Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tàu Nằm Bờ Dài Ngày, Ngư Dân Khó Khăn

Tàu Nằm Bờ Dài Ngày, Ngư Dân Khó Khăn
Ngày đăng: 23/11/2013

Hiếm có khi nào mà các cơn bão lại hình thành liên tiếp trên biển Đông, gây ảnh hưởng trên vùng biển của nước ta nhiều như trong thời gian vừa qua. Sau những cơn "bão" giá xăng dầu khiến cho chi phí mỗi chuyến ra khơi đẩy lên cao, thì những cơn bão do thiên tai gây ra đã khiến không ít tàu, thuyền của ngư dân phải lao đao.

Cảng neo đậu tàu thuyền Tịnh Hòa (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) những ngày này không khí nhộn nhịp bởi ngư dân tất bật cho những chuyến biển cuối năm mong kiếm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống bù lại cho những ngày tàu thuyền nằm bờ trú tránh bão.

Chuẩn bị đưa ngư, lưới cụ lên tàu cho chuyến ra khơi, ngư dân Huỳnh Lãm (50 tuổi) chủ đôi tàu trên 200 CV than thở: Bám biển hơn 20 năm nay, chưa thấy năm nào ngư dân chúng tôi phải đối mặt với nhiều cơn bão như thế này, khiến tàu tôi phải liên tục nằm bờ để tránh trú bão.

"Kinh nghiệm bao nhiêu năm đi biển của tôi, ít có năm nào bão lại đổ bộ vào thời điểm cuối mùa biển. Tuy nhiên năm nay thì khác, từ đầu năm đến nay đã có đến 15 cơn bão và nhiều đợt áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào nước ta. Trước tình hình thời tiết diễn biến thất thường, khiến mỗi chuyến ra khơi chúng tôi phải luôn thấp thỏm lo âu"- ông Lãm nói.

Theo ông Lãm, sau những khoản thu nhập còn khiêm tốn trong những phiên biển trong năm, hầu hết ngư dân đều trông chờ vào phiên biển cuối mùa để có tiền lo Tết.

Nằm bờ suốt một tháng nay để tránh trú những cơn bão dữ liên tiếp trong tháng 11 này, tranh thủ những ngày trời yên biển lặng, chủ tàu Nguyễn Hùng Dũng (44 tuổi) ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) cùng các thuyền viên của mình tất bật chuẩn bị cho chuyến ra khơi.

Ông Hùng kể, khi bão số 11 tan, tàu của ông vươn khơi đánh bắt chưa được bao nhiêu thì đành phải chấp nhập lỗ tổn cả trăm triệu đồng để quay vào bờ tránh trú cơn bão số 12. "Liên tiếp các cơn bão số 12, 13, 14 và 15 khiến tàu thuyền của ngư dân chúng tôi phải nằm bờ. Từ nay đến cuối năm chỉ còn một vài tháng nữa, nếu tình hình thời tiết bất lợi nữa thì ngư dân chúng tôi chắc khỏi ăn Tết"- ông Hùng thở dài.

Dù hơn một tháng không ra khơi, nhưng ông Hùng phải mất hàng chục triệu đồng "phí" giữ chân các bạn thuyền. "Trong thời buổi kiếm bạn đi biển khó khăn, để có bạn đi biển thường xuyên, thuyền tui thuê hẳn 10 lao động trả lương theo tháng nên thêm một ngày ở nhà là thêm một khoản nợ. Đấy là chưa kể tiền lãi các khoản vay ngân hàng"- ông Hùng cho biết.

Không chỉ chủ tàu khốn khổ khi tàu nằm bờ mà những lao động đi bạn trên tàu cũng gặp khó khăn. "Đã gần một tháng nay, chúng tôi như ngồi trên đống lửa, ở nhà hoài thì không biết làm gì để nuôi mấy miệng ăn trong gia đình. Chỉ mong sao trời yên biển lặng mấy tháng cuối năm để ngư dân chúng tôi có tiền trang trải cuộc sống"- ngư dân Lê Thanh Bình (30 tuổi) ở xã Bình Châu (Bình Sơn) chia sẻ.

Quan sát tại Cảng neo đậu tàu thuyền Tịnh Hòa, trong khi nhiều tàu lần lượt nhổ neo ra khơi với hy vọng được chuyến “biển no” thì không ít chủ tàu vẫn đang cho tàu nằm bờ nghe ngóng tình hình thời tiết để chuẩn bị tổn phí, cho tàu ra khơi. "Nếu đưa tàu ra khơi lúc này rồi phải quay trở lại ngay do gặp áp thấp nhiệt đới hay bão thì tổn thất sẽ còn lớn hơn nữa. Đấy là chưa nói đến những thiệt hại về tài sản do bão gây ra"- ngư dân Huỳnh Thanh Đạo ở xã Bình Châu cho hay.

Việc ngư dân không thể ra khơi đánh bắt thủy sản không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho các hộ gia đình bám biển mà hơn thế nữa, nó đang khiến cho nhiều ngành nghề dịch vụ đánh bắt hải sản như: đá lạnh, chế biến hải sản đông lạnh, kinh doanh dầu... cũng rơi vào cảnh khó khăn vì thiếu việc làm.

Mùa khai thác thủy sản năm nay nhiều ngư dân cho rằng hiệu quả khai thác, đánh bắt thủy hải sản không bằng mọi năm, kéo theo nguồn thu nhập của ngư dân cũng hạn chế. Dù đã và đang được hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước, nhưng do liên tiếp đối mặt với thiên tai, chi phí đánh bắt tăng cao nên hiện tại ngư dân đang gặp nhiều khó khăn trong hành trình bám biển mưu sinh.


Có thể bạn quan tâm

Phát Triển Cây Ca Cao Cần Những Cú Hích Phát Triển Cây Ca Cao Cần Những Cú Hích

Cây ca cao đã và đang mở ra triển vọng cho những vùng đất được đánh giá là điều kiện sinh thái không phù hợp với những loại cây công nghiệp dài ngày khác như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk. Tuy nhiên, việc phát triển cây ca cao hiện nay cũng đang gặp những rào cản…

25/06/2013
Lại Chạy Theo Lúa IR 50404 Lại Chạy Theo Lúa IR 50404

Hiện nay, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch khoảng 50% diện tích lúa Đông xuân 2012-2013 và đang khẩn trương dọn đất để sạ lại vụ lúa Hè thu 2013. Trước thực tế lúa thơm, lúa chất lượng cao khó tiêu thụ, nhiều bà con đang có xu thế quay trở lại với giống lúa IR 50404.

22/03/2013
Tham Quan Mô Hình Trồng Dưa Hấu Không Hạt Mặt Trời Đỏ Tham Quan Mô Hình Trồng Dưa Hấu Không Hạt Mặt Trời Đỏ

Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang và Công ty TNHH Syngenta Việt Nam vừa tổ chức hội thảo và tham quan mô hình trồng dưa hấu không hạt Mặt trời đỏ cho 60 nông dân ở huyện Long Mỹ và huyện Vị Thủy (Hậu Giang).

26/06/2013
Lỏng Lẻo Trong Quản Lý Chất Lượng Tôm Giống Lỏng Lẻo Trong Quản Lý Chất Lượng Tôm Giống

Cần quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống là vấn đề đặt ra khi trải qua nhiều biến cố của vụ mùa năm 2012: dịch bệnh hoành hành, giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, biến đổi khí hậu,… gây thất thu cho người nuôi tôm. Nguyên nhân chính vẫn là do chất lượng tôm giống không bảo đảm.

22/03/2013
Người Nuôi Gà Lại Thua Lỗ Ở Đồng Nai Người Nuôi Gà Lại Thua Lỗ Ở Đồng Nai

Hiện nay, giá gà tam hoàng các trang trại ở Đồng Nai bán ra chỉ còn 37 - 38 ngàn đồng/kg, giảm 7-8 ngàn đồng/kg so với đầu tháng 3-2013. Như vậy, chỉ trong khoảng 20 ngày, giá gà tam hoàng trên địa bàn tỉnh đã giảm 13 - 14 ngàn đồng/kg.

22/03/2013