Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thành Công Từ Mô Hình Nuôi Cá Lóc Mùa Lũ

Thành Công Từ Mô Hình Nuôi Cá Lóc Mùa Lũ
Ngày đăng: 24/10/2012

Nhiều năm qua, phong trào nuôi cá lóc mùa lũ ở xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang thu được nhiều kết quả khả quan và được bà con nông dân vùng lũ nhân rộng. Mô hình này không cần diện tích rộng, người nuôi tận dụng thức ăn sẵn có trong mùa lũ, chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao. Đặc biệt, mô hình đã giải quyết công ăn việc làm lúc nông nhàn cho bà con vùng lũ. 
Đến xã Tân Hòa Tây trong những ngày nước lũ lên, không khí nơi đây khá nhộn nhịp, nhiều nông dân trồng lúa tranh thủ ra đồng đặt dớn, giăng lưới, kéo cá đồng về cho cá lóc ăn. Dưới các tuyến kênh, vèo nuôi cá lóc đặt san sát nhau. Khởi động mô hình nuôi cá lóc trong vèo là ông Bùi Văn Chỉnh ở ấp Tân Hưng Tây, ông Chỉnh cho biết, khoảng năm 1995 ông đi tham quan mô hình nuôi cá lóc mùa lũ ở tỉnh Đồng Tháp, thấy mô hình cho kết quả tốt, ông quyết định đầu tư nuôi cá lóc đầu vuông trong mùa lũ.

Ban đầu, ông Chỉnh mua 500 con cá lóc con về nuôi thử nghiệm, kết thúc vụ, sau khi trừ chi phí, ông thu lời trên 8 triệu đồng. Trong mùa lũ này, ông Chỉnh đã thả nuôi trên 1.000 con cá lóc đầu vuông và đang giai đoạn lớn nhanh. Theo ông Chỉnh, cá lóc tương đối dễ nuôi, ít bệnh và có thể tận dụng diện tích mặt nước xung quanh nhà và các phụ phế phẩm khác để nuôi. Trên diện tích khoảng 3 m2 có thể nuôi 500 - 1.000 con cá lóc đầu vuông.

"Chi phí chỉ có tiền giống 400 đồng/con, tiền lưới làm vèo nuôi 200.000 đồng, tiền thuốc cho cá khoảng 100.000 đồng; còn thức ăn cho cá thì tận dụng phụ phế phẩm kiếm được trong mùa lũ như: cá sặt, cá rô, ốc bươu vàng… Sau 3,5 - 4 tháng nuôi, cá lóc có trọng lượng khoảng 800 g đến 1 kg/con. Giá cá lóc dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người nuôi còn lời trên 10 triệu đồng" - ông Chỉnh nói. Chẳng những có kinh nghiệm nuôi, ông Chỉnh còn ép thành công cá lóc sinh sản. Mỗi mùa, ông cung cấp hàng ngàn con lóc giống cho bà con nông dân vùng lũ của huyện Tân Phước. 
Từ mô hình nuôi cá lóc mùa lũ của ông Chỉnh, nhiều người nuôi ở vùng lũ huyện Tân Phước đã bắt đầu thả nuôi. Ông Nguyễn Văn Quang, ấp Tân Hưng Phước cũng đầu tư nuôi cá lóc đầu vuông từ mùa lũ năm 2011. Năm rồi, ông Quang lãi trên 12 triệu đồng/vèo nuôi 1.200 con cá, còn năm nay do mực nước lũ còn thấp, thức ăn cho cá không nhiều, nên ông chỉ nuôi trên 400 con. Ông Quang cho biết, với số lượng cá này, ông cũng thu được trên 5 triệu đồng tiền lãi.

Ông Quang nói: "Lúc đầu còn khó khăn về kỹ thuật nhưng được các cấp chính quyền địa phương huyện, xã giúp đỡ về kỹ thuật và bản thân học hỏi kinh nghiệm từ các hộ nuôi khác nên đã gặt hái được kết quả đáng phấn khởi". Theo ông Lê Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước, trên địa bàn xã, bà con nông dân sống nhờ vào làm ruộng, hằng năm khi vào mùa nước nổi, người dân vùng này thường giăng lưới, bắt cá đồng, cá tạp với số lượng khá nhiều. Do vậy, một số hộ đã suy nghĩ tìm cách để tăng thu nhập cho gia đình bằng cách sử dụng nguồn cá tạp để nuôi cá lóc trong vèo.

Ban đầu, toàn xã chỉ có 1 - 2 hộ nuôi, với 2 - 3 vèo lưới nay đã tăng lên 52 hộ, với 75 vèo (mỗi vèo trung bình 700 con). Mỗi vụ, bà con thả nuôi 3,5 - 4 tháng là thu hoạch, lợi nhuận trên 10 triệu đồng/vèo nuôi. "Thành công từ mô hình nuôi cá lóc mùa lũ ở xã Tân Hòa Tây đã góp phần tạo thêm một hướng làm ăn cho bà con nông dân trong những tháng nước lũ. Điểm nổi bật của mô hình là đáp ứng được nhu cầu cải thiện cuộc sống của bà con nghèo có ít đất sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và giúp bà con nông dân vươn lên" - ông Tùng cho biết. 
Mặc dù, mô hình nuôi cá lóc mùa lũ cho hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên vẫn là phong trào "tự phát", nên nông dân gặp nhiều khó khăn do thiếu kiến thức về kỹ thuật, chưa có kinh nghiệm, nguồn cá tạp ngày một khan hiếm và trong khâu tiêu thụ sản phẩm thường bị thương lái ép giá... Để mô hình có sức lan tỏa và tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con vùng lũ rất cần sự hỗ trợ từ các ngành chức năng về kỹ thuật, cũng như định hướng thị trường mục tiêu cho bà con.


Có thể bạn quan tâm

Phát Triển Đàn Bò Thịt Ở Phước Tuy (Bến Tre) Phát Triển Đàn Bò Thịt Ở Phước Tuy (Bến Tre)

Tổng đàn bò của huyện Ba Tri (Bến Tre) hiện có khoảng 71 ngàn con, trong đó xã Phước Tuy có trên 3.600 con. Ông Nguyễn Văn Lư - Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Phước Tuy, chia sẻ: “Những năm gần đây, nghề nuôi bò thịt phát triển mạnh, xã có hơn một ngàn hộ nông nghiệp thì hầu như nhà nào cũng nuôi từ một đến hai con bò, có nhà nuôi năm, bảy con đến cả chục con”. Nghề nuôi bò sinh sản, bò thịt vỗ béo đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo và nhân rộng số hộ khá, giàu tại xã.

21/05/2013
Ông Lê Tấn Báu Bám Đất Làm Giàu Ông Lê Tấn Báu Bám Đất Làm Giàu

Được sự giới thiệu của anh Lê Đình Nguyên, Chủ tịch Hội Nông dân Tp. Phan Rang Tháp Chàm, chúng tôi đến khu phố 6, phường Phủ Hà tìm gặp ông Lê Tấn Báu, nông dân tiêu biểu sản xuất giỏi của thành phố.

29/07/2013
Không Dừng Thí Điểm Bảo Hiểm Nông Nghiệp Không Dừng Thí Điểm Bảo Hiểm Nông Nghiệp

Liên quan đến thông tin liệu có dừng thí điểm bảo hiểm nông nghiệp hay không, đại diện Bộ Tài chính khẳng định: Vẫn tiếp tục chương trình này, vì qua thực tiễn thí điểm, kết quả đạt được tương đối tốt và có nhiều ý kiến đề xuất đưa ra thực hiện đại trà.

22/07/2013
No Ấm Từ Đồng Đất Nha Húi No Ấm Từ Đồng Đất Nha Húi

Sáng sớm ngày 13-3, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Lương 51 tuổi tất bật vào mùa thu hoạch thuốc lá vàng sấy. Anh Lương là một trong những nông dân tiêu biểu vượt khó vươn lên làm giàu bảo đảm cuộc sống no ấm từ đồng đất Nha Húi thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn. Anh vận động gia đình thi đua sản xuất giỏi tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới.

29/07/2013
Mô Hình Kinh Tế Gia Trại Bền Vững Mô Hình Kinh Tế Gia Trại Bền Vững

Chúng tôi thật sự ấn tượng trước mô hình kinh tế gia trại phát triển theo hướng bền vững của ông Huỳnh Miên. Hệ thống gia trại được đầu tư xây dựng nề nếp phản ảnh tinh thần nỗ lực vươn lên làm giàu từ nông nghiệp, chung tay xây dựng nông thôn mới của người nông dân có gần nửa thế kỷ gắn bó với vùng đất xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước.

29/07/2013