Tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu chuối ở Quảng Trị

Một điểm thu gom chuối xuất khẩu sang Thái Lan ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị)
Ngay sau khi có thông tin, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng của nước bạn Lào bàn giải pháp tháo gỡ để hoạt động xuất khẩu chuối qua cửa khẩu trở lại bình thường.
Bà Nguyễn Thị Kiều, làm nghề thu mua chuối tại khu vực chợ Tân Long (Hướng Hóa) cho biết, thời gian qua sau khi thị trường xuất khẩu chuối trước đây ngưng thu mua, nhiều tiểu thương trên địa bàn đã chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường Thái Lan.
Tuy giá chuối không cao nhưng cũng phần nào giúp người trồng chuối có nơi tiêu thụ, giảm bớt khó khăn cho người trồng chuối lẫn người làm nghề thu mua chuối xuất khẩu.
Theo nhiều tiểu thương phản ánh thì với mức phí phải đóng khi làm thủ tục thông quan qua cửa khẩu quốc tế Đen Sa Vẳn khoảng 1 triệu tiền kíp Lào/tấn chuối tươi (khoảng 2,7 triệu VNĐ) thì quá cao.
Nếu mức phí trên tiếp tục được duy trì thì tiểu thương sẽ lỗ nặng bởi giá thu mua từ nông dân trồng chuối bình quân chỉ dưới ba triệu đồng/tấn chuối quả tươi, chưa kể tiền thuê nhân công bốc dỡ, chi phí vận tải từ Việt Nam qua Thái Lan.
Chính vì vậy mong muốn của nhiều tiểu thương là mức phí trên được giảm xuống thấp hơn, tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu chuối thuận lợi.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã có buổi làm việc với các cơ quan chức năng liên quan của nước bạn Lào để tìm hướng tháo gỡ.
Phía Việt Nam mong muốn các cơ quan chức năng cửa khẩu phía Lào tạo điều kiện để mặt hàng chuối thông quan qua cửa khẩu quốc tế Đen Sa Vẳn với mức phí vừa phải, bởi giá chuối hiện đang ở mức thấp, nếu thu phí quá cao thì nông dân lẫn tiểu thương sẽ gặp khó khăn.
Sau buổi làm việc này, các cơ quan chức năng phía Lào cam kết không thu phí quá cao như trước đây, đồng thời cho phép vận chuyển mặt hàng chuối qua cửa khẩu bằng ô tô.
Tại khu vực chợ Tân Long, trung tâm đầu mối thu gom chuối của huyện Hướng Hóa sau khi có thông tin trên, hoạt động mua bán chuối trở lại bình thường.
Hiện nay, giá chuối cân được tiểu thương thu mua dao động từ 2.000 – 2.500 đồng/kg.
Đối với các loại chuối bó có giá bán cao hơn từ 3.000 - 4.500 đồng/kg, tuy vậy loại chuối này có số lượng hạn chế do tiểu thương thu mua chủ yếu để bán cho người dân có nhu cầu thờ cúng nên yêu cầu về chất lượng lượng, kích thước và màu sắc cao hơn loại chuối bình thường.
Có thể bạn quan tâm

Trưa, cái nắng đầu hè như đang “rán” chúng tôi trên đường đất cát dẫn đến mô hình trang trại “chăn nuôi tổng hợp” của một kỹ sư ngành công nghệ thông tin. Anh là Nguyễn Thanh Tuấn (38 tuổi; ở thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).

Thuỷ Bằng có khoảng 74 ha thanh trà, nhiều nhất của thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế). Đây là một trong những giống cây chủ lực của địa phương, tập trung chủ yếu ở vùng Tân Ba, Vĩ Dạ và một số thôn khác dọc theo sông Hương như: Cư Chánh 2, Dạ Khê, An Ninh, Dương Phẩm, Võ Xá, Bằng Lãng. Không nhiều, nhưng Thuỷ Bằng cũng có hơn 5ha thanh trà được tham gia sử dụng nhãn hiệu “Thanh trà Huế”.

Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản thuộc Sở NN-PTNT, cho biết: Thời điểm hiện nay, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bình Định đang vào chính vụ thu hoạch tôm nuôi vụ 1. Tuy nhiên, giá tôm thẻ chân trắng thời điểm này đang giảm mạnh khiến cho người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn.

Dồn về khai thác thủy sản vùng ven biển Sầm Sơn và Tĩnh Gia, 15 tàu cá công suất từ 68 CV đến 120 CV của ngư dân huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) và huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã bị lực lượng chức năng tỉnh bắt giữ và xử lý.

Cũng như nhiều hộ dân ở thôn Phước Lộc Tây, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), tận dụng nguồn nước chảy quanh năm của dòng sông Trà Khúc, 9 năm qua ông Trần Kim Sanh đang có thu nhập cao, ổn định (mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng) nhờ nuôi cá chình trong lồng bè ven sông, sau đây là kinh nghiệm quý báu về nuôi cá chình qua nhiều năm của ông Sanh để bà con tham khảo.