Cây Bưởi Hồng Trên Đất Sỏi Cơm

Tuy chỉ cách quốc lộ 20 vài cây số, nhưng đường vào vườn bưởi của ông Phạm Trí Việt ở ấp 94, xã Túc Trưng (huyện Định Quán, Đồng Nai) lại khá vất vả vì chỉ có con đường mòn đầy sỏi đá, lên dốc xuống đèo.
Khu vực này chỉ có thể dùng xe máy chở bưởi ra ngoài đường lớn, nhưng vài năm nay thương lái vẫn nườm nượp tìm đến tận vườn để thu mua vì chất lượng trái ngon. Ông Phạm Trí Việt là người đã góp phần mang lại tiếng thơm cho giống bưởi da xanh ruột hồng ở Định Quán với thành tích đạt nhiều giải cao tại Hội thi trái ngon - an toàn Nam bộ.
* Cải tạo đất cằn
Ông Việt vốn là con nhà nghèo, không được học hành nhiều nên phải ra đời sớm, và cũng chỉ biết đến nghề nông. Lập gia đình cũng không có bao nhiêu vốn nên vợ chồng ông phải mượn nợ mua vùng đất đồi hẻo lánh. Bao nhiêu năm, gia đình phải đốt đèn dầu sống trong rẫy để bám đất, bám vườn. Khoảng 10 năm trở lại đây, ông mới kéo nhờ được nguồn điện cho sinh hoạt, nhưng vẫn phải chạy máy dầu phục vụ cho tưới tiêu, sản xuất.
Theo ông Việt, cực nhất vẫn là tìm ra nguồn nước tưới. Ở đây là vùng đất đồi, sỏi đá nên với diện tích đất vườn gần 3 hécta, ông phải khoan đến 4 giếng nước thì chỉ có 2 giếng cho nước. “Giếng nước là cả gia tài của nông dân, những ngày đầu lập nghiệp, tôi phải chắt chiu từng chút vốn, vay mượn thêm mới có tiền khoan giếng” - ông Việt chia sẻ.
Hiện tại, khu vườn cằn cỗi ngày nào giờ đã rất phát triển với từng hàng bưởi, sầu riêng sum suê. Ông Việt tự hào khoe: “Tôi đã mất bao năm chăm chút, cải tạo để vùng đất đồi này được màu mỡ như bây giờ. Hiện toàn bộ vườn cây đã được lắp đặt hệ thống tưới nước, bón phân tự động”.
* Chọn hướng chuyên canh
Mấy mươi năm làm nông, ông Việt đã thử nghiệm đủ loại cây trồng, từ cà phê, chôm chôm đến xoài, quýt... Mỗi khi phát hiện có giống cây trồng mới, ông đều mua về trồng thử nghiệm.
Chỉ riêng cây bưởi, ông cũng đã trồng thử các giống khác nhau, như: Năm roi, bưởi đường lá cam... “Khoảng 10 năm trước, bưởi Năm roi được thị trường rất chuộng, nhưng qua thử nghiệm tôi thấy giống bưởi da xanh ruột hồng rất phù hợp với thổ nhưỡng ở đây, cho sản lượng cao, chất lượng trái lại ngọt ngon hơn những vùng khác nên quyết định đầu tư trồng chuyên canh” - ông Việt chia sẻ.
Đây là quyết định khá “liều” vì thời đó thương lái chuộng bưởi miền Tây, Đồng Nai thì chỉ có tiếng về bưởi Tân Triều. Khi vườn bưởi bắt đầu cho thu hoạch, vợ chồng ông phải tự hái bưởi chở đi bỏ mối. Có khi phải đổ ra lề đường bán xô với giá chỉ bằng một phần giống bưởi Năm roi.
Nhưng nhờ chất lượng trái ngon, ổn định, có thể cung cấp với sản lượng lớn nên nhiều thương lái biết tiếng và tìm đến tận vườn thu mua. Đến nay, nhiều nhà vườn ở đây cũng đầu tư trồng chuyên canh giống bưởi này. Mùa bưởi chín, cả vùng như rộn rã hẳn lên vì tấp nập người mua bán.
Ông Việt chăm chút vườn cây, nâng niu bọc giấy che nắng cho từng trái bưởi trong vườn để mỗi trái bưởi ra thị trường đều ngọt ngon, có hình thức đẹp. Mang trái bưởi vườn nhà tham gia Hội thi trái ngon - an toàn Nam bộ cũng là cách người nông dân chất phác này nâng cao giá trị cho trái bưởi quê nhà.
Có thể bạn quan tâm

Tin vui cho nông dân ĐBSCL trong những ngày giáp Tết, ngày 13/2, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 1180/VPCP-KTTH gửi Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội lương thực Việt Nam thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thu mua tạm trữ lúa gạo vụ ĐX 2014-2015.

Thời gian qua nghề nuôi tôm nước lợ ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên nghề nuôi tôm ở nước ta còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch bệnh, kiểm soát môi trường, truy xuất nguồn gốc…

Đầu năm 2014, anh Đinh Văn Nhung (49 tuổi), ngụ ấp 3, xã Nha Bích (Chơn Thành) đầu tư 50 triệu đồng xây 2 bể, mua hơn 400 con ba ba trắng nuôi thí điểm trên diện tích 72m2. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc, nguồn nước không được đảm bảo nên ba ba hay bị bệnh, kém phát triển.

Tại các tỉnh ven biển khu vực Nam Bộ, từ nhiều năm nay nghề nuôi tôm thường mang lại nhuận cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp khiến cho rủi ro đối với người nuôi tôm cũng rất cao.

Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng trong vài năm gần đây đã được nhiều địa phương trong cả nước áp dụng với nhiều hình thức khác nhau và cho kết quả rất khả quan, trong đó phải kể đến chú Bảy Tạo, ở ấp Long Bình, xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.