Thái Bình chủ động chống úng cho lúa mùa và cây màu vụ đông ưa ấm

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Thụy Phong (Thái Thụy) vận hành thử nghiệm trạm bơm sẵn sàng cho việc chống úng.
Những ngày qua, thời tiết có mưa vừa, mưa to đã ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng cũng như sự sinh trưởng, phát triển của cây màu vụ đông ưa ấm mới trồng. Dự báo những ngày tới trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa, mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông.
Để cây màu vụ đông ưa ấm sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân:
Với diện tích cây mới trồng (ớt, dưa, bí...) khi gặp mưa to cần che nilon; khẩn trương tháo rút nước, khơi thông dòng chảy khi có ngập úng, tránh hiện tượng thối cây, thối rễ; sau đó phun thuốc Anvil để phòng trừ nấm lở cổ rễ kết hợp với chế phẩm KH, Pennac P, siêu lân... giúp cây nhanh phục hồi.
Nếu thời tiết thuận lợi, bà con có thể bón bổ sung thêm phân cho cây.
Tại Thái Thụy, từ sáng ngày 17/9, trên địa bàn huyện có mưa tại một số nơi, lượng mưa trung bình trên 10mm.
Tuy nhiên, để chủ động chống úng, bảo vệ 13.900ha lúa mùa đang trong giai đoạn trỗ bông, 600ha cây màu vụ đông ưa ấm mới gieo trồng (chủ yếu là ngô và ớt), huyện đã chỉ đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình mưa lũ để có phương án phòng, chống úng kịp thời; chủ động huy động nhân lực triển khai khơi thông dòng chảy trên các sông, kênh mương nội đồng, vét rãnh tiêu thoát nước trên ruộng trồng cây màu.
Nông dân huyện Vũ Thư khơi thông dòng chảy tiêu thoát nước bảo vệ cây màu.
Ở Hưng Hà, nông dân các địa phương đã gieo trồng được 700ha cây màu vụ đông ưa ấm, chủ yếu là dưa, bí, ngô, đậu, đỗ các loại.
Với tổng lượng mưa đo được trên địa bàn huyện từ ngày 15/9 đến 13 giờ ngày 17/9 là 62,5mm, nhìn chung, diện tích lúa mùa và cây màu của huyện chưa bị ảnh hưởng.
Song trước dự báo mưa to đến rất to còn tiếp diễn, huyện đã chỉ đạo các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn nông dân trong trường hợp có mưa to cần khẩn trương tháo nước nhanh, khơi thông dòng chảy, không để nước ngập lâu trong ruộng gây thối rễ cây.
Trước mắt, sử dụng nilon che mưa cho diện tích đã trồng bằng phương pháp đặt bầu để tránh bị ảnh hưởng. Đối với diện tích lúa trỗ sau ngày 10/9 cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện, xử lý kịp thời sâu bệnh hại lúa, nhất là bệnh đạo ôn cổ bông.
Đến nay, nông dân Tiền Hải đã thu hoạch được 600/1.300ha cây màu hè thu và trồng được khoảng 400ha cây màu vụ đông ưa ấm. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lớn kéo dài, bà con nông dân cần tập trung thu hoạch rau màu các loại, chủ động khơi thông kênh mương, rãnh thoát nước trên ruộng, đồng thời chuẩn bị hạt giống rau màu để gieo trồng lại những diện tích cây vụ đông chết do mưa lớn.
Các địa phương phân công cán bộ chuyên môn bám sát đồng ruộng, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, có biện pháp ứng phó kịp thời để bảo vệ an toàn cho rau màu.
Từ rạng sáng đến 17 giờ ngày 17/9, tại Vũ Thư, tổng lượng mưa đo được là 32mm. Mưa lớn nhưng không kéo dài nên 8.200ha lúa mùa vẫn an toàn, hơn 1.000ha cây màu, chủ lực là cây ngô mới gieo trồng bị ảnh hưởng nhẹ như trốc hạt, dập cây.
Thiệt hại chủ yếu là gần 200ha rau màu bị dập nát, diện tích ngô quà của một số xã như Minh Quang, Trung An, Song An… bị lao lướt, đổ ngả; một số diện tích rau màu tiêu thoát nước chậm, gây ngập úng cục bộ.
Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện và các xã, thị trấn đã huy động lực lượng kịp thời giải tỏa rau bèo, vật cản trên các tuyến sông trục cấp I, cấp II, tạo điều kiện tiêu thoát nước nhanh; tiến hành mở cửa cống Lân, các cống ngang đê để tiêu nước tự chảy, rút nước trong hệ thống.
Nông dân các địa phương trong huyện tích cực kiểm tra đồng ruộng, tiến hành khơi thông dòng chảy, đẩy nhanh tiến độ tiêu thoát nước mặt ruộng, khẩn trương thu hoạch rau màu bị dập nát, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra.
Vụ mùa năm 2015, thành phố Thái Bình gieo cấy 2.500ha lúa. 385ha cây màu hè thu đã cơ bản thu hoạch xong và đang chuẩn bị làm đất gieo trồng cây màu vụ đông. Đến nay, thành phố cơ bản thu hoạch xong cây màu hè thu và gieo trồng được khoảng 250ha cây màu vụ đông ưa ấm (50ha ngô, 20ha dưa, bí, 180ha rau các loại).
Trước ảnh hưởng không khí lạnh kèm theo mưa, thành phố đã chỉ đạo các phòng chức năng tổ chức kiểm tra công tác phòng trừ sâu bệnh cho lúa mùa cuối vụ và công tác giải phóng dòng chảy, phòng, chống úng để bảo vệ lúa mùa và cây màu vụ đông đã gieo trồng;
Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đánh giá mức độ ảnh hưởng của mưa đối với cây màu vụ đông, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, nhân lực tổ chức tiêu nước nhanh, chủ động nguồn giống thay thế, khẩn trương làm đất gieo trồng lại những diện tích cây màu vụ đông không có khả năng phục hồi, bảo đảm kế hoạch sản xuất đã đề ra.
Có thể bạn quan tâm

Vụ cá cơm vơi dần là lúc biển lại ưu ái ban tặng cho ngư dân xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi mùa cá ve (cá trích con). Làng chài vì thế luôn nhộn nhịp, sôi động. Mùa cá không chỉ đem lại cuộc sống no đủ cho ngư dân mà còn giải quyết nguồn lao động trên bờ.

Ở một số tỉnh phía Bắc, thông thường, nuôi tôm chỉ đạt 1 vụ/năm, nhưng mấy năm trở lại đây, bà con nông dân đã mạnh dạn nuôi cả vụ 3, tập trung vào hai đối tượng chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng bởi nhiều ưu điểm như: thời gian sinh trưởng ngắn, tốc độ tăng trưởng nhanh, sức đề kháng tốt...

Theo tin từ Chi cục Thú y (Sở NN&PTNT), đến ngày 31-5 tại xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh đã có 5 hộ nuôi tôm xuất hiện hiện tượng tôm bị chết với diện tích 12,4 ha; trong đó có 1 hộ nuôi tôm công nghiệp và 4 hộ nuôi tôm quảng canh.

Những năm gần đây, phong trào nuôi ếch ở huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) phát triển mạnh. Hiện toàn huyện có gần 400 hộ nuôi ếch, với số lượng gần 10 triệu con, sản lượng mỗi năm gần 4.000 tấn. Do số lượng nuôi nhiều nên giá ếch hiện đang giảm sâu, người nuôi không có lời, thậm chí lỗ vốn do không tìm được thương lái thu mua.

Hải tượng là loài cá có xuất xứ từ Nam Mỹ. Ở Việt Nam hầu như chưa có mấy ai nuôi sinh sản thành công loại cá này. Thế nhưng, hiện tại ở ấp Lộc Vĩnh, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh có một người làm được việc đó.