Thành Phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) Phát Triển Ngành Hàng Xoài Gắn Với Du Lịch

Theo Kế hoạch của UBND TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp), từ năm 2020 - 2030, thành phố sẽ thực hiện Dự án “Phát triển kinh tế địa phương gắn với du lịch”. Hiện nay, dự án mới được triển khai nhưng đã nhận được sự đồng lòng của người dân. Với nỗ lực của địa phương, cộng với lòng dân đồng thuận, dự án đang có nhiều thuận lợi để sớm hình thành, tạo bước phát triển mới cho địa phương.
Gắn phát triển ngành hàng xoài với du lịch sinh thái
Toàn thành phố hiện có 2.712ha vườn cây ăn trái, trong đó chủ lực là xoài chiếm hơn 2.200ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Tân Thuận Tây, Tịnh Thới và vùng cù lao Tân Thuận Đông. Những năm gần đây, nông dân đã biết áp dụng các kỹ thuật canh tác trong thâm canh cây xoài, hình thành các tổ sản xuất xoài theo hướng VietGAP, bước đầu đem lại một số kết quả khả quan.
Tuy nhiên, việc chăm sóc cây trồng còn theo kinh nghiệm truyền thống nên vườn cây cho năng suất và chất lượng thấp, việc thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ xoài vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên chưa đạt sự thỏa thuận cao trong hợp đồng mua bán sản phẩm xoài, hiệu quả kinh tế không cao... vì vậy chưa khuyến khích được người dân đầu tư chăm sóc.
Để tạo bước phát triển mới cho ngành hàng xoài tại địa phương, TP.Cao Lãnh đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, trong đó phát triển ngành hàng xoài kết hợp với du lịch được xem là 1 trong 4 nhiệm vụ trọng tâm mà thành phố hướng đến.
Ông Lê Hà Luân - Phó Chủ tịch UBND TP.Cao Lãnh cho biết, “TP.Cao Lãnh xây dựng chiến lược phát triển ngành hàng xoài cũng là tập trung vào ngành hàng chủ lực theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Mục tiêu của thành phố là nâng cao chất lượng cây xoài theo quy trình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có liên kết tiêu thụ. Đặc biệt là xây dựng vùng nguyên liệu kết hợp với du lịch sinh thái miệt vườn ven sông Tiền, tạo thương hiệu xoài Cao Lãnh (xoài Hòa An), nâng cao thu nhập cho người dân địa phương”.
Để triển khai có hiệu quả dự án, thành phố sẽ tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất xoài theo quy trình VietGAP, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và quảng bá sản phẩm, liên kết với các doanh nghiệp hợp tác xã trong và ngoài tỉnh tiến hành sản xuất và tiêu thụ hàng hóa theo hợp đồng.
Đặc biệt là củng cố mô hình kinh tế tập thể, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã, tạo điều kiện hình thành và thu hút các nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp tham gia vào chế biến và tiêu thụ nông sản... Song song đó, xây dựng vùng nguyên liệu kết hợp với khu sinh thái miệt vườn, tạo môi trường tham quan, quy hoạch những tuyến đường sông đi vào khu vườn xoài sinh thái; tạo những mô hình cây cảnh từ xoài, có thể ghép, chiết để tạo những chậu xoài...
Từ tính khả thi của dự án, hiện nay các địa phương trên địa bàn thành phố đang củng cố và nâng dần chất lượng sản phẩm xoài tại địa phương mình.
Các địa phương kỳ vọng nhiều vào dự án
Tiên phong trong phát triển xoài theo hướng sạch, an toàn để chuẩn bị cho triển khai dự án là xã Tân Thuận Đông. Ông Nguyễn Hoàng Ân - Bí thư xã Tân Thuận Đông cho biết, để xây dựng Tân Thuận Đông thành điểm du lịch trọng tâm của thành phố trong việc cung ứng xoài an toàn và là điểm đến hấp dẫn cho du khách, địa phương được UBND thành phố hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng và nâng cấp trọng tải các cầu, đường liên xã.
Theo đó, xã sẽ xúc tiến quy hoạch trái cây, khuyến khích nông dân trồng xoài theo hướng sạch gắn với du lịch để tạo thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm. Từ định hướng đó, địa phương đang cải tạo, chuyển đổi diện tích vườn theo hướng an toàn bằng hình thức bao trái xoài, dần dần hướng đến việc thiết kế sản phẩm theo nhu cầu khách du lịch.
Dự án tuy mới bước vào giai đoạn triển khai bước đầu nhưng hầu hết các hộ dân trong xã hưởng ứng rất tích cực chủ trương phát triển ngành hàng xoài kết hợp với du lịch của xã cũng như của TP.Cao Lãnh. Anh Huỳnh Thanh Khoa – tổ trưởng tổ sản xuất xoài ấp Tân Phát, xã Tân Thuận Đông cho biết, anh đã trồng xoài được trên 10 năm với 8.000m2 và thực hiện mô hình sản xuất xoài sạch theo hình thức bao trái đã được 2 vụ. Theo anh Khoa, trồng xoài bao trái cho thu nhập cao hơn gấp 2 -3 lần so với xoài thường, công chăm sóc cũng ít hơn.
Do đó, gia đình anh cũng đang tích cực tham gia vào dự án để chuyển đổi toàn bộ diện tích vườn xoài sang mô hình sản xuất sạch, an toàn.
Đối với hộ ông Nguyễn Đình Tài, ấp Đông Thạnh, xã Tân Thuận Đông là hộ dân thực hiện theo dự án xoài sạch của xã. Qua thực hiện mô hình hiệu quả cùng niềm tin vào dự án phát triển xoài kết hợp với du lịch của địa phương, trong thời gian tới, ông và gia đình sẵn sàng đầu tư cải tạo vườn cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch khép kín trong vườn xoài.
“UBND thành phố và xã đã mời họp về việc triển khai dự án phát triển du lịch kết hợp với vườn xoài, chúng tôi cũng rất phấn khởi và sẵn sàng hỗ trợ để thực hiện dự án, bởi chúng tôi hy vọng dự án phát triển vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái sẽ tạo cơ hội để người dân có thêm thu nhập” - ông Tài nói.
Nguồn bài viết: http://www.baodongthap.com.vn/newsdetails/1D3FE187D38/Thanh_pho_Cao_Lanh_Phat_trien_nganh_hang_xoai_gan_voi_du_lich.aspx
Có thể bạn quan tâm

Mùa này, cả ở miền Nam và miền Bắc đều có thể tiến hành nuôi lươn. Chúng ta không lạ gì con lươn. Tuy nhiên, có nhiều người hiểu không hết hoặc hiểu sai về nó

Hơn 3.000 ha cà phê ở tỉnh Sơn La đã bị nhiễm bệnh lạ: biểu hiện là cây bị chùn ngọn, ra ít hoa, đậu quả thấp, giảm năng suất. Bệnh được phát hiện cách đây 4 năm nhưng vẫn chưa biết nguyên nhân phát sinh, chưa có thuốc phòng trừ; nông dân loay hoay tìm cách cứu vườn cà phê nhưng vẫn chưa có kết quả..

Vào ngày 27 tháng 4 năm 2011, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Đồng Tháp đã tổ chức cho gần 50 nông dân các huyện, thị, thành phố và cán bộ kỹ thuật trong Tỉnh tham quan và học hỏi mô hình nuôi cá chình có hiệu quả của ông Nguyễn Ngọc Chính, khóm 8, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau

Hiện nay, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long là vùng chuyên canh khoai lang với diện tích lớn và chất lượng nổi tiếng nhất, nhì khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mấy chục năm trước, sản phẩm khoai lang nơi đây được người dân chợ cầu Ông Lãnh – Sài Gòn, chợ Mỹ Tho, chợ Cần Thơ ưa chuộng và quen gọi là khoai lang Tân Quới

Khắc phục tình trạng đất nhiễm mặn khó canh tác bằng cách trồng những cây ăn quả phù hợp, đưa thêm giống mới vào sản xuất, áp dụng mô hình VAC để làm giàu, là hướng đi đúng đã giúp gia đình anh Phan Quốc Hùng, ấp Tân Hưng, Tân Thới, huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang), dựng nên cơ nghiệp vững vàng.