Thành Công Từ Nuôi Gà Đẻ Trứng

Sau khi nghỉ chế độ, ông Đinh Sỹ Chung, xã Ninh Khang (Hoa Lư - Ninh Bình) đã sang một số nước: Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia... tìm hiểu, học cách nuôi gà lấy trứng vốn đang được thị trường ưa chuộng và có nhiều tiềm năng phát triển.
Năm 2003, được thuê 3 ha đất tại xã Yên Sơn (thị xã Tam Điệp), ông đã đầu tư trên 600 triệu đồng xây dựng trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng với quy mô 6.000 con. Thời gian đầu, trại thường xuyên phải nhờ các chuyên gia tư vấn, chuyển giao về quy trình kỹ thuật, nuôi gà phù hợp với điều kiện của địa phương. Năm 2005, dịch cúm gia cầm bùng phát trên diện rộng, đã làm cho Trại bị thiệt hại nặng, ước tới hàng tỷ đồng. Không nản chí, ông Đinh Sỹ Chung đã quyết tâm đầu tư khôi phục đàn gia cầm giống, mở rộng quy mô chăn nuôi.
Cùng năm đó, trang trại phát triển thành Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Quang Trung với quy mô chăn nuôi tăng lên 60.000 con gà đẻ trứng, gấp 10 lần so với năm 2003. Một trong những điều khó khăn nhất là thị trường tiêu thụ sản phẩm. Công ty đã tích cực đầu tư phương tiện, con người, tìm đối tác, mở các cửa hàng, đại lý không chỉ ở các địa phương trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh bạn, các thị xã, thành phố lớn.
Cùng với đó, Công ty đã áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, đảm bảo năng suất, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm nên sản phẩm trứng gà của Công ty đã có chỗ đứng và có uy tín trên thương trường toàn quốc, được các Công ty: Kinh Đô, Hữu Nghị, Hải Hà, Tràng An... đến liên hệ, ký hợp đồng mua hàng thường xuyên. Tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh... đều có hệ thống đại lý của Công ty. Hiện tại, với 60.000 con gà đẻ, mỗi ngày Công ty cung cấp ra thị trường từ 54.000-55.000 quả trứng, lợi nhuận thu về từ 200-300 triệu đồng/tháng. Đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức lương từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Ông Chung cho biết: Có thành công này là do Công ty đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, kỹ thuật trong chăn nuôi; hệ thống chuồng trại khép kín có hệ thống điều hòa nhiệt độ đảm bảo cho nhiệt độ trong chuồng trại luôn luôn được ổn định; hệ thống lấy phân, cho ăn, uống nước được tự động hóa; chuồng trại cách biệt hoàn toàn với khu vực xung quanh. Công ty đã áp dụng nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học: Thực hiện tiêm phòng đầy đủ theo đúng độ tuổi; có lịch trình tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại định kỳ; trại có hệ thống sát trùng khi người và phương tiện ra vào trại; nguồn thức ăn, nước uống đảm bảo vệ sinh; xung quanh trang trại trồng cây xanh và đào ao... Phương châm của Công ty là: “Phòng bệnh nghiêm ngặt mới đem lại hiệu quả chăn nuôi cao”, “Hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm mới tiêu thụ được nhiều”.
Cũng theo ông Giám đốc Công ty, trong thời gian tới Công ty dự kiến đầu tư thêm 10 tỷ đồng nâng quy mô chăn nuôi gà đẻ trứng lên 100.000 con, mở rộng trang trại nuôi gà hậu bị đảm bảo về chất lượng con giống cũng như chủ động được nguồn giống trong quá trình chăn nuôi. Công ty mong muốn được sự ủng hộ, giúp đỡ tạo điều kiện của ngành chuyên môn, chính quyền các cấp.
Có thể bạn quan tâm

Bà con nông dân ấp Nam Hải, xã Đại Hải, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng vốn gắn bó với nghề chăn nuôi từ lâu. Bên cạnh việc trồng lúa, hầu hết nông hộ đều có chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những năm 2010 trở về trước, nuôi heo nái và heo thịt quy mô gia trại là thế mạnh ở đây.

Là xã thuần nông, những năm qua xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, toàn xã có 1.699 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thu nhập từ chăn nuôi chiếm 40% giá trị sản xuất nông nghiệp. Vật nuôi cho giá trị thu nhập cao nhất phải kể đến con trâu.

Nằm trong vùng sinh thái có khí hậu đặc thù của Tây Nguyên, lượng mưa trung bình năm đạt 1.600 – 1.800 mm, với diện tích đồng cỏ tự nhiên rộng lớn, đa dạng rất thích hợp với phát triển chăn nuôi đại gia súc, việc đưa bò ngoại vào chăn nuôi thử nghiệm tại huyện M’Drak thành công đã mở ra nhiều triển vọng mới cho ngành chăn nuôi Dak Lak.

Hộ gia đình ông Nguyễn Thanh Liêm ở ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) chăn nuôi gà tre theo mô hình an toàn sinh học cho thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng.

Để giúp ngành chăn nuôi trong nước tăng nhanh sản lượng thịt, sữa, giảm lượng nhập khẩu thì chỉ còn một cách là phải nhập nhiều hơn nữa các giống gia súc, gia cầm có năng suất, chất lượng cao từ các nước trên thế giới về cho người dân, doanh nghiệp chăn nuôi.