Thành Công Từ Mô Hình Nuôi Cá Nước Ngọt, Trồng Bồn Bồn

Ở ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, nhắc đến ông Nguyễn Văn Hoà hầu như bà con đều biết. Vì ngoài công việc của một cán bộ bảo hiểm xã hội, ông còn tranh thủ thời gian thực hiện mô hình nuôi cá nước ngọt, trồng bồn bồn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ năm 2007 trở về trước, cuộc sống gia đình ông rất vất vả do chỉ có 2.400 m2 đất canh tác nuôi tôm nước tĩnh, bình quân hằng năm thu nhập 5 triệu đồng, đời sống chỉ dựa vào đồng lương.
Thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Bác, ông tham gia nghiên cứu, học tập, kiên quyết phát triển kinh tế gia đình. Ông chịu khó học hỏi và tìm cho mình một hướng đi riêng bằng việc kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi để tăng thêm thu nhập.
Nhờ cần cù và chịu khó học hỏi, tính toán trong sản xuất, mô hình nuôi cá nước ngọt và trồng bồn bồn của ông Nguyễn Văn Hoà bước đầu mang lại hiệu quả như mong muốn, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Năm 2009, ông mạnh dạn thuê xáng cuốc bao quanh ô đất tránh rò rỉ, đồng thời khoan giếng nước sạch, xây dựng hệ thống điện lưới dùng mô-tơ bơm nước giữ ngọt. Ông chọn giống bồn bồn khoẻ mạnh cấy đều trên diện tích đất được quy hoạch và thả 2.500 con cá tra, hơn 2.000 con cá phi.
Sau 2 tháng, ông bắt đầu thu hoạch cá phi và bồn bồn. Bồn bồn không chỉ bán tại chợ thị trấn Đầm Dơi, mà bà con còn điện thoại đến đặt khi có nhu cầu sử dụng cho đám tiệc. Bình quân ông thu nhập từ bồn bồn 5 triệu đồng/tháng, cá phi 2 triệu đồng/tháng.
Như vậy, năm 2012 gia đình ông thu hoạch từ phần đất này hơn 60 triệu đồng. Hiện nay trên phần đất này, ông còn nuôi cá tra, dự tính thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi cá nước ngọt, trồng bồn bồn của ông Nguyễn Văn Hoà đang thực hiện không phải là cách làm mới, nhưng việc xây dựng mô hình và vận dụng vào thực tiễn phù hợp hoàn cảnh gia đình đã mang đến thành công cho gia đình ông, thuận lợi cho bà con tiêu dùng.
Mô hình này đang được sự quan tâm của bà con nông dân trong ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi và chính quyền địa phương.
Cũng từ thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thấu hiểu được sự bất hạnh đối với những gia đình, với người đặc biệt khó khăn, trong 3 năm qua ông Nguyễn Văn Hoà còn tiết kiệm từ đồng lương, thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ cho bà con, học sinh nghèo tiền, gạo, cặp, tập, sách, ghế học sinh, tổng trị giá hơn 10 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Ảnh, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Duyệt, cho biết: “Thời gian tới địa phương sẽ nhân rộng các mô hình có hiệu quả, trong đó có mô hình ông Nguyễn Văn Hoà để giúp nhiều bà con nông dân phát triển kinh tế gia đình, nâng diện tích đa cây, đa con trên cùng một diện tích”.
Có thể bạn quan tâm

Bên cạnh rau an toàn, bò sữa, cá cảnh… hoa lan đang là sản phẩm nông nghiệp giúp nông dân huyện Hóc Môn (TP.HCM) làm giàu, dù chỉ với diện tích canh tác nhỏ

Cây nhãn Ido đã mang lại cho nhiều nông dân cuộc sống sung túc điển hình như ông Nguyễn Văn Phúc tỉnh Vĩnh Long, mỗi năm lời trên 2 tỷ đồng.

Không chỉ thu tiền lời hơn 1 tỉ đồng mỗi năm từ trang trại nuôi ếch, anh Nguyễn Văn Nữa (29 tuổi) còn là người đầu tiên làm chà bông ếch thành công

Anh Nguyễn Văn Luật vay vốn ngân hàng, người thân để đào ao thả cá, xây chuồng trại chăn nuôi lợn, gà. Từ mô hình này mà mỗi năm anh “đút túi” trên 1 tỷ đồng.

Lúc đầu vì thiếu vốn, anh phải vay thêm tiền ngân hàng để khởi nghiệp với mô hình nuôi cá cảnh (cá kiểng) và cá giống.