Thanh Long Việt Nam Sắp Trở Lại Đài Loan

Sau một thời gian dài bị cấm nhập khẩu do phát hiện thanh long Việt Nam nhiễm bệnh ruồi đục quả, đến nay, phía Đài Loan đã cơ bản đồng ý mở cửa cho quả thanh long xuất khẩu trở lại thị trường này.
Đây là thông tin do ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết tại buổi họp quản lý chất lượng và vật tư nông nghiệp ngày 8-7 tại Hà Nội.
Ông Hồng cũng cho hay, trước khi thanh long được mở cửa hoàn toàn, phía Đài Loan sẽ cử chuyên gia sang giám sát kiểm tra kỹ thuật xử lý chiếu nhiệt cho quả thanh long (bằng hơ nước nóng) của Việt Nam xem có đạt hiệu quả không sau đó mới ký quyết định cuối cùng.
Song, phía Việt Nam phải cung cấp kinh phí khoảng 500 triệu đồng để đưa các chuyên gia Đài Loan sang Việt Nam khảo nghiệm trong 3 tuần. Kinh phí này sẽ được phía Cục BVTV huy động từ bốn doanh nghiệp xử lý chiếu nhiệt từ hơi nước nóng trên cả nước.
“Cục sẽ gửi văn bản cho bốn doanh nghiệp đề nghị họ cùng chia sẻ kinh phí để đưa chuyên gia sang làm việc càng sớm càng tốt. Trong trường hợp, chỉ có 1 hoặc 2 doanh nghiệp chịu hỗ trợ kinh phí thì những doanh nghiệp đó sẽ được cơ chế ưu tiên trong quá trình xử lý xuất khẩu thanh long sang Đài Loan” – ông Hồng nói.
Theo Cục BVTV, nếu được mở cửa hoàn toàn thì hàng năm Việt Nam có thể xuất khẩu trên 13.000 tấn thanh long sang Đài Loan.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Văn Ngã, Chi cục trưởng Chi cục kiểm dịch thực vật vùng II cho biết, Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu thanh long lớn của Việt Nam. Ngoài ra còn có Indonesia, Thái Lan và một số nước châu Âu. Đặc biệt, trong thời gian qua thanh long Việt Nam đã có mặt được ở một số thị trường khó tính như Nhật và Hàn Quốc.
Theo số liệu của Chi cục kiểm dịch thực vật vùng II, 6 tháng đầu năm xuất khẩu thanh long của Việt Nam theo con đường chính ngạch qua sự kiểm dịch của chi cục được 139.000 tấn. Trong đó, xuất khẩu thanh long sang một số thị trường khó tính đều tăng mạnh như Nhật đạt 440 tấn, tăng 50%; Mỹ 775 tấn, tăng 40%, và Hàn Quốc 184 tấn, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, từ ngày 1-3-2009, xuất khẩu thanh long vào Đài Loan đã bị ngưng hoàn toàn, nguyên nhân là thanh long Việt Nam thuộc danh sách 9 quốc gia có dịch bệnh ruồi đục quả, cùng với các nước Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar, Nepal, Pakistan và Sri Lanka.
Có thể bạn quan tâm

Phong trào nuôi cá lúa vụ 3 trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong những năm qua đạt kết quả rất khả quan. Ngoài hiệu quả về kinh tế, nâng cao đời sống cho người nông dân, còn làm tăng độ phì nhiêu cho đất và giảm chi phí cải tạo đất, phân bón cho vụ Đông Xuân tiếp theo. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa xứng với tiềm năng sẵn có.

Để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của xã Hương Sơn và của huyện Quang Bình trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn thì yếu tố con giống và kỹ thuật nuôi đóng vai trò quan trọng, quyết định đến năng suất, sản lượng

Phước Trung là xã vùng cao thuộc huyện Bác Ái. Toàn xã có 542 hộ, với 2.408 khẩu, sinh sống ở 4 thôn: Đồng Dày, Rã Trên, Rã Giữa và Tham Dú, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Để tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất, Nhà nước đã đầu tư xây dựng trên địa bàn một số công trình thủy lợi, tiêu biểu như: Hồ chứa nước Phước Trung, đập Ô Căm.

Những năm qua, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng kinh tế hàng hóa. Trong đó, cây chanh là một trong những loại cây đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo.

Theo Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, trong hơn ba năm qua, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ đã đưa thêm 20.000ha vào trồng các loại cây ăn quả đặc sản, nâng tổng diện tích cây ăn quả đặc sản toàn vùng lên 83.000 ha, chiếm 29% diện tích cây ăn quả tại Đồng bằng sông Cửu Long.