Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thanh long Bình Thuận canh cánh đầu ra

Thanh long Bình Thuận canh cánh đầu ra
Ngày đăng: 01/06/2015

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, theo quy hoạch, đến năm 2015, cây thanh long được chính quyền tỉnh phê duyệt là 15.000 ha nhưng hiện nay đất trồng thanh long chiếm khoảng hơn 22.000 ha. Diện tích thanh long đang cho trái hiện chiếm 17.000 ha/22.000 ha, mỗi năm thanh long của Bình Thuận đạt sản lượng khoảng 550.000 tấn, trong đó có khoảng 75% sản lượng được xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.

Ông Lê Thanh Hải- Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ Thanh long hữu cơ Phú Hội (huyện Hàm Thuận Nam)- cho biết, trong 6 tháng nay, thanh long Bình Thuận rớt giá chỉ còn ½ so với năm rồi, khiến cho nhiều xã viên thất thu nặng. Hiện tại thanh long ruột trắng và ruột đỏ loại ngon giá 11.000 đồng/kg, loại trung bình chỉ còn 7.000 đồng/kg, làm cho nhiều bà con trồng thanh long đứng ngồi không yên. Hợp tác xã Phú Hội năm nay đạt sản lượng khoảng 3.000 tấn thanh long nhưng xuất đi Trung Quốc bị tắc do họ mua ép giá nên chưa biết cách gì để tiêu thụ cho hết số nông sản này.

Ông Lê Văn Thọ- chủ vườn thành long hơn 1 ha ở xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam cũng đang đứng ngồi không yên khi giá thanh long rớt mạnh mặc dù năm nay thời tiết thuận hòa, ít nấm bệnh nên được mùa.

Ông Thọ cho biết, vào dịp này thanh long đốt đèn (dùng đèn điện đốt sáng cho thanh long ra trái nghịch vụ) loại ngon bán tại vườn chỉ có 10.000 đồng/kg, riêng thanh long sắp vào vụ thu hoạch chính thương lái đặt giá có 7.000 đồng/kg. “Với giá bán như hiện nay nông dân còn thu hồi được vốn, sắp tới giá có thể còn hạ nữa vì thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc ăn hàng phập phù nên người trồng thanh long đang rối cho khâu bán”- ông Thọ chia sẻ.

Ông Mai Đình Lâm- Chủ vựa thu mua thanh long ở TP. Phan Thiết cho biết, giá thanh long ở Bình Thuận cao hay thấp đều do thương lái bên Trung Quốc đưa ra, người thu mua căn cứ vào giá này để mua của nông dân. Trong thời gian gần đây, giá thanh long hạ thấp là do thanh long chở ra cửa khẩu bị dồn ứ và thương lái ép giá.

Bà Nguyễn Thị Trinh- Chủ một công ty chuyên mua thanh long xuất khẩu cho biết, số lượng lớn thanh long Bình Thuận xuất đi Trung Quốc dưới dạng tiểu ngạch, do vậy tình trạng ép giá, ngưng mua hàng bất chợt thường xuyên xảy ra, trong khi muốn bán qua thị trường khác như Mỹ, châu Âu thì các DN nhỏ và vừa khó có điều kiện để tiếp cận.

Theo Sở Công Thương Bình Thuận, trái thanh long Bình Thuận xuất khẩu trước đây có thị trường Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Hà Lan, Singapore và hiện nay có thêm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… Thanh long Bình Thuận hiện đã được nhiều nước trên thế giới biết đến nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường chính và nghịch lý ở thị trường này là người bán luôn luôn bị phụ thuộc từ khâu định giá, cách thức thu mua đến cả khâu thanh toán.

Bài toán “đầu ra” cho trái thanh long Bình Thuận đang là vấn đề bức bách cho cả người trồng lẫn người thu mua, xuất khẩu hiện nay. Chủ nhiệm Hợp tác xã Phú Hội- Lê Thanh Hải nói, người Bình Thuận đến nay đã trồng được thanh long chất lượng cao, đủ chuẩn để xuất khẩu đi các nước nhưng vẫn đang bí khâu bao tiêu sản phẩm.

Để tiêu thụ được một lượng thanh long rất lớn của Bình Thuận sắp vào vụ thu hoạch rộ, ông Hải mong muốn, chính quyền tỉnh Bình Thuận kết hợp với Bộ Công Thương, các ngành hàng, kênh phân phối sớm tìm thêm thị trường mới để giúp đỡ bà con nông dân giảm bớt sự thất bát đang đến rất gần.

Chính quyền tỉnh Bình Thuận khuyến cáo nông dân tập trung sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, dán tem bảo hộ địa lý để tăng thêm giá trị cho mặt hàng này.

Mặt khác yêu cầu các sở ngành tổ chức tìm kiếm thị trường mới, khắc phục hàng rào kĩ thuật ngăn cản trái thanh long vào các thị trường cũ, yêu cầu doanh nghiệp tăng cường xuất chính ngạch khi bán hàng sang Trung Quốc…

Tuy nhiên những khuyến cáo nêu trên thực tế chưa giải quyết được cơ bản khâu tiêu thụ cho sản phẩm và nỗi khổ của người nông dân "được mùa mất giá", bán không ai mua vẫn chưa được giải tỏa.


Có thể bạn quan tâm

Quảng Trị: Người tiên phong nuôi thỏ ở Hải Chánh Quảng Trị: Người tiên phong nuôi thỏ ở Hải Chánh

Với đức tính cần cù, chịu khó, quyết tâm dám nghĩ dám làm, đến nay anh Lê Văn Minh tại xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng đã gây dựng trang trại nuôi thỏ gần 500 con

13/02/2017
Nữ tỷ phú nuôi chim, gà quý hiếm Nữ tỷ phú nuôi chim, gà quý hiếm

Trang trại nuôi chim, gà quý hiếm của chị Nguyễn Thị Kim Duyên, thôn Cây Quýt 1, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn, Tuyên Quang) được biết đến là một trong những mô hình.

15/02/2017
Nông dân Cần Thơ làm giàu nhờ trái mận Nông dân Cần Thơ làm giàu nhờ trái mận

Áp dụng giống mận (roi) tốt, chăm sóc kỹ kếp hợp nguồn nước màu mỡ của phù sa sông Hậu giúp người dân phường Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, Cần Thơ thu nhập.

15/02/2017
Mô hình trồng sả trên cát hứa hẹn mang lại thu nhập cao Mô hình trồng sả trên cát hứa hẹn mang lại thu nhập cao

Mô hình trồng sả trên cát hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cho người dân đồng thời mở ra hướng mới trong sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu.

15/02/2017
Vĩnh Linh áp dụng mô hình trồng lạc thâm canh năng suất cao Vĩnh Linh áp dụng mô hình trồng lạc thâm canh năng suất cao

Trong nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích, nhất là đối với các địa phương ven biển, xã Vĩnh Giang

15/02/2017