Tây Ninh thay đổi quy hoạch, giảm mía, tăng mì

Theo ông Nguyễn Duy Ân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đang xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng chất lượng và giá trị sản phẩm. Theo đó, tỉnh sẽ điều chỉnh giảm diện tích trồng mía đến năm 2020 từ 30.000 ha xuống còn khoảng 15.000 ha; cây mì từ 30.000 ha tăng lên khoảng 60.000 ha.
Việc thay đổi quy hoạch phát triển các loại cây trồng chính của tỉnh nhằm phù hợp với tình hình sản xuất thực tế của địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nông dân tổ chức lại sản xuất với quy mô lớn, đầu tư cơ giới hoá vào đồng ruộng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng sức cạnh tranh trên thị trường.
Hiện nay tình hình sản xuất mía tại địa phương còn nhiều manh mún, chậm thay đổi cơ cấu giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật; chi phí đầu vào cao, năng suất, chất lượng sản phẩm đạt thấp. Năng suất cây mía của tỉnh hiện chỉ đạt bình quân 60 tấn/ha, với chữ đường bình quân 8,5 CCS.
Trước thực tế này, tỉnh có định hướng giảm 1/2 diện tích, tập trung xây dựng cánh đồng mía lớn theo hình thức liên kết, hợp tác xã... Cách làm này nhằm đưa cơ giới hoá vào ruộng mía; từng bước thay thế giống cũ bằng giống mới năng suất, chất lượng cao hơn, xây dựng hệ thống tưới cho cây mía.
Mục tiêu của tỉnh là đưa năng suất mía đạt 100 tấn/ha trở lên, chữ đường từ 10 CCS, nhằm bảo đảm người trồng mía có lãi tương đương hoặc cao hơn các loại cây trồng khác.
Đối với cây mì, theo quy hoạch đến năm 2020, toàn tỉnh đạt 30.000 ha, nhưng trên thực tế, hiện diện tích đã đạt trên 50.000 ha. Diện tích tăng nhanh do vài năm trở lại đây, giá củ mì luôn ở mức cao từ 2.000 - 2.350 đồng/kg.
Theo nhận định mới, cây khoai mì không còn là cây làm thoái hoá đất, mà là cây "xoá đói giảm nghèo" và giúp nông dân làm giàu. Theo kinh nghiệm nhiều năm trồng mì của nông dân Tây Ninh, nếu thường xuyên sử dụng phân hữu cơ thì đất sẽ không bị thoái hoá, năng suất cây trồng đạt cao.
Tại Tây Ninh, các cơ sở chế biến bột mì đã phát triển từ lâu đời và được xem là ngành nghề truyền thống. Toàn tỉnh có khoảng 67 cơ sở chế biến tinh bột mì, trong đó có 39 cơ sở chế biến công nghiệp, 28 cơ sở chế biến thủ công, công suất đạt gần 5.000 tấn bột/ngày, đáp ứng chế biến khoảng trên 2 triệu tấn củ/năm (tương đương với 60.000 ha mì).
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, 51/67 cơ sở chế biến tinh bột mì đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải đạt cột A (QCVN 40:2011/BTNMT). Các cơ sở còn lại đang tạm ngừng hoạt động để xây dựng hệ thống xử lý hoàn chỉnh.
Việc tăng diện tích cây mì trên địa bàn thời gian tới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, đồng thời với sự quản lý chặt chẽ về môi trường hiện nay thì việc phát triển mạnh ngành nghề trồng, chế biến tinh bột khoai mì trên địa bàn tỉnh cũng không đáng lo ngạy về môi trường.
Có thể bạn quan tâm

Cuối tuần rồi, lên xã Tam Dân thuộc huyện Phú Ninh dự tiệc mừng nhà mới của đứa bạn thời sinh viên, Tư tôi thấy vợ chồng anh Sáu Ngọc Tú cùng mấy người làm công đang thu hoạch vườn chuối mốc. Gia đình anh Sáu có 1 sào đất vườn, hàng chục năm nay quanh đi quẩn lại họ cũng chỉ biết trồng sắn. Tuy nhiên, do năng suất củ sắn tươi đạt không cao, giá bán sản phẩm lại quá thấp nên vụ nào loại cây trồng này cũng cho mức lãi ròng rất ít, thậm chí có mùa thâm luôn cả vốn.

Trước thực trạng dịch bệnh hoành hành trên những vườn tiêu Tiên Phước và sự khan hiếm nguồn giống gốc sạch bệnh, thời gian qua, đã có nhiều đề tài, mô hình, dự án nghiên cứu nhằm phục hồi và phát triển loài cây bản địa này. Giai đoạn 2012 - 2013, Trạm Bảo vệ thực vật huyện cũng đã tiến hành một số mô hình liên quan tới phục hồi và phát triển giống tiêu bản địa.

Ngày 21.12.2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định Số 35/2012/QĐ-UBND quy định thực hiện “Cơ chế hỗ trợ khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2015” (gọi tắt là Cơ chế 35). Sau 2 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ.

Cam Tuyền là một xã thuộc vùng núi của huyện Cam Lộ (Quảng Trị), đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đó lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng, là hướng chủ đạo trong việc phát triển kinh tế của người dân trong xã. Toàn xã có diện tích đất tự nhiên là trên 10.387 ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm trên 8.000 ha, còn lại là diện tích đất trồng cây hàng năm và cây công nghiệp lâu năm.

Trong những năm qua, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, xã Thụy Bình (Thái Thụy) đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hưởng ứng sôi nổi, từng bước góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.