Thanh Hóa Phát Triển Ngành Chăn Nuôi Bò Sữa Theo Hướng Công Nghiệp

Ngày 30-1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty cổ phần ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa TH Việt Nam (Công ty CP TH), thuộc Tập đoàn TH – THMilk, công bố Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu cho dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa.
Mục tiêu của quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu nhằm đáp ứng đủ thức ăn thô xanh cho các trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty CP TH tại vùng dự án, bố trí quỹ đất để xây dựng nhà máy chế biến sữa, trang trại chăn nuôi và các công trình phụ trợ khác; đầu tư cơ sở hạ tầng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu; tạo mối liên kết chặt chẽ và lâu dài giữa nông dân và doanh nghiệp, bảo đảm sản xuất có hiệu quả, ổn định, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động vùng quy hoạch…
Theo quy hoạch, diện tích vùng nguyên liệu cho dự án chăn nuôi và chế biến sữa quy mô công nghiệp có tổng diện tích 2.934,62 ha trên địa bàn 10 xã thuộc 3 huyện Nông Cống, Như Xuân và Như Thanh.
Diện tích đất trên bao gồm đất trồng cỏ, đất xây dựng nhà máy chế biến sữa, xây dựng trang trại chăn nuôi và các công trình phụ trợ khác. Đất được quy hoạch này chủ yếu cho Công ty CP TH thuê lại để phục vụ cho dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp, có tổng mức đầu tư 166 triệu USD, với quy mô nuôi 20.000 con bò sữa.
Trên cơ sở quy hoạch vùng nguyên liệu được phê duyệt, Công ty CP TH phối hợp với các địa phương, các ngành chỉ đạo hướng dẫn nông dân vùng quy hoạch tổ chức trồng, chăm sóc, thu mua và chế biến nguyên liệu; đồng thời đầu tư cho nông dân vay vốn, vật tư phân bón, tổ chức sản xuất và cung ứng giống; ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm cho người trồng cỏ…
Với chu trình công nghệ chăn nuôi khép kín hiện đại, Công ty CP TH sẽ cung cấp nguồn sữa tươi có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đang thiếu hụt sữa của xã hội, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung sữa và nguồn ngoại tệ lớn hàng năm bỏ ra để nhập khẩu sữa từ nước ngoài, góp phần cải thiện và nâng cao trí lực, thể chất cho người Việt.
Có thể bạn quan tâm

Bà con nông dân xã Bảo Hiệu (Yên Thuỷ - Hòa Bình) đang thu hoạch bí xanh – một trong những cây họ bầu bí giảm nghèo chủ lực trên vùng đất còn nhiều khó khăn này. Thông thường mọi năm, các hộ chỉ trồng bí vụ đông xuân. Tuy nhiên, gần đây, cây bí xanh được bà con trồng tăng vụ ở vụ hè thu. Đáng mừng là nỗ lực chuyển đổi của bà con đã được bù đắp xứng đáng nhờ bí xanh trái vụ được giá, được mùa. Mới có ít ngày thu hoạch thời điểm trung tuần tháng 8 đã mang về hàng chục triệu đồng cho các hộ, cá biệt có hộ thu trên, dưới 100 triệu đồng.

Nam Hả Trong là thôn có nhiều hộ trồng địa liền của xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh). Kinh tế chủ lực của thôn là phát triển lâm nghiệp, nhưng luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu đất rừng, đã buộc xã Nam Sơn phải có phương án làm sao trên cùng một diện tích đất có thể thu được nhiều nguồn lợi. Một trong những nguồn lợi ấy là trồng cây địa liền xen kẽ trên các diện tích trồng keo.

Trên địa bàn huyện chỉ mới xuất hiện những cơn mưa dông đầu mùa, đất chưa đủ độ ẩm nhưng nhiều người dân huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã ồ ạt xuống giống một số cây trồng vụ mùa; trong đó chủ yếu là cây mì, sau đó gặp nắng nóng kéo dài đã làm cho hàng ngàn ha mì chết và chậm phát triển vì thiếu nước. Những ngày qua, trên địa bàn huyện bắt đầu có mưa, phần nào giải cơn khát cho cây trồng thì cũng là điều kiện cho các dịch bệnh gây hại cây trồng xuất hiện.

Ông Hồ Thành Phi, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cho biết: Do hiệu quả kinh tế cây mía thấp, Công ty cổ phần đường Bình Định (BISUCO) thiếu quyết tâm đầu tư nên nông dân trong vùng nguyên liệu mía của huyện đã phá bỏ mía chuyển sang trồng các loại cây trồng khác, khiến cho diện tích mía nguyên liệu bị giảm mạnh.

Năm 2014, vụ lúa trên đất nuôi tôm của người dân trên địa bàn huyện U Minh, tỉnh Cà Mau tuy không được như mong đợi, nhưng tính hiệu quả bền vững của mô hình sản xuất kết hợp này nhiều năm qua đã khẳng định được vị thế trong lòng người dân ở những vùng chuyển dịch. Chính vì thế, năm 2015, người dân trên địa bàn huyện tiếp tục duy trì và phát triển vụ lúa - tôm.