Thăng Trầm Cây Khóm Hậu Giang

Được tỉnh Hậu Giang lựa chọn là một trong bốn cây trồng chủ lực để phát triển, nhưng cây khóm Hậu Giang vẫn chưa thể mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho những người đã gắn bó hàng chục năm với cây trồng này.
Qua rồi thời hoàng kim
Khóm “Cầu Đúc” là đặc sản không chỉ nổi tiếng ở thị trường nội địa mà đã từng xuất khẩu sang tận Nga và Đông Âu vào những năm 80 của thế kỷ trước. Theo anh Lâm Trường Thọ, xã viên HTX nông nghiệp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, TP.Vị Thanh đang canh tác 3ha khóm thì đây là giai đoạn hoàng kim của người trồng khóm. Khi mà nhiều người đã giàu lên nhanh chóng. Cùng với đó là những căn nhà tường đồ sộ được mọc lên rất khang trang. Thế mà giờ đây, những người trồng khóm tại địa phương lại đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là đầu ra sản phẩm, giá cả bấp bênh.
Còn ông Dương Văn Thanh, Chủ doanh nghiệp tư nhân Dương Thanh ở xã Hỏa Tiến cho biết, sau khi trừ xong các khoản chi phí, trung bình mỗi năm, người dân còn lãi 15 - 20 triệu đồng/ha. Quả thực lợi nhuận này chưa cao hơn so với một số loại cây trồng khác như lúa, mía. Trong khi đó, từ năm 2005 đến nay, các nhà máy tiêu thụ, chế biến khóm không còn được Nhà nước ưu đãi hỗ trợ như trước mà vận hành theo cơ chế thị trường, tự hạch toán nên giá cả thu mua lúc cao lúc thấp. Dẫn đến tình trạng khi khóm thu hoạch nhiều thì các nhà máy lại thu mua chậm là chuyện khó tránh khỏi.
Trước năm 1990, diện tích khóm trên toàn tỉnh lên tới 7.000ha, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 1.680ha, tập trung chủ yếu ở TP.Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Theo ngành nông nghiệp tỉnh, từ lâu, khóm Cầu Đúc được nhiều người biết đến nhờ chất lượng, hương vị ngọt ngon rất đặc trưng của vùng đất mà ít có loại khóm nào bì được. Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã công nhận nhãn hiệu hàng hóa khóm Cầu Đúc Hậu Giang, thế nhưng diện tích khóm của tỉnh đã bị thu hẹp rất nhiều. Bởi không ít người dân đã quay lưng với loại trái cây đặc sản này cũng vì hiệu quả kinh tế thấp, đầu ra chưa thực sự ổn định để nông dân an tâm sản xuất.
Vốn là nhà khoa học từng gắn bó nhiều năm với cây khóm Hậu Giang, trong đó có cống hiến đáng ghi nhận về việc nghiên cứu giống khóm Queen (Cầu Đúc) sạch bệnh bằng phương pháp cấy mô, PGS-TS Lê Văn Bé, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, lý giải: Giá khóm trái bị sụt giảm do xuất khẩu không được, nhưng chi phí sản xuất tăng cao vì giá phân bón, nguồn giống bị thoái hóa, tập quán canh tác lạc hậu, rẫy khóm lan truyền mạnh bệnh héo khô đầu lá. Đây là những nguyên nhân làm cho diện tích bị thu hẹp và sản lượng khóm Hậu Giang giảm đáng kể so với trước đây.
Hướng đến năng suất và chất lượng
Với mục tiêu nâng cao năng suất và phẩm chất khóm đạt yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ ăn tươi và làm nguyên liệu chế biến cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước nên từ năm 2009 đến năm 2011, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng mô hình sản xuất khóm Cầu Đúc theo tiêu chuẩn VietGAP trên quy mô diện tích 9ha tại vùng chuyên canh khóm xã Hỏa Tiến. Hiện có 7 hộ, với diện tích 7ha được cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sản xuất khóm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp tục nhân rộng diện tích lên 50ha trong thời gian tới.
Năm 2012, năng suất khóm của Hậu Giang đạt khoảng 15,5 tấn/ha, ước sản lượng cả tỉnh trên 26.200 tấn. Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho hay, dự kiến, mỗi năm tỉnh sẽ phát triển thêm ít nhất 10ha khóm Queen sạch bệnh nhằm thay thế những diện tích bị héo khô đầu lá và thoái hóa, để từng bước phục hồi năng suất, sản lượng và diện tích của giống cây đặc sản này. Trên cơ sở hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống trong vùng đất nhiễm phèn mặn của tỉnh.
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cây khóm được trồng từ Bắc đến Nam, với diện tích cả nước khoảng 40.000ha, năng suất bình quân hàng năm từ 15-20 tấn/ha ở các tỉnh phía Nam, 10 tấn/ha ở các tỉnh phía Bắc. Ước sản lượng khoảng trên 500.000 tấn, trong đó 90% là ở phía Nam. Cho nên Việt Nam được xem là một trong 10 quốc gia có sản lượng khóm cao trên thế giới. Tuy nhiên, khóm nước ta chưa được xếp hạng trong nhóm các nước xuất khẩu do phẩm chất trái và công nghệ chế biến khóm kém.
Do đó, vấn đề nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị của cây khóm hiện nay để giúp cho việc sản xuất khóm an toàn, bền vững là rất cần thiết. PGS-TS Mai Thành Phụng, Trưởng bộ phận Thường trực tại Nam bộ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho rằng: Bất lợi lớn nhất trong sản xuất khóm của người dân các tỉnh phía Nam, trong đó có Hậu Giang là sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao do năng suất, chất lượng thấp, nhưng chi phí canh tác lại cao.
Vì thế, không còn cách nào khác, bản thân người dân phải chủ động xây dựng quy trình, cách làm để tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản xuất xuống mức thấp nhất. Từ đó mới mong ứng phó với tình hình giá cả, thị trường tiêu thụ bấp bênh, gia tăng hiệu quả sản xuất dài lâu cho gia đình.
Qua đây cho thấy, người trồng khóm cần quan tâm đẩy mạnh giải pháp sản xuất tập trung thông qua mối liên kết 4 nhà chặt chẽ, nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng nhất, có tính cạnh tranh cao để đáp ứng yêu cầu thị trường cần chứ không sản xuất theo tập quán truyền thống, nghĩa là làm ra sản phẩm mà mình có.
Có thể bạn quan tâm

Do hiệu quả kinh tế của việc trồng lúa vụ xuân hè không cao nên nhiều hộ gia đình ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang... đã thay thế vụ lúa xuân hè hoặc hè thu sớm bằng một vụ đậu nành sau khi thu hoạch lúa đông xuân.

Sau thắng lợi của vụ tôm năm 2011, năm 2012 diện tích thả nuôi tôm càng xanh mùa lũ ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đã tăng lên. Cụ thể, năm 2012 toàn huyện có 185,66 ha thả nuôi tôm, tăng 34 ha tập trung các xã: Mỹ An Hưng B, Vĩnh Thạnh... Tuy nhiên, năm nay vụ tôm càng xanh mùa lũ ở huyện đạt năng suất thấp, nhiều hộ nuôi không có lời, thậm chí bị thua lỗ.

Do nhu cầu tiêu thụ trên thị trường và giá bán trái cao nên thanh long ruột đỏ đang được nhà vườn đầu tư phát triển làm nhánh giống trở nên khan hiếm. Nhánh thanh long giống ruột đỏ nhà vườn bán với giá từ 3.000 - 4.000 đồng/nhánh có kích thước từ 30 - 40 cm. Thương lái mua trái tại nhà vườn với giá từ 23.000 - 24.000 đồng/kg, vào thời điểm hút hàng, giá cao nhất là 52.000 đồng/kg.

Xu hướng nông nghiệp đô thị ngày càng phát triển, tiếp thu những ứng dụng hiệu quả trong chăn nuôi, trang trại (TT) ông Trần Văn Lý (ấp 1, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo) đã bắt đầu ứng dụng đệm lót sinh học trong nuôi heo, góp phần tích cực vào việc hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh về giá thành.

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đã đặt ra mục tiêu đến năm 2015 có từ 40-60 sản phẩm địa phương được thương mại hóa, đáp ứng yêu cầu của quá trình xây dựng “Mỗi làng một sản phẩm”. Theo đó, rất nhiều địa phương trong tỉnh đã khai thác các tiềm năng, thế mạnh để phát triển các nghề nuôi, trồng đưa những loại đặc sản trở thành thương phẩm trên thị trường. Trong số đó, có nghề nuôi rắn ở xã Thống Nhất (Hoành Bồ).