Thạch đen mất giá gây thiệt hại nhiều tỷ đồng

Người dân huyện Thạch An (Cao Bằng) gặp khó vì thạch đen mất mùa, mất giá.
Thạch đen là một cây trồng đem lại nguồn thu hàng năm ổn định cho người nông dân Thạch An (Cao Bằng). Mỗi năm, thạch đen cho thu hoạch hai vụ, sản lượng ước đạt 1.800 tấn, với mức giá khoảng 20 - 26 nghìn đồng/kg. Cao điểm có lúc bán được 40.000 đồng/kg.
Toàn huyện Thạch An có 5 xã trồng trên 300 ha thạch đen. Mỗi ha thu được 50 - 60 tạ, nên thu nhập người dân ổn định, diện tích trồng gia tăng dần theo năm.
Ông Lương Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thông (Thạch An) cho biết: “Toàn xã có 92 ha trồng thạch đen, thu nhập từ cây trồng này mỗi năm giúp hộ nghèo trong xã giảm từ 3-5%”.
Tuy nhiên, vụ thu hoạch thứ hai năm 2015, người dân Thạch An đang phải đối mặt với việc thua lỗ nặng khi một kg thạch đen chỉ còn đạt từ 8 - 13 nghìn đồng/kg.
Chưa kể đến, khí hậu khắc nghiệt dẫn đến sản lượng thạch đen thu được sụt giảm 20-30% so với các vụ trước.
Tổng thiệt hại lên đến nhiều tỷ đồng, khiến người dân thực sự lo lắng.
Bà Đinh Thị Hằng, xóm Nà Pò, xã Đức Thông cho biết: “Nhà tôi năm ngoái thu được 2 tấn thì năm nay chỉ được 1 tấn. Vậy mà giá xuống thấp như thế này, nếu bán ngay sẽ bị lỗ nặng”.
Ông Mã Vĩnh Quyết, Phó Trưởng phòng nông nghiệp huyện Thạch An cho biết: “Nguyên nhân thạch đen mất giá là do thị trường Trung Quốc giảm mạnh lượng thu mua. Hơn nữa, chúng ta chưa có một đơn vị nào đứng ra thu mua nên giá cả hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái”.
Hàng năm, lượng thạch đen thu hoạch được của hộ nông dân huyện Thạch An đều bị kiểm soát giá bởi các thương lái.
Những người đi buôn này lại phụ thuộc vào giá thành xuất sang Trung Quốc dẫn đến việc khi thị trường “hẹp cửa”, người nông dân bị ép bán với giá thấp hoặc rất thấp như năm nay.
Bà Hồ Thị Dùng, khu 5 (thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An), một thương lái lâu năm chuyên thu mua thạch đen cho biết: “Giá xuất thấp thì chúng tôi thu mua thấp. Lợi nhuận không ảnh hưởng nhiều nhưng người nông dân sẽ bị thiệt hại lớn”.
Rõ ràng, việc chọn thạch đen làm cây chủ lực giảm nghèo là hướng đi đúng, nhưng ngành nông nghiệp Cao Bằng nói chung, huyện Thạch An nói riêng chưa tạo ra được môi trường kinh doanh bền vững, an toàn cho người nông dân.
Dẫn đến khi bị trượt giá, người nông dân rơi vào cảnh khốn đốn vì thua lỗ.
Các cấp quản lý trước mắt cần có phương án gỡ khó, giảm thiểu thiệt hại cho người nông dân. Sau đó, sớm tìm đầu ra lâu dài, bao tiêu thạch đen với giá ổn định, tránh lệ thuộc vào thị trường nước ngoài như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm

Trồng rau theo phương pháp thủy canh, khí canh đang được nhiều nông dân phát triển. Canh tác trong nông trại công nghệ cao, người dân có thể lãi 7 - 8 tỷ đồng

Lần theo địa chỉ “Điểm tham quan vườn xoài Mỹ Xương” chúng tôi đã tìm được vườn xoài du lịch tại tổ 3, ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Từ 3 con le le hoang dã, sau 12 năm nuôi và nhân đàn, ông Lê Hồng Thái (Bạc Liêu) thu lợi nhuận hàng tỉ đồng.

Vì đam mê nghề nuôi lươn nên anh Nguyễn Thanh Tân xin nghỉ việc về quê mở trang trại sản xuất lươn giống thu tiền tỉ mỗi năm.

Từ nhiều năm nay anh Sách đã làm chủ mọi kỹ thuật ghép nhân giống các loại cây ăn quả như, ghép cành, ghép mắt, ghép chắp và ghép quả trên cây có múi.