Thanh Hồng lại mất mùa bưởi đào

Mấy năm nay bưởi đào Thanh Hồng mất mùa, được giá
Trước đây mỗi khi Tết Trung thu đến gần thì cũng là lúc nông dân xã Thanh Hồng (Thanh Hà, Hải Dương) tất bật thu hoạch bưởi đào. Ba năm nay, người dân ở đây liên tục phải đối mặt với tình trạng bưởi được giá nhưng mất mùa.
Năng suất bấp bênh
Từ năm 2013 trở lại đây, năng suất bưởi đào ở xã Thanh Hồng giảm hẳn, năm 2014 gần như mất trắng.
Nguyên nhân chính là do thời tiết diễn biến thất thường. Khi bưởi bắt đầu ra hoa gặp mưa nhiều nên không đậu quả, một số vườn khi cây bưởi có quả non lại xuất hiện mưa axít nên ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cả cây và quả.
Ông Ngô Hồng Quảng ở thôn Lập Lễ đã có kinh nghiệm trồng bưởi hơn 20 năm nay nhưng cũng bất lực trước thời tiết. Ông Quảng buồn rầu:
"Năm ngoái và năm nay không có bưởi mà bán. Những năm trước mỗi cây được hàng trăm quả, nay cả vườn may ra mới được nghìn quả, bán không đủ chi phí chăm bón".
Hiện tại, ông Quảng có 1,5 mẫu vườn trồng 125 gốc bưởi.
Để cây bưởi phát triển tốt, đầu năm ông đã tới Ninh Giang để mua phân gà về bón.
Việc cắt tỉa cành trước khi ra hoa, sau khi có quả và sau thu hoạch được gia đình ông làm rất cẩn thận. Năm 2012, cả vườn cho thu hoạch hơn 17.000 quả bưởi đào, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 135 triệu đồng.
Đến mùa thu hoạch, thương lái đến tận vườn tự hái bưởi. Đối với người dân thôn Lập Lễ, trồng bưởi nhàn hơn trồng vải, thu nhập cao nên từ lâu cây bưởi đã trở thành cây trồng chủ lực. Vì thế, tình trạng bưởi mất mùa liên tục, khiến bà con rất lo lắng.
Gia đình ông Nguyễn Ngọc Tiếp ở thôn Lập Lễ cũng trồng hơn 1 mẫu bưởi đào. Năm nay, vườn bưởi của gia đình ông Tiếp được mùa hơn so với những hộ khác nhưng so với những năm trước thì sản lượng chỉ đạt khoảng 50%.
Tuy giá bán tại vườn từ 15.000 - 20.000 đồng/quả (cao hơn những năm trước từ 7.000 - 10.000 đồng/quả), nhưng sản lượng thấp nên thu nhập không được bao nhiêu. Ông Tiếp nói: "Làm nông nghiệp chủ yếu trông chờ vào thời tiết. Bưởi tuy là cây chủ lực cho thu nhập chính, nhưng tôi cũng phải trồng xen thêm một số loại cây khác để có thêm thu nhập".
Xã Thanh Hồng hiện có hơn 100 ha bưởi đào, trong đó khoảng 70 ha tập trung ở thôn Lập Lễ, còn lại ở thôn Nhan Bầu và Tiên Kiều. Theo nhiều người, bưởi đào ngon nhất khi được trồng ở đất Lập Lễ, nếu trồng ở nơi khác chất lượng giảm hẳn.
Bưởi đào ít khi được bán ở địa phương vì thương lái thu mua mang bán ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, một số bán trong các siêu thị.
Cần quan tâm hơn
Lâu nay, người trồng bưởi vẫn áp dụng phương pháp canh tác truyền thống, cách chăm sóc bưởi cũng đơn giản nên khi gặp thời tiết bất lợi người trồng thường lúng túng, ảnh hưởng rõ rệt đến năng suất.
Hằng năm, xã Thanh Hồng cũng phối hợp để giới thiệu thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn nông dân phòng tránh thiên tai, sâu bệnh phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, chưa có lớp nào hướng dẫn cho nông dân cách trồng và chăm sóc bưởi đào.
So với nhiều loại cây khác như vải, ổi, chuối, bưởi đào ở Lập Lễ được đánh giá là loại cây có giá trị kinh tế cao và ổn định. Trồng bưởi sau 3 năm sẽ cho thu hoạch và năng suất ổn định từ năm thứ 5 trở đi. Song nếu không biết cách chăm sóc theo chu kỳ và để đất cằn thì rất khó để cây bưởi phát triển.
Ngoài việc mong muốn được áp dụng tiến bộ khoa học vào canh tác, giúp cho cây bưởi ra quả đều đặn, bà con xã Thanh Hồng mong xây dựng được thương hiệu cho loại nông sản này.
Ông Đào Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Thanh Hồng cho biết: "Do bưởi đào giá trị kinh tế cao nên nhiều người cũng muốn mở rộng diện tích trồng. Nhưng quỹ đất của địa phương không nhiều, UBND xã đã khuyến cáo nông dân không nên trồng ồ ạt, tập trung nâng cao chất lượng bưởi. Nếu không mất mùa, mỗi năm địa phương thu được từ 18 - 22 tỷ đồng từ bưởi đào".
Có thể bạn quan tâm

Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Tân Tiến, xã Phú Đức, huyện Tam Nông vừa tổ chức Đại hội thành viên bất thường chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 và thực hiện bán cổ phần. Đây là Đại hội điểm của huyện và là HTX thứ hai của huyện Tam Nông (sau HTX Tân Cường, xã Phú Cường) tiến hành việc chuyển đổi.

Với giá bán như hiện nay, trung bình 1 tấn cá lóc thương phẩm, người nuôi sẽ có lãi trên-dưới 8 triệu đồng; người nuôi tôm càng xanh, lươn và cá tra cũng có lãi... Đặc biệt, trong tháng 12/2014, Công ty cổ phần Thủy sản IV đặt trạm thu mua tại xã Phú Thành B, đã thu mua được hơn 10,7 tấn tôm càng xanh các loại.

Theo thương lái, giá quýt đường tăng trở lại là do quýt đường ở các nơi như An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh... hết mùa. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ quýt đường lớn nhất là TP.Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu tiêu thụ mạnh trở lại. Theo dự đoán từ đây đến Tết Nguyên đán giá quýt có thể sẽ tiếp tục tăng.

Chủ động tìm tòi, sáng tạo và chắt lọc những mô hình sản xuất mới lạ để có thể tạo ra các sản phẩm độc đáo thích ứng nhu cầu thị trường nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, chính là sự năng động thường thấy đối với không ít nhà nông ở Hậu Giang ngày nay.

Vai trò không thể phủ nhận của phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp là mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân và cây trồng, giảm bớt sự ô nhiễm môi trường, bảo vệ đất, nguồn nước, làm cho lương thực, thực phẩm được an toàn. Những ưu điểm này đã được các nhà khoa học nghiên cứu, ứng dụng để đem về sức sống cho đồng ruộng, sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.