Thanh Long Chợ Gạo Được Mùa, Được Giá

Chợ Gạo là huyện trồng thanh long nhiều nhất tỉnh Tiền Giang.
Hiện nay, người dân vùng trồng chuyên canh cây thanh long của huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đang hết sức phấn khởi. Cảnh mua bán tấp nập làm cho không khí thêm vui tươi, nhộn nhịp. Bà con chia sẻ năm nay thanh long được mùa được giá nên lợi nhuận cao hơn nhiều so với mọi năm.
Vườn thanh long của bà Đoàn Thị Chóng, ấp Quang Khương, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, gia đình bà đang khẩn trương phân loại thanh long bán cho thương lái. Bà cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây, giá thanh long luôn ở mức cao, có thời điểm lên đến 26.000 đồng/kg, thấp nhất cũng khoảng 6000 - 7000 đồng/kg. Với mức giá này, bà cũng như nhiều nông dân khác rất phấn khởi. Theo bà, giá thanh long tăng cao trong thời gian qua là do trái thanh long được thị trường ưa chuộng. Với 5 công đất trồng thanh long, mỗi năm bà thu nhập được hơn 150 triệu đồng.
Còn đối với ông Bảy Phương, ấp Long Hiệp, xã Quơn Long cũng không ngoại lệ. Ông cho biết: gia đình ông theo nghề trồng thanh long đã hơn 10 năm nay, năm nào năng suất cũng cao. Những năm trước, giá cả bấp bênh nên lợi nhuận không được bao nhiêu.
Tại các cơ sở thu mua thanh long, việc phân loại, đóng thùng loại trái cây này cũng được thực hiện khẩn trương. Ông Tư Nhiên, chủ cơ sở thu mua thanh long Tư Nhiên, xã Quơn Long cho biết hàng ngày cơ sở thu mua từ 50 - 60 tấn thanh long. Hiện việc tiêu thụ thuận lợi nên việc mua vào để vận chuyển tiêu thụ ở nhiều vùng miền khác và xuất khẩu cũng thuận lợi rất nhiều.
Chợ Gạo là huyện trồng thanh long nhiều nhất tỉnh Tiền Giang. Hiện huyện đang có chủ trương mở rộng diện tích trồng thanh long đạt 4.500 ha đến năm 2015. Bên cạnh việc mở rộng diện tích, sản xuất thanh long theo hướng sạch, an toàn luôn được đặt lên hàng đầu.
Hiện tổ hợp tác sản xuất thanh long Chợ Gạo đang đẩy mạnh sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGap. Đến nay có 19 hộ trong tổ hợp tác được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn. Đây là một hướng đi đúng để sản xuất thanh long phát triển bền vững về lâu về dài.
Cây thanh long hiện đang đem lại nguồn lợi lớn cho nông dân huyện Chợ Gạo, nhất là việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đang có sức cạnh tranh trên thị trường cao. Với hướng đi này, người trồng thanh long rất an tâm sản xuất, vững bước phát triển vùng chuyên canh thanh long chất lượng cao của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Nuôi cá kèo là mô hình kinh tế được người dân xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước (Cà Mau) áp dụng từ vài năm trở lại đây. Theo ông Nguyễn Văn Hai - Phó Chủ tịch UBND xã, đây là mô hình sản xuất hiệu quả, ít rủi ro, tăng thu nhập bền vững, địa phương đang khuyến khích bà con nhân rộng.

Sau hơn nửa năm mày mò nghiên cứu, tìm mua giống trồng thử nghiệm, anh Vũ Nhuần ở Vạn Kiếp, phường 8, Đà Lạt đã thành công và bắt đầu thu lợi từ cây cà chua “siêu ngọt”.

Là người có ý chí vượt khó, ham học hỏi, dám nghĩ dám làm, anh Lê Thế Tĩnh (30 tuổi), ở thôn 3, xã Định Hải, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng từ mô hình chăn nuôi.

Từ khi tiếp cận được với mô hình nuôi vịt bãi, cuộc sống của nhiều hộ gia đình sống dọc hai bên bờ đê Hữu Hồng (thuộc xã Duyên Hà và Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã khấm khá hơn. Không ít hộ có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Gần 2 ha măng tây xanh của các gia đình ở thôn 6, xã Tiến Nông (Triệu Sơn - Thanh Hóa) bắt đầu cho thu hoạch.