Thành Công Của Dưa Hấu Kỳ Lý

Gần 6 năm sau ngày được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Dưa hấu Kỳ Lý”, mặt hàng nông sản này đã giúp người dân Phú Ninh (Quảng Nam) luôn có những vụ mùa thành công.
Cách đây 6 năm, ông Nguyễn Trung (khối phố Tam Cẩm, thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh) cùng hàng trăn hộ dân trong vùng đã mạnh dạn chuyển hàng chục ha đất lúa sang trồng dưa hấu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rất lớn từ phía thương lái sau khi thương hiệu dưa hấu Kỳ Lý ra đời.
Vụ dưa Đông Xuân 2013-2014 vừa qua, toàn huyện trồng 491ha dưa, sản lượng đạt gần 13.890 tấn. Bình quân đạt doanh thu 180 triệu đồng/ha và tổng giá trị thu được từ dưa hấu trên toàn huyện khoảng 90 tỷ đồng.
Theo ông Đinh Long Toàn, Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Phú Ninh, việc trồng dưa ở địa phương bắt đầu từ năm 1993 và phong trào trồng dưa bắt đầu phát triển mạnh tăng cả diện tích và sản lượng từ năm 2004 đến nay.
Lúc đó sau khi thu hoạch dưa nông dân chủ yếu mang xuống bán tại ngã ba Kỳ Lý (xã Tam Đàn). Cánh tài xế xe khách, xe tải khi ghé đây mua dưa, ăn thấy ngon ngọt hơn ở những vùng khác nên tự quảng bá “ghé mua dưa hấu Kỳ Lý” khi có người hỏi.
Chính vậy, dù trồng trên nhiều xã tại Phú Ninh chứ không hẳn ở Kỳ Lý nhưng giới lái xe, thương lái vẫn quen gọi là dưa hấu Kỳ Lý. Nên khi đăng ký thương hiệu, chính quyền địa phương và người dân đều thống nhất tên gọi là "Dưa hấu Kỳ Lý" để đăng ký bảo hộ.
Theo ông Toàn, dưa hấu Kỳ Lý có những đặc điểm mà dưa hấu trồng ở các vùng khác khó sánh bằng: vỏ dày nên vận chuyển lâu ngày vẫn không bị nhăn da hay héo; màu dưa và ruột dưa không biến màu và giữ nguyên chất lượng. Đặc biệt, ruột dưa hấu Kỳ Lý màu đỏ đậm với vị ngọt đậm đà, thanh mát nên khách rất chuộng.
Nói về hướng đi cho thương hiệu nông sản nổi tiếng này, ông Đinh Long Toàn cho biết: “Từ năm 2012, UBND huyện đã triển khai thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp và thực hiện sản xuất tập trung hàng hóa, trong đó có cây dưa hấu. Từ đó, các cánh đồng cho thu nhập cao chuyên sản xuất dưa hấu mang thương hiệu Kỳ Lý cũng hình thành và sản xuất ổn định. Hiện nay, vùng sản xuất dưa hấu trọng điểm của Phú Ninh vẫn tập trung ở các xã Tam Phước, Tam Thành, Tam Lộc và tạo hiệu quả cao, mở hướng đi mới cho nông dân địa phương”.
Cũng theo ông Toàn, UBND huyện đang tập trung thực hiện kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi hóa đất màu ưu tiên tiên cho vùng sản xuất tập trung, đặc biệt là các vùng trồng dưa hấu thương hiệu Kỳ Lý nhằm tạo tính bền vững, ổn định cho loại nông sản đặc trưng này. Đồng thời, UBND huyện cũng tích cực chỉ đạo Trạm bảo vệ thực vật Phú Ninh triển khai sản xuất dưa hấu theo mô hình VIETGap nhằm tăng tính cạnh tranh cho thương hiệu dưa hấu Kỳ Lý.
“Cũng nhờ thương hiệu dưa hấu Kỳ Lý được bảo hộ nên dù đôi lúc cũng bấp bênh giá cả nhưng nhìn chung cứ đến mùa vụ chính là thương lái “ưu tiên” mua dưa đất này trước”, ông Trung chia sẻ.
Đang bón thúc cho 5 sào dưa hấu trên cánh đồng Đất Nà, ông Trung vui vẻ chia sẻ: “Vụ trước ở đâu rớt giá thê thảm chứ dưa thương hiệu Kỳ Lý vẫn cháy hàng. Vụ đó, tôi thu hoạch 5 tấn dưa với giá bình quân 6.000 đồng/kg nên thu nhập cũng khá.
Tiếp vụ này tôi cũng trồng 5 sào dưa nữa, không có thay đổi thì cả năm thắng lớn nhờ trái dưa hấu này”. Những trái dưa đã được bấm chọn giờ đã lớn bằng bắp chân người đang lớn xanh tốt chỉ khoảng 20 ngày nữa là thu hoạch. Hiện nguồn tiêu thụ là khá lớn nên ông không lo lắng cho đầu ra của loại nông sản này.
Có thể bạn quan tâm

Anh là người tiên phong, cũng là người giúp nông dân trong xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) nhân rộng mô hình nuôi dông (kỳ nhông) trên cát. Anh là Phạm Khắc Bảo (25 tuổi, thôn Hải Triều, xã Cam Hải Đông) chủ một trại nuôi dông có giá trị lên đến cả tỷ đồng.

Những năm gần đây, trong khi người dân nhiều vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lao đao vì dịch bệnh trên tôm hoành hành thì ở xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh, Quảng Trị) người nuôi tôm đều trở nên khá giả với mô hình nuôi tôm sú. Năm 2012, Vĩnh Sơn được đánh giá là địa phương nuôi tôm đạt năng suất và hiệu quả cao nhất tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh (Thạnh Phú - Bến Tre) cho biết, từ khi Dự án 418 khép kín, ngọt hóa, các ấp: Thạnh Bình, An Thạnh, một phần Thạnh Quí B và Thạnh Quí A, người dân làm lúa được một vụ.

Thực hiện chính sách của Nhà nước về việc hỗ trợ cho bà con nhà vườn trong phòng, chống bệnh chổi rồng hại nhãn, theo Công văn số 498/TTg-KTN, ngày 13/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh chổi rồng hại nhãn huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã tiến hành các bước để làm cơ sở cho việc hỗ trợ nhà vườn trồng nhãn phòng, chống bệnh chổi rồng. Bước đầu tiên là thống kê sơ bộ diện tích nhiễm bệnh và mức độ thiệt hại để có cơ sở công bố dịch; bước tiếp theo là lập biên bản xác định diện tích nhiễm bệnh, tỉ lệ thiệt hại được lập cho từng hộ là căn cứ để hỗ trợ kinh phí phòng trừ bệnh; bước thứ ba là thẩm định việc phòng trừ bệnh của nhà vườn theo quy trình kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và PTNT để xác định chính xác số tiền được hỗ trợ của từng hộ trồng nhãn.

Trời mưa lớn kéo dài đã khiến trên 40 ha đỗ tương, đỗ xanh của xã Tiền Phong (Thanh Miện, Hải Dương) đang chuẩn bị vào thời kỳ thu hoạch bị thối.