Thanh Long Có Thêm 3 Thị Trường Mới

Ngoài 2 thị trường mới cho xuất khẩu thanh long năm 2015 mà Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật thông báo là Newzealand và Úc, một doanh nghiệp Bình Thuận cũng đang đưa thanh long vào thị trường Ấn Độ với chiều hướng triển vọng, mỗi tuần xuất 1 container.
Tại hội nghị tổng kết năm 2014 và kế hoạch năm 2015 của Cục Bảo vệ thực vật tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật cho biết, vào cuối tháng 12/2014, một lô nhãn tươi đã xuất sang Mỹ và trong hai tuần đầu tháng 1/2015, có thêm 8 lô nhãn đã tiếp tục xuất qua thị trường này. Chưa hết, hiện một loạt các thị trường đã mở cửa cho các loại trái cây Việt Nam.
Cụ thể, phía Úc đã qua kiểm tra hai nhà máy chiếu xạ của Việt Nam để xem xét cấp phép nhập khẩu cho trái xoài và thanh long trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật cũng đang đàm phán với Nhật Bản để nối lại việc xuất khẩu thanh long, xoài bằng hướng xử lý nước nóng. Rồi thanh long cũng sẽ được xuất khẩu vào New Zealand.
Thông tin trên người trồng thanh long Bình Thuận nghe được cũng thấy vui vui nhưng lại không hân hoan như tin thanh long vào thị trường Mỹ trước đây. Vì sợ niềm vui rơi vào hụt hẫng như đợt thanh long xuất vào thị trường Mỹ, khi mọi điều phải lo đã lo chu đáo nhưng hình như lại quên cung đường xa khi vận chuyển bằng tàu, khiến trái thanh long hư hỏng khi đến đất Mỹ, bất chấp đã xử lý chiếu xạ.
Từ đó đến nay, nếu thanh long có vào Mỹ cũng chỉ là số lượng hiếm hoi được chuyên chở từ những chuyến bay từ Việt Nam sang mà thanh long đi máy bay thì chi phí quá cao, ít doanh nghiệp xuất khẩu tính đến. Nói chung là bỏ ngỏ thị trường Mỹ một thời gian đã khá dài, dù những kết quả cần làm ở vùng sản xuất Bình Thuận, Mỹ cũng triển khai từ năm 2005 là khảo sát đánh giá vùng trồng thanh long, cùng với cấp 106 mã số đơn vị sản xuất trên diện tích 1.200 ha vườn trồng và 10 mã số nhà đóng gói.
Và qua tình hình xuất hàng theo kiểu thăm dò thị trường của một số doanh nghiệp xuất khẩu tại tỉnh, cho thấy Newzealand, Úc, 2 nước đều thuộc châu Đại Dương có vẻ là 2 thị trường có tiềm năng. Đó là chưa nói thị trường Nhật vốn đã quen nhưng vì sự cố phải ngưng cũng đang mở cửa lại.
Bằng chứng tại nhà máy của Công ty Xuất nhập khẩu Hồng Ân (Bắc Bình) đã trang bị thùng bao bì có kiểu dáng mẫu mã riêng, ghi tên cho 4 thị trường chính gồm Nhật, Hàn, Mỹ, Newzealand. Còn Doanh nghiệp tư nhân Rau quả Bình Thuận cho biết, 6 - 7 tháng trước, đối tác ở Newzealand đã đặt hàng và từ đó đến nay, mỗi lần xuất không nhiều, chỉ vài trăm ký đi bằng đường máy bay, mang tính thăm dò thị trường. Riêng thị trường Ấn Độ đã khai mở cách đây gần 2 tháng và từ đó, cứ mỗi tuần đơn vị xuất 1 container. Dân Ấn Độ thích ăn trái thanh long nhỏ, giá không quá cao.
Việc giữ được thị trường cũ và mở thêm thị trường mới là điều quá tốt nhưng nếu đã mất thị trường nào đó, tìm cách mở lại thì còn tốt hơn. Và đầu năm 2015 này, những điều tốt trên đang xuất hiện.
Có thể bạn quan tâm

Tại Hội thảo “Giới thiệu công nghệ sản xuất nông sản an toàn và bảo vệ môi trường” được tổ chức mới đây ở thị xã Gia Nghĩa, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng đã cho rằng, Đắk Nông có những lợi thế lớn trong việc trồng cây ca cao.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, để giúp người nông dân có giống khoai lang Nhật Bản (KLNB) đạt chất lượng, các ngành chức năng đã hỗ trợ một số hộ triển khai sản xuất giống thuần chủng bằng phương pháp cấy mô. Gia đình anh Bùi Văn Đạt, trú ở thôn Thuận Hải, xã Thuận Hạnh (Đắk Song) đã ứng dụng thành công phương pháp này.

Theo lịch thời vụ được ngành Nông nghiệp ban hành, từ giữa tháng 2 là thời điểm xuống giống vụ tôm mới. Tuy nhiên, về các vùng nuôi tôm trong tỉnh Bình Định vào thời điểm này, theo ghi nhận, người nuôi tôm chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để bước vào vụ mới.

Người dân Đá Nổi (Thoại Sơn - An Giang) gọi vui như thế. Bởi, nơi đây từng nổi tiếng “mỏ vàng lộ thiên” và gắn liền với vùng đất chứa đựng nhiều vết tích Di chỉ văn hóa Óc Eo.

Trong những năm vừa qua, hoạt động thuỷ sản trên địa bàn huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) phát triển khá đa dạng và phong phú. Từ nuôi trồng thuỷ sản cho đến khai thác thuỷ sản và dịch vụ hậu cần nghề cá đã đóng góp một phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế của huyện, tạo việc làm và nâng cao đời sống của ngư dân.