Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thành Công Nhờ Chọn Giống Cây Trồng Phù Hợp

Thành Công Nhờ Chọn Giống Cây Trồng Phù Hợp
Ngày đăng: 12/07/2013

Biết chọn giống cây trồng phù hợp, anh Nguyễn Kiến Văn (sinh năm 1971 ở ấp 16, xã Long Trung, huyện Cai Lậy - Tiền Giang) đã vươn lên khá giả.

Anh còn nhạy bén ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế vườn, tạo sản phẩm sạch, chất lượng. Nhiều năm liền, anh Văn đạt giải cao tại Hội thi trái ngon - an toàn do các tỉnh lân cận tổ chức.

7,5 công đất vườn của gia đình anh Văn hiện cho thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm, trong đó có 4 công anh chuyên canh nhãn Ido (giống nhãn Thái Lan), 2,5 công chuyên canh bưởi da xanh và 1 công đất quanh nhà được tận dụng trồng kiểng lá để bán kiểng nguyên liệu.

Anh cho biết, trước đây hoàn cảnh gia đình không dư dả, vườn tạp, cây trồng già cỗi nên không cho thu hoạch gì đáng kể, vợ chồng anh đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi heo sinh sản. Qua nhiều năm chăn nuôi, đối diện với rủi ro do biến động giá cả thị trường và dịch bệnh, anh Văn quyết định cải tạo vườn, chuyên tâm với nghề trồng trọt.

Năm 2001, sau khi tham quan vườn một người quen ở tỉnh Bến Tre, anh đốn bỏ diện tích nhãn tiêu quế kém hiệu quả trồng thử nghiệm 100 gốc nhãn Ido trên 4 công vườn và chuyên canh bưởi da xanh trên 2,5 công vườn còn lại. Khi vườn cây chưa cho thu hoạch, anh Văn tận dụng diện tích đất quanh nhà trồng kiểng lá để lấy ngắn nuôi dài. Nhờ chuyên cần và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác nên 4 năm sau đó, vườn nhãn và bưởi da xanh bắt đầu cho trái, luôn đạt năng suất cao.

Lý giải về việc chọn hai giống cây trồng chuyên canh, anh Văn cho biết, nhãn Ido sinh trưởng tốt, phù hợp thổ nhưỡng địa phương, năng suất vượt trội và kháng bệnh chổi rồng mạnh hơn các giống nhãn khác nên kỹ thuật chăm sóc khá đơn giản. Hiện nay ở giai đoạn cho trái ổn định, vườn cây cho thu hoạch khoảng 8 tấn trái/năm, giá bán dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Riêng bưởi da xanh có nhược điểm là dễ bị bệnh vàng lá và tuổi thọ không cao nếu chăm sóc không đúng cách.

Để khắc phục, anh trồng cây nơi đất cao ráo, cung cấp đủ nước tưới vào mùa khô và thoát nước tốt vào mùa mưa. Khi cây ra trái, anh ước lượng số trái theo sức cây để tỉa bỏ bớt, đồng thời sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây đủ dinh dưỡng. Sau khi thu hoạch, anh vệ sinh vườn, bón phân, tưới nước đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi để cây phát triển, cho năng suất ổn định đợt sau.

Nhạy bén chọn giống cây trồng phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên nhiều năm liền anh Nguyễn Kiến Văn được bình chọn là "Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh", vườn cây của anh trở thành điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của nhiều nhà vườn trong khu vực. Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp 16, anh luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho hội viên để cùng canh tác hiệu quả.

Đặc biệt với kỹ thuật canh tác hướng đến đầu ra nông sản sạch, anh Văn đã nhiều lần đưa sản phẩm tham dự Hội thi Trái ngon - An toàn tổ chức tại tỉnh Bến Tre và tỉnh Vĩnh Long, đạt thứ hạng cao. Gần đây nhất, tại Hội thi Trái ngon - An toàn tỉnh Bến Tre lần thứ XIII được tổ chức vào tháng 6/2013, mẫu nhãn Ido và bưởi da xanh của vợ chồng anh tham gia dự thi đạt giải nhì và giải ba. Kết quả hội thi đã đánh giá trình độ canh tác và khả năng tiếp cận các tiến bộ khoa học - kỹ thuật của anh nông dân cần cù, ham học hỏi và khích lệ anh tiếp tục phát huy thế mạnh kinh tế vườn.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Trước tình trạng dịch bệnh trên tôm xảy ra phổ biến, nhiều bà con huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) chuyển sang nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến (bao gồm cả luân canh lúa - tôm), với mong muốn mang lại hiệu quả kinh tế cao và giảm thiệt hại khi có dịch bệnh xảy ra.

05/07/2014
Vĩnh Long Nuôi Cá Tra Tiếp Tục Không Ổn Định Vĩnh Long Nuôi Cá Tra Tiếp Tục Không Ổn Định

Tuy nhiên, lợi nhuận từ nuôi cá tra tiếp tục không ổn định, bên cạnh lượng cá đến kỳ thu hoạch không nhiều. Toàn tỉnh hiện có 429,5ha mặt nước sử dụng nuôi cá tra thâm canh, trong đó diện tích đang thả nuôi là 273,5ha, diện tích treo ao vẫn còn khá cao trên 34ha, chuyển sang nuôi các đối tượng khác hơn 10ha.

02/12/2014
Giá Trị Kinh Tế Nuôi Tôm Đạt Hơn 2.770 Tỷ Đồng Giá Trị Kinh Tế Nuôi Tôm Đạt Hơn 2.770 Tỷ Đồng

Ông Nguyễn Đức Mậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) cho biết: Tổng sản lượng tôm sú và tôm thẻ chân trắng năm 2014 trên địa bàn huyện đạt được là 19.819 tấn, đạt 113% so với kế hoạch. Giá trị kinh tế mang lại tương đương 2.770 tỷ đồng. Đây là năm huyện Cầu Ngang có sản lượng tôm thương phẩm đạt cao nhất từ trước đến nay.

02/12/2014
Gần 1,2 Tỉ Đồng Thực Hiện Dự Án Chế Biến Cá Cơm Trụng Gần 1,2 Tỉ Đồng Thực Hiện Dự Án Chế Biến Cá Cơm Trụng

UBND tỉnh Phú Yên vừa phê duyệt cho UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) vay vốn từ Quỹ Giải quyết việc làm tỉnh Phú Yên năm 2014 để thực hiện dự án Chế biến cá cơm trụng.

05/07/2014
Chuyện Làng Quê Nuôi Tôm Chuyện Làng Quê Nuôi Tôm

Cả một vùng giồng cát ven biển do sóng biển xa xưa tạo nên lúc cái đồng bằng này hình thành, đã bị đào bới tung lên, ao nọ sát ao kia, ao nào cũng có lưới bao quanh. Nằm ngoài vùng quy hoạch, không được phép nuôi, chính quyền địa phương cảnh báo thế nào, ngăn cản thế nào, ao tôm vẫn ào ào xuất hiện.

02/12/2014