Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thanh Long Bén Duyên Với Đất Trống, Vườn Tạp

Thanh Long Bén Duyên Với Đất Trống, Vườn Tạp
Ngày đăng: 15/05/2014

Sau hơn 1 năm Hội Nông dân (ND) phát động tận dụng đất trống, vườn tạp để trồng thanh long ruột đỏ. Đến nay nhiều hộ ND xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ đã bắt đầu có trái bán.

Ông Đinh Văn Son ngụ ấp Trường Khương A là hộ trồng thanh long ruột đỏ đầu tiên ở xã này. Giờ đây, ông là địa chỉ tin cậy tư vấn kỹ thuật trồng thanh long cho nhiều hộ trong xã.

Đầu ra không khó

Ông Son cho biết: “Ban đầu, tôi cũng trồng nhiều loại cây khác trong vườn, nhưng không hiệu quả. Khi Hội ND xã phát động trồng thanh long ruột đỏ, tôi bắt tay trồng thử. Trong quá trình trồng, tôi thấy thanh long ruột đỏ không dễ trồng, nhưng hiệu quả cao”.

Mới đầu ông Son trồng 150 gốc thanh long ruột đỏ (tháng 4.2013). Hiện, ông chuẩn bị trồng thêm 200 gốc nữa. Vụ đầu tiên, 70 cây cho trái, ông thu được khoảng 15 triệu đồng. “Đến nay các gốc thanh long của tôi đã có trái đều, tôi đếm được khoảng 4.000 trái. Thanh long không ra trái đồng loạt, có thể thu hoạch nhiều lần trong năm. Lần thu hoạch sắp tới, bán ngay tại vườn, tôi có khoảng 20 triệu đồng”.

Cũng theo ông Son: “Trường Xuân B không phải là vùng chuyên thanh long ruột đỏ, điều kiện tự nhiên cũng không thuận lợi để trồng. Song, nhu cầu thanh long ruột đỏ trên thị trường lớn nên không lo lắm về đầu ra. Nếu xây dựng được thương hiệu thanh long ruột đỏ Trường Xuân B thì người trồng thanh long yên tâm hơn, giá bán cũng ổn định hơn.

Điều cần nhất đối với người trồng thanh long ruột đỏ là được hướng dẫn kỹ thuật trồng một cách bài bản. Đa số các hộ trồng thanh long ruột đỏ ở đây đều tự tìm tòi và học hỏi kỹ thuật lẫn nhau. Ngay bản thân tôi là người trồng lâu năm nhưng còn nhiều thứ phải học thêm”.

Nông dân rất cần hỗ trợ kỹ thuật

Cùng suy nghĩ với ông Son, ông Đinh Văn Hồng (ngụ cùng ấp) trồng thanh long ruột đỏ được hơn 1 năm nay, cho biết: “40 gốc thanh long của tôi đang cho trái, nếu được đầu tư tốt về kỹ thuật thì đây hoàn toàn là loại cây mang lại hiệu quả cao. Thanh Long ruột đỏ không kén đất nhưng để làm cho trái chất lượng, mẫu mã đẹp thì cần nhiều kỹ thuật mà chúng tôi chưa được học”.

"40 gốc thanh long của tôi đang cho trái, nếu được đầu tư tốt về kỹ thuật thì đây hoàn toàn là loại cây mang lại hiệu quả cao”.

Ông Đinh Văn Hồng  
Ông Nguyễn Văn Thượng - Chủ tịch Hội ND xã Trường Xuân B cho biết: “Thời điểm bắt đầu phát động mô hình trồng thanh long ruột đỏ có 22 hộ trồng, khi đó các hộ trồng được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng CSXH với tổng số tiền 500 triệu đồng. Đến nay đã có 27 hộ trồng với khoảng 1.200 gốc”.

Ông Thượng cũng thông tin: Hội ND xã đã đề xuất với huyện về việc thành lập HTX thanh long ruột đỏ. Nếu như tạo được thương hiệu và thống nhất về mẫu mã, chất lượng thì việc đưa thanh long ruột đỏ tiếp cận thị trường không khó, kể cả ở siêu thị. Điều đó sẽ tạo sự ổn định về đầu ra cho sản phẩm, ND cũng yên tâm trồng hơn.

Cũng theo ông Thượng, trồng thanh long ruột đỏ vốn đầu tư ban đầu khá cao, mỗi trụ đá để thanh long bám vào có giá 60.000 đồng, mỗi gốc phải đặt khoảng 4 hom (đoạn thanh long giống – PV), mỗi hom dài khoảng 3 tấc có giá 10.000 đồng, rồi chi phí làm gốc...

Tổng chi phí cho mỗi gốc thanh long là khoảng 120.000 đồng. Về vốn đầu tư đã được ngân hàng hỗ trợ tốt, vấn đề còn lại là việc trang bị kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ cho ND. Nếu làm được khâu tập huấn kỹ thuật, thanh long ruột đỏ sẽ phát triển nhanh ở Trường Xuân B.


Có thể bạn quan tâm

Bệnh rệp sáp bột hồng trên cây sắn đã ổn định Bệnh rệp sáp bột hồng trên cây sắn đã ổn định

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên, từ cuối tháng 8 đến nay, toàn tỉnh không phát hiện thêm diện tích sắn bị bệnh rệp sáp bột hồng lây lan, gây hại.

15/09/2015
Nuôi rong sụn lỗ vì rong mền Nuôi rong sụn lỗ vì rong mền

Người nuôi rong sụn ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đang đối mặt với thua lỗ vì điều kiện thời tiết không thuận lợi, rong mền gây hại phát triển nhiều, tiền bán rong không bù lỗ được tiền công.

15/09/2015
Dân Quảng Nam dầm mưa gặt lúa nhổ mì chạy bão Dân Quảng Nam dầm mưa gặt lúa nhổ mì chạy bão

Do mưa to, nhiều hoa màu tại Quảng Nam bị ngập sâu trong nước. Sáng 14-9, nhiều người dân phải dầm mưa ra ruộng thu hoạch nông sản trong không khí tất bật, lo lắng đan xen.

15/09/2015
Cá chết hàng loạt dân bán tháo cá bớp giá bèo Cá chết hàng loạt dân bán tháo cá bớp giá bèo

Ngày 14.9, các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiến hành thanh tra về bảo vệ môi trường, đất đai và xây dựng; thanh tra thực tế hiện trường các khu vực sản xuất, tiến hành lấy mẫu và trưng cầu giám định (nếu có) tại 22 cơ sở hoạt động tại Khu chế biến hải sản xã Tân Hải, huyện Tân Thành.

15/09/2015
 Hàng trăm hecta lúa không kết hạt phải cắt cho bò ăn Hàng trăm hecta lúa không kết hạt phải cắt cho bò ăn

Gần nửa tháng nay, hơn 100ha lúa vụ mùa 2015 của bà con nông dân xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa bước vào giai đoạn trổ bông mà không kết được hạt.

15/09/2015