Thành Công Với Trang Trại Tổng Hợp

Tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, song với hoài bão và quyết tâm làm giàu từ mảnh đất quê hương, chàng thanh niên Võ Ngọc Sơn đã trở thành ông chủ trẻ với nguồn thu nhập hàng tỷ đồng từ trang trại chăn nuôi tổng hợp.
Sau cuộc hẹn, Võ Ngọc Sơn dàn xếp công việc, vui vẻ dẫn chúng tôi đi thăm cơ ngơi mà anh có được là trang trại tổng hợp đóng trên địa bàn xã Duy Hòa (Duy Xuyên).
Sơn cho biết, những gì mình có được ngày hôm nay là kết quả của niềm đam mê, tâm huyết lẫn tri thức, sức lực. Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại thôn Đông Gia (Đại Minh, Đại Lộc), Sơn cũng như bao thanh niên khác từng mơ ước được vào giảng đường để có thể đổi đời.
Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, là một kỹ sư xây dựng, Sơn cũng đã bôn ba với nghề nhiều năm nơi xứ người. Những trở ngại trên con đường lập thân đã khiến Sơn trăn trở, và rồi anh quyết tâm rẽ sang một lối đi ít ai ngờ tới: về quê đầu tư chăn nuôi.
Với nguồn vốn tích lũy ít ỏi nên Sơn phải vay mượn bạn bè, người thân để đầu tư cho dự án của mình. May mắn là anh nhận được sự ủng hộ, động viên rất lớn từ gia đình.
Ban đầu, Sơn chọn thả nuôi gần 2.000 con gà siêu trứng, nhờ chăm sóc tốt, lứa gà này đã đem lại cho anh nguồn thu đáng kể.
Thành công nhỏ này là động lực giúp Sơn mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại và nâng số lượng đàn gà lên hàng nghìn rồi hàng chục nghìn con. Tận dụng diện tích đất rộng rãi, anh đầu tư nuôi thêm heo thịt, thỏ, đào ao thả cá.
Sơn quan niệm việc đa dạng hóa sản phẩm sẽ phù hợp với nhu cầu thị trường và có thể cung cấp sản phẩm ở bất cứ thời điểm nào trong năm khi thị trường cần. Trang trại nằm vị trí cách xa khu dân cư, thoáng mát, khu chăn nuôi được xây dựng rất kiên cố, phân chia theo từng khu, từng lô phù hợp với từng loại vật nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh.
Khu vực này còn được lắp đặt hệ thống chiếu sáng, những ô thông gió, đặc biệt có hệ thống cung cấp nước tự động được lắp đặt từ nhiều vòi nước chảy tự do. Bên trong có rất nhiều quạt gió hoạt động nhằm đẩy và hút gió để luôn duy trì nhiệt độ phù hợp cho đàn vật nuôi.
Không ngại khó ngại khổ, bên cạnh đầu tư con giống tốt, hệ thống chuồng trại kiên cố, anh còn chú trọng đến khâu phòng bệnh cho vật nuôi, huy động nguồn vốn đầu tư. Đến nay, cơ sở của anh đã hình thành trên diện tích 10ha. Trang trại hiện có 16.000 gà thịt và gà đẻ trứng, hơn 500 heo thịt với trọng lượng lúc xuất chuồng mỗi con khoảng 1 tạ, 300 thỏ nái sinh sản, trâu sinh sản 15 con.
Không chỉ vậy, anh còn đào ao thả cá trên diện tích 3ha nuôi chủ yếu cá trê lai, vốn là loài cá ăn tạp và có giá thành khá cao. Với 16.000 gà siêu trứng, bình quân mỗi ngày trang trại thu về 15.000 quả trứng và thị trường tiêu thụ chủ yếu là các đại lý, siêu thị, chợ Đà Nẵng, Tam Kỳ…
Cơ ngơi mà trí thức trẻ như Võ Ngọc Sơn tạo dựng được đối với nhiều người là cả niềm mơ ước. Mỗi năm, trang trại của anh thu về hơn 6 tỷ đồng, trừ chi phí lãi 1,2 - 1,5 tỷ đồng. Trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động với mức lương trung bình trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Có thể bạn quan tâm

Ngôi nhà tường bề thế với đầy đủ tiện nghi ở ấp Tân Phước 1, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ vừa là nơi ở vừa là nơi kinh doanh của ông Nguyễn Phước Sang (còn gọi là Ba Sang, 59 tuổi). Bước chân qua tấm biển hiệu “Ba Sang”, người ta có thể thấy ngay vườn rau giống các loại xanh um rộng hơn 500 m2. Ở địa phương, nghị lực vượt khó của ông Ba Sang được bà con nhắc đến nhiều với sự nể trọng.

Sáng 22/7, tại Hà Nội, Bộ Công thương và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại VN với sự tài trợ của dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu phối hợp với Sở KH&CN Kiên Giang tổ chức hội thảo bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm và kinh nghiệm đăng ký ở châu Âu.

Xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) là xã biển bãi ngang nhưng những năm trở lại đây lĩnh vực nông nghiệp đã được quan tâm phát triển và từng bước mang lại hiệu quả cao. Ngoài cây lúa và một số loại cây hoa màu khác thì khoảng 5 năm trở lại đây, cây đậu đen xanh lòng được trồng nơi đây đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân, mở ra hướng làm ăn mới đầy triển vọng.

Hơn 20 hộ nông dân ở thôn Suối Thông B, xã Đạ Ròn (Đơn Dương - Lâm Đồng) tự phân công sản xuất từng loại rau theo thỏa thuận tiêu thụ với hệ thống siêu thị Sài Gòn. Quy trình sản xuất được kiểm tra nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP, nếu hộ nào không tuân thủ sẽ chịu các hình thức “kỷ luật” tương xứng như cảnh cáo, khai trừ…

Tuy chưa có thống kê của ngành chức năng nhưng hiện bà con trồng mía ở một số xã: Tân Phước Hưng, Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) đã bắt đầu thu hoạch mía chục để bán cho thương lái đi tiêu thụ ở các nơi.