Thái Lan Có Thể Trở Lại Ngôi Vương Xuất Khẩu Gạo?

Những hoạt động xuất khẩu gạo gần đây của Thái Lan đang chứng tỏ một điều, Thái có thể quay lại ngôi vị nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới trong năm 2014.
Mất vị trí số 1 vào tay Ấn Độ trong năm 2012, ngành gạo của Thái thực sự gặp khủng hoảng khi chỉ xuất khẩu được 6,94 triệu tấn, tụt xuống hạng 3 thế giới, sau cả Việt Nam.
Năm 2013, dù đã cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu gạo bằng nhiều kế hoạch và chính sách khác nhau, nhưng lượng gạo được bán ra thị trường nước ngoài của Thái chỉ đạt khoảng 6,61 triệu tấn, kém xa mục tiêu 8 triệu tấn.
Sở dĩ Thái Lan rơi vào tình trạng trên, ngoài nguyên nhân do nguồn cung thế giới tăng cao, nhu cầu tiêu thụ giảm và sự cạnh tranh gay gắt từ Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan, Trung Quốc ra, còn do chính sách lúa gạo trong nước không hiệu quả.
Chương trình thế chấp lúa gạo của Chính phủ Thái khiến nước này chịu một khoản lỗ khổng lồ. Chỉ tính từ cuối năm 2011 tới tháng 10/2013, Thái Lan đã lỗ khoảng 390 tỷ Baht, do giá thu mua cao hơn giá thị trường từ 40 – 50%. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của các nước khác đang giảm mạnh.
Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), lượng gạo dự trữ của Thái Lan trong năm nay có thể lên đến 14,7 triệu tấn, tăng hơn gấp đôi năm 2011.
Với kế hoạch “sẵn sàng bán gạo với bất cứ giá nào”, Chính phủ Thái đang có nhiều hoạt động tích cực trong việc giải phóng tồn kho, mặc dù giá trị xuất khẩu gạo thấp.
Từ tháng 1 đến tháng 3/2014, Thái Lan đã xuất khẩu khoảng 2,2 triệu tấn gạo, tăng 43% so với 1,54 triệu tấn gạo xuất khẩu cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Ấn Độ - quốc gia đang nắm vị trí số 1 xuất khẩu gạo thế giới, lại đang gặp rắc rối với các thị trường như Nigeria do thuế nhập khẩu lên đến 110%, hay Iran do vấn đề quản lý an toàn thực phẩm.
Các thương nhân cho rằng, lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong năm 2014 có thể sẽ giảm từ gần 10 triệu tấn năm 2013 xuống còn khoảng 8 triệu tấn.
Nhiều chuyên gia dự đoán, xuất khẩu gạo basmati của Ấn Độ có thể ổn định ở mức 4 triệu tấn, nhưng gạo non – basmati sẽ chỉ bán được khoảng 4 triệu tấn, giảm 38% so với năm 2013. Các thương nhân nói rằng họ không thể giảm giá thấp hơn nữa để cạnh tranh được với Thái Lan và Việt Nam.
Bên phía Việt Nam – nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới – cũng dự đoán xuất khẩu gạo trong năm 2014 sẽ bị sụt giảm trước áp lực từ Thái Lan, và sự giảm mua từ phía Trung Quốc và Châu Phi.
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10-6-2013, qua 2 năm, 13 tỉnh ĐBSCL bắt tay thực hiện đến nay đã đạt được nhiều thành công nhất định.

Liên tiếp là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ trồng rừng mới, với độ che phủ đạt 64%, song hiện nay tỉnh Tuyên Quang bị “tố” vì các dự án trồng rừng kém hiệu quả, nhiều nơi đã lợi dụng trồng mới để... phá rừng.

Như NTNN đã đưa tin, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đang xuất hiện tình trạng sâu đục thân mình trắng (Xylotrechus quadripes Chevrolat) tàn phá cây cà phê, gây thiệt hại nặng cho nông dân. Theo các chuyên gia nông nghiệp, loại sâu này hoạt động quanh năm và phát triển mạnh ở những khu vực nhiệt độ cao và nhiều ánh sáng.

Chỉ với 4 con chim trĩ giống nuôi từ năm 2011, đến nay anh Trần Văn Chức, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đã nhân thành công mô hình nuôi chim trĩ hàng hóa và trở nên khấm khá.

Hồi đầu năm 2014, trước mức giá hấp dẫn của khoai môn (dao động từ 14.000 – 15.000 đồng/kg, có lúc lên đến 18.000 đồng/kg), nhiều nông dân ở An Giang đổ xô đi trồng khoai.