Thanh Long Có Thêm 3 Thị Trường Mới

Ngoài 2 thị trường mới cho xuất khẩu thanh long năm 2015 mà Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật thông báo là Newzealand và Úc, một doanh nghiệp Bình Thuận cũng đang đưa thanh long vào thị trường Ấn Độ với chiều hướng triển vọng, mỗi tuần xuất 1 container.
Tại hội nghị tổng kết năm 2014 và kế hoạch năm 2015 của Cục Bảo vệ thực vật tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật cho biết, vào cuối tháng 12/2014, một lô nhãn tươi đã xuất sang Mỹ và trong hai tuần đầu tháng 1/2015, có thêm 8 lô nhãn đã tiếp tục xuất qua thị trường này. Chưa hết, hiện một loạt các thị trường đã mở cửa cho các loại trái cây Việt Nam.
Cụ thể, phía Úc đã qua kiểm tra hai nhà máy chiếu xạ của Việt Nam để xem xét cấp phép nhập khẩu cho trái xoài và thanh long trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật cũng đang đàm phán với Nhật Bản để nối lại việc xuất khẩu thanh long, xoài bằng hướng xử lý nước nóng. Rồi thanh long cũng sẽ được xuất khẩu vào New Zealand.
Thông tin trên người trồng thanh long Bình Thuận nghe được cũng thấy vui vui nhưng lại không hân hoan như tin thanh long vào thị trường Mỹ trước đây. Vì sợ niềm vui rơi vào hụt hẫng như đợt thanh long xuất vào thị trường Mỹ, khi mọi điều phải lo đã lo chu đáo nhưng hình như lại quên cung đường xa khi vận chuyển bằng tàu, khiến trái thanh long hư hỏng khi đến đất Mỹ, bất chấp đã xử lý chiếu xạ.
Từ đó đến nay, nếu thanh long có vào Mỹ cũng chỉ là số lượng hiếm hoi được chuyên chở từ những chuyến bay từ Việt Nam sang mà thanh long đi máy bay thì chi phí quá cao, ít doanh nghiệp xuất khẩu tính đến. Nói chung là bỏ ngỏ thị trường Mỹ một thời gian đã khá dài, dù những kết quả cần làm ở vùng sản xuất Bình Thuận, Mỹ cũng triển khai từ năm 2005 là khảo sát đánh giá vùng trồng thanh long, cùng với cấp 106 mã số đơn vị sản xuất trên diện tích 1.200 ha vườn trồng và 10 mã số nhà đóng gói.
Và qua tình hình xuất hàng theo kiểu thăm dò thị trường của một số doanh nghiệp xuất khẩu tại tỉnh, cho thấy Newzealand, Úc, 2 nước đều thuộc châu Đại Dương có vẻ là 2 thị trường có tiềm năng. Đó là chưa nói thị trường Nhật vốn đã quen nhưng vì sự cố phải ngưng cũng đang mở cửa lại.
Bằng chứng tại nhà máy của Công ty Xuất nhập khẩu Hồng Ân (Bắc Bình) đã trang bị thùng bao bì có kiểu dáng mẫu mã riêng, ghi tên cho 4 thị trường chính gồm Nhật, Hàn, Mỹ, Newzealand. Còn Doanh nghiệp tư nhân Rau quả Bình Thuận cho biết, 6 - 7 tháng trước, đối tác ở Newzealand đã đặt hàng và từ đó đến nay, mỗi lần xuất không nhiều, chỉ vài trăm ký đi bằng đường máy bay, mang tính thăm dò thị trường. Riêng thị trường Ấn Độ đã khai mở cách đây gần 2 tháng và từ đó, cứ mỗi tuần đơn vị xuất 1 container. Dân Ấn Độ thích ăn trái thanh long nhỏ, giá không quá cao.
Việc giữ được thị trường cũ và mở thêm thị trường mới là điều quá tốt nhưng nếu đã mất thị trường nào đó, tìm cách mở lại thì còn tốt hơn. Và đầu năm 2015 này, những điều tốt trên đang xuất hiện.
Có thể bạn quan tâm

Gắn bó với việc nuôi động vật hoang dã nhiều năm nay, ông Thái Vinh Thai, chủ trang trại nuôi trăn, cá sấu ở thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn (An Giang), cho biết: “Trước đây trại tôi nuôi trên 1.000 con gồm cả trăn đất và trăn gấm mà rất hiếm khi có được trăn đột biến.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Tuấn Anh đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực đi đúng hướng của VRG trong việc thành lập Cty VRG JAPAN và cho rằng việc ra đời của Cty không chỉ đa dạng hóa thị trường mà còn nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm XK cao su, góp phần vào việc tiêu thụ mủ cao su bền vững trong thời gian tới.

Anh Trần Văn Nam, thôn Diêm Hà Hạ, xã Gio Hải cho biết, thời tiết thuận lợi nên thuyền của anh ra khơi từ ngày mùng 2 tết. Tưởng chừng mẻ lưới đầu tiên chỉ để “lấy ngày”, không ngờ khi kéo lên đã bắt được hơn 2 tạ cá. So với đầu xuân năm 2014, cá trích năm nay vừa được mùa vừa được giá – anh Nam cho biết thêm.

Vì vậy, những diện tích gieo cấy trước thời vụ, trước thời điểm Lập xuân, trà xuân sớm, trà xuân trung, các giống lúa ngắn ngày có nguy cơ trỗ sớm và có thể gặp rét vào cuối vụ, gây ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lúa. Ngoài ra, nguy cơ thiếu nước và tình hình sâu bệnh có khả năng diễn biến hết sức phức tạp.

Từ năm 2013 đến nay, giá tôm thế giới liên tục nằm ở mức cao do sản lượng tôm giảm mạnh dưới ảnh hưởng của Hội chứng tôm chết sớm (EMS). Năm 2014, EMS trên tôm tại một số nước đã cơ bản được khống chế nhưng vẫn còn hoành hành tại một số nước sản xuất tôm lớn trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan. Thật khó có thể đưa ra dự báo về giá tôm khi mà ảnh hưởng của EMS và kết quả khắc phục sau đó vẫn rất khó dự đoán.