Thành Công Nhờ Hiểu Ếch

Đến thôn Yên Đào, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương (Thanh Hoá), hỏi trang trại nuôi ếch của ông Lê Văn Dũng (53 tuổi), ai cũng biết. Trang trại này là nơi cung cấp ếch thương phẩm và con giống cho các trại nuôi trong xã và các huyện lân cận.
Khởi nghiệp ban đầu của ông Dũng là nghề nuôi vịt đẻ với số lượng hơn 300 con. Năm 2005, dịch cúm gia cầm lây lan nhanh khiến đàn vịt của gia đình ông bị xoá sổ. Cũng trong năm đó, ông Dũng đến nhà một người bạn ở huyện Triệu Sơn chơi, thấy mô hình nuôi ếch của nhà bạn dễ nuôi, chi phí thấp, hiệu quả cao, ông tìm hiểu và nhờ bạn dạy cách nuôi.
Về nhà, ông Dũng cải tạo khu ao của gia đình thành trang trại nuôi ếch. Ông chia sẻ: "Khi ấy, chưa có kinh nghiệm, nên tôi chỉ dám nuôi có 2 lồng với 300 con ếch. Chưa hiểu được quy trình nuôi nên ếch hay mắc bệnh ký sinh trùng, trùng bánh xe... Vì vậy, năm đầu tiên tôi chỉ hoà vốn".
Ông tiếp tục đọc tài liệu, nghiên cứu về môi trường và cách vệ sinh cho loài ếch. Nhiều lần, ông ngồi lặng lẽ bên bờ ao hàng tiếng đồng hồ để theo dõi quá trình sinh hoạt của ếch. Dần dà, ông nghiệm ra nhiều điều về kỹ thuật chăm nuôi ếch...
Sau một năm tự mày mò, đọc sách hướng dẫn cách nuôi, ông đã mở rộng diện tích nuôi ếch với số lượng lớn. Mô hình nuôi ếch của ông là mô hình khép kín từ khâu sinh sản đến khâu thành phẩm. Mỗi năm, ông cung cấp cho thị trường Thanh Hóa và các tỉnh lân cận như Nghệ An, Ninh Bình hơn 2 tấn ếch thương phẩm và gần 5 vạn con ếch giống. Trừ chi phí, ông bỏ túi từ 150 - 200 triệu đồng.
"Thấy nuôi ếch dễ làm, tôi đã huy động các hộ trong thôn cùng nuôi ếch. Hiện nay, thôn Yên Đào đã có hơn 10 hộ nuôi ếch theo mô hình như tôi" - ông Dũng cho hay.
Tâm nguyện lớn nhất của ông Dũng là giúp bà con thoát nghèo từ nghề nuôi ếch. Những ai từ xa đến, nếu có nguyện vọng học nghề, ông hướng dẫn tận tình cách nuôi, bày cho cách xây dựng trang trại...
Có thể bạn quan tâm

Trên địa bàn thị xã Tam Điệp (Ninh Bình), diện tích nuôi trồng thuỷ sản đang được mở rộng, tuy nhiên các hộ nuôi nơi đây chủ yếu vẫn trông chờ vào nguồn cá giống do thương lái đưa về, vận chuyển xa nên chất lượng cá không đảm bảo, tỷ lệ sống thấp, cá nuôi chậm lớn, hay bị bệnh, năng suất không cao.

Các nhà sản xuất, phân phối cá tầm Việt Nam vừa gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ về việc cần có giải pháp chống cá tầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc đang đe dọa trực tiếp đến ngành nuôi cá tầm và quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam.

Rừng phòng hộ ven biển huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang có chiều dài hơn 20km, tổng diện tích trên 1.000ha. Nơi đây có hệ sinh thái rừng ngập mặn với hệ động thực vật phong phú; dưới tán rừng đước là các trảng nước và con kênh thích hợp cho nhiều loài thủy sản sinh sống. Mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng đang chứng tỏ hiệu quả, cải thiện cuộc sống của chủ rừng.

Trong khi ngành chăn nuôi lao đao vì giá cả bấp bênh, vì dịch bệnh thì riêng chăn nuôi bò lai nông dân ít gặp rủi ro, giá cả luôn ổn định, trở thành mũi nhọn kinh tế cho nhà nông hiện nay.

Gần đây, diện tích rừng trống, đồi núi trọc trên địa bàn các xã miền núi được phủ xanh bởi những cánh rừng tràm, rừng cao su bạt ngàn. Từ đây, nhiều hộ dân phát triển mô hình nuôi ong mật mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, tiềm năng này của Thừa Thiên Huế vẫn đang bị lãng phí.