Thành công nhờ liên kết trong sản xuất

Ngày 10.9, Hội Nông dân (ND) tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án “Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tỉnh giai đoạn 2011 -2015”.
Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng, Phó Bí thư Thường trực tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân tham dự hội nghị.
Ăn nên làm ra nhờ tổ hợp tác
Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng thăm mô hình Tổ liên kết chăn nuôi gà sạch vay vốn Quỹ HTND tại Cam An Bắc, Cam Lâm, Khánh Hòa. Ảnh: Mai Khuê
Từ năm 2012, sau khi đề án được phê duyệt, Quỹ HTND tỉnh Khánh Hòa đã có tổng số vốn 4 tỷ đồng. Trong đó, 100% các huyện, thị, thành hội được tạo điều kiện trích ngân sách và 65/126 cơ sở hội được ngân sách xã, phường cấp cho Quỹ HTND. Bên cạnh đó, quỹ còn được bổ sung thêm nguồn vốn từ sự đóng góp của các Mạnh Thường Quân muốn góp phần vào việc giúp ND thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.
Từ đồng vốn Quỹ HTND, nhiều dự án đã phát triển sản xuất mang lại hiệu quả rất tốt. Điển hình như các mô hình tổ hợp tác (THT) chăn nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học tại Cam An Bắc (Cam Lâm) có 14 thành viên, được Quỹ HTND hỗ trợ 400 triệu đồng.
Chính nhờ đồng vốn hỗ trợ này, tổ hợp tác đã phát triển sản xuất lên 5.000 con gà/trại, đầu tư thêm thức ăn, thuốc thú y… và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các công ty chăn nuôi…
Hiện nay, Quỹ HTND đang cho hàng chục tổ liên kết, THT vay, trong đó có nhiều tổ ăn nên làm ra như THT sản xuất mỹ nghệ Cam Thuận Nam (Cam Ranh); THT đồ gỗ dân dụng Khánh Vĩnh; THT trồng cây cảnh (Phước Đồng, Nha Trang); THT trồng dừa xiêm.
Cần tuyên truyền sâu rộng hơn
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng đánh giá cao việc ưu tiên cho các THT vay vốn từ quỹ HTND. “Thời gian tới, Hội ND Khánh Hòa nên phát huy cách làm này và chú trọng lồng ghép giữa việc cho vay vốn với các hoạt động đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật để phát huy hiệu quả đồng vốn và nhân rộng các mô hình vay vốn hiệu quả” – ông Nguyễn Duy Lượng chỉ đạo.
Đánh giá hiệu quả sử dụng vốn Quỹ HTND tỉnh Khánh Hòa trong 5 năm qua, ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Thường trực tỉnh Khánh Hòa cho rằng, trong quá trình triển khai hoạt động của Quỹ HTND cho thấy một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm, chưa tạo điều kiện cho cơ sở hội vận động các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng và phát triển quỹ hội.
Trong khi đó, hiện nay nhu cầu của nông dân cần vay vốn hỗ trợ để phát triển sản xuất nhằm thoát nghèo, vươn lên làm giàu là rất lớn.
Thay mặt Trung ương Hội NDVN, ông Nguyễn Duy Lượng nêu nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền lên hàng đầu trong 5 nhiệm vụ mà Quỹ HTND tỉnh Khánh Hòa phải làm trong thời gian sắp tới.
“Mục đích, ý nghĩa, hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND phải được chú trọng tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, các tổ chức, các doanh nghiệp nhằm tạo sự đồng thuận trong việc vận động đóng góp xây dựng quỹ hỗ trợ ND có vốn phát triển sản xuất” - ông Nguyễn Duy Lượng nói.
Tính đến 31.7, tổng dư nợ Quỹ HTND tỉnh Khánh Hòa đạt trên 7,1 tỷ đồng, triển khai 43 dự án với 374 hộ được vay với quy mô dự án từ 100 – 300 triệu đồng/dự án. Đặc biệt, những dự án triển khai dạng tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh đã phát triển sản xuất mang lại hiệu quả rất tốt.
Có thể bạn quan tâm

“Nông dân cần kịp thời được tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giống mới. Thu hoạch cách nhau mấy ngày mà chênh lệch đến mấy triệu đồng... Sống nhờ vườn mà nghề vườn bấp bênh, rủi ro quá, nhiều người đã bỏ đất đi làm thuê làm mướn”, anh Nghĩa nói vậy. Bản thân anh cũng đang hợp đồng với ngành du lịch Vĩnh Long chạy đò chở khách để kiếm thêm phụ vợ nuôi bầy con.

Với giá trị kinh tế nổi bật, cây cam đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho các hộ trồng cam trên địa bàn huyện Cao Phong. (Gia đình anh Cao Xuân Quỳnh, xóm Nam Thành, xã Nam Phong (Hòa Bình) thoát nghèo vơn lên làm giàu nhờ cây cam).

Trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu, sản phẩm cam Cao Phong ngày càng khẳng định được lợi thế nổi bật so với các loại đặc sản khác của địa phương. Đến nay, cam Cao Phong là sản phẩm đầu tiên và duy nhất của tỉnh đã đăng ký bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Kết quả này mở ra nhiều cơ hội để cam Cao Phong trở thành một thương hiệu mạnh, có sức vươn bền bỉ ra thị trường trong và ngoài nước.

Ông Trần Văn Quát, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn, huyện Châu Thành - địa phương có diện tích cây hồng xiêm lớn nhất tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay hồng xiêm đang là cây chủ lực của xã, đời sống nhân dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ cây hồng xiêm. Tới đây, diện tích trồng hồng xiêm của xã sẽ còn tăng lên bởi loại cây này dễ chăm sóc, có giá cả ổn định

Trên 20 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia giới thiệu, trưng bày các sản phẩm của mình tại Hội chợ Thực phẩm châu Á-Thái Bình Dương (APFE 2014), một trong những hội chợ chuyên ngành có quy mô lớn nhất khu vực châu Á được tổ chức thường niên tại Singapore.