Mũi Xuất Hiện Sò Huyết, Nghêu Giống Ở Đất Mũi

Ông Lê Văn Sử, Bí thư Huyện ủy Ngọc Hiển (Cà Mau), cho biết: Hơn nửa tháng qua, vùng nuôi nghêu thương phẩm trên địa bàn xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) xuất hiện nhiều nghêu giống, sò huyết giống, thu hút hàng ngàn người đến khai thác.

15/05/2012