Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thành Công Với Ước Mơ Làm Giàu Trên Quê Hương

Thành Công Với Ước Mơ Làm Giàu Trên Quê Hương
Ngày đăng: 24/01/2015

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân với tấm bằng loại khá, từng đi làm cho một vài công ty với thu nhập khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, ước mơ muốn làm giàu trên chính quê hương mình đã thôi thúc anh Đỗ Kim Tuyến quay về mở trại chăn nuôi gà thả vườn.

Thất bại không nản

Xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) là nơi có nhiều gương điển hình tiên tiến trong chăn nuôi phát triển kinh tế. Đó là những người được người dân địa phương trìu mến gọi tên gắn với công việc như ông Khoa "bò thịt, bò sữa", ông Xuân "bò thịt"...
Riêng lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, người được nhắc đến là anh Đỗ Kim Tuyến (SN 1986, ở thôn Sảo Hạ) chuyên nuôi gà thả vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo anh Tuyến, để có được kết quả như ngày hôm nay là cả một quá trình học hỏi với biết bao gian nan, vất vả và cả những thất bại mà nếu không quyết tâm thì khó mà vượt qua được.
Gà thả vườn của hộ anh Đỗ Kim Tuyến.
Đầu năm 2012, anh Tuyến bắt đầu đi thăm các mô hình chăn nuôi gà trong và ngoài địa phương. Sau đó, anh bắt tay vào thiết kế, xây dựng chuồng trại, nhập 1.500 con gà giống về nuôi lứa đầu tiên. Vì chưa có kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chăn nuôi nên gà nuôi bị chết nhiều, chậm lớn, tỷ lệ đồng đều thấp. Sau 4 tháng vất vả chăm bẵm, anh Tuyến cũng chỉ may mắn bán được hòa vốn.
Nhưng với anh, cái được lớn nhất là những bài học kinh nghiệm đầu tiên trong việc nuôi gà. Thế là, mặc dù chưa thành công nhưng anh quyết tâm theo đuổi con đường phát triển kinh tế từ việc nuôi gà. Lần này, anh tìm đến Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội nhờ tư vấn, giúp đỡ.
Đến đây, anh Tuyến được hướng dẫn và tổ chức đi thăm quan một số mô hình chăn nuôi gà thả vườn đã thành công trên địa bàn TP cũng như một số địa phương khác. Ngay sau đó, anh tập trung phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chăn nuôi như việc quản lý trang trại, kỹ thuật chăn nuôi…, các yếu tố tác động trực tiếp đến việc đội giá thành trong chăn nuôi để rút kinh nghiệm.
Thành công ban đầu
Với những bài học được rút ra, anh Tuyến tìm cách khắc phục để đi tiếp con đường “chăn nuôi gà” của mình. Theo đó, để giảm giá thành thức ăn, anh đã quyết định dành 400m2 đất để xây dựng chuồng nuôi giun quế. Anh tận dụng nguồn phân của các trang trại nuôi bò trong vùng làm thức ăn nuôi giun làm thức ăn cho gà.
Đồng thời, anh liên hệ với các DN để mua các nguyên liệu về tự phối trộn thức ăn theo công thức do Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội hướng dẫn. Để đàn gà vừa lớn đồng đều, vừa không bị rủi ro do dịch bệnh, anh đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình phòng bệnh như sử dụng vaccine, phun thuốc sát trùng, chế độ ăn uống, tẩy giun sán…
Vì vậy, đàn gà của anh luôn khỏe mạnh và phát triển đồng đều. Đến nay, trung bình mỗi lứa gà của anh có khoảng 1.500 - 2.000 con. Năm 2014, với 3 lứa gà nuôi thành công đã giúp anh có một khoản thu nhập đáng kể. Anh Tuyến cho biết, hiện nay, bình quân mỗi tháng, vợ chồng anh có thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng hoàn toàn từ chăn nuôi gà và bán giống giun quế.
Theo anh Tuyến, đầu ra cho “gà thả vườn” hiện rất thuận lợi, nhất là vào dịp cuối năm vì chất lượng thịt ngon, nhu cầu thị trường tiêu thụ nhiều. Với kinh nghiệm đã có, anh Tuyến quyết định sẽ nâng quy mô chăn nuôi từ 1.500 con gà/lứa lên 2.500 con gà/lứa, hướng tới quy mô 3.000 – 5.000 con/lứa vào những năm tới.
Bên cạnh thành công ban đầu, anh Tuyến cũng không khỏi băn khoăn về những khó khăn như thời tiết biến động bất thường, tình hình dịch bệnh, giá cả thức ăn, thuốc thú y liên tục tăng cao... gây ảnh hưởng tới người chăn nuôi. Mặt khác, do chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cũng là yếu tố bất lợi đối với hộ chăn nuôi gà thả vườn như gia đình anh. Đây là những mong muốn chính đáng của hộ chăn nuôi để các cấp, các ngành, các cơ quan chuyên môn quan tâm hơn nữa đến việc phát triển chăn nuôi nông hộ trong thời gian tới.


Có thể bạn quan tâm

Kiểm Soát Chất Lượng Con Giống Và Môi Trường Kiểm Soát Chất Lượng Con Giống Và Môi Trường

Hải Phòng là địa phương có truyền thống và kinh nghiệm về nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2013 đạt 50.694,7 tấn, trong đó sản lượng tôm nuôi đạt 5.064,9 tấn, tăng 112,72% so với năm 2012. Phát huy kết quả đó, năm 2014, ngành Nông nghiệp và PTNT và các địa phương thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa dịch bệnh, tăng sản lượng và chất lượng thủy sản nuôi.

21/04/2014
Xây Dựng Chuỗi Cung Ứng Cá Tra, Cá Basa Bền Vững Tại Việt Nam Xây Dựng Chuỗi Cung Ứng Cá Tra, Cá Basa Bền Vững Tại Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án "Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra, cá basa bền vững tại Việt Nam" do Liên minh châu u (EU) tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Switch-Asia của EU.

21/04/2014
Những Giải Pháp Nuôi Tôm Bền Vững Những Giải Pháp Nuôi Tôm Bền Vững

Những năm gần đây, người nuôi tôm đối mặt với nhiều thách thức do nhiều nguyên nhân. Trong đó, do chất lượng con giống không đảm bảo, thuốc thú y thủy sản tăng liên tục, đầu ra sản phẩm bấp bênh... Để tạo bước chuyển biến mới cho nghề nuôi tôm, Bạc Liêu cần triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả và bền vững hơn.

21/04/2014
Tham Quan Mô Hình Nuôi Cá Tầm Tại Tam Đảo Tham Quan Mô Hình Nuôi Cá Tầm Tại Tam Đảo

Ngày 15 tháng 4 năm 2014, Trạm khuyến nông Ba Vì (Hà Nội) đã tổ chức cho một số nông dân xã Khánh Thượng tham quan mô hình nuôi cá tầm của công ty TNHH Thương mại Đầu tư Việt Đức tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

21/04/2014
Sản Xuất Giống Và Phát Triển Nuôi Thương Phẩm Cá Chim Vây Vàng Tại Việt Nam Sản Xuất Giống Và Phát Triển Nuôi Thương Phẩm Cá Chim Vây Vàng Tại Việt Nam

Thời gian qua, cá chim vây vàng giống (cỡ 3-3,5 cm) có giá nhập khẩu rất cao (từ 4.000-5.000 đồng/con). Việc vận chuyển cá giống với quãng đường xa, thời gian vận chuyển kéo dài đã khiến cá suy yếu, tỷ lệ sống thấp.

21/04/2014