Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tàu Nằm Bờ Dài Ngày, Ngư Dân Khó Khăn

Tàu Nằm Bờ Dài Ngày, Ngư Dân Khó Khăn
Ngày đăng: 23/11/2013

Hiếm có khi nào mà các cơn bão lại hình thành liên tiếp trên biển Đông, gây ảnh hưởng trên vùng biển của nước ta nhiều như trong thời gian vừa qua. Sau những cơn "bão" giá xăng dầu khiến cho chi phí mỗi chuyến ra khơi đẩy lên cao, thì những cơn bão do thiên tai gây ra đã khiến không ít tàu, thuyền của ngư dân phải lao đao.

Cảng neo đậu tàu thuyền Tịnh Hòa (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) những ngày này không khí nhộn nhịp bởi ngư dân tất bật cho những chuyến biển cuối năm mong kiếm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống bù lại cho những ngày tàu thuyền nằm bờ trú tránh bão.

Chuẩn bị đưa ngư, lưới cụ lên tàu cho chuyến ra khơi, ngư dân Huỳnh Lãm (50 tuổi) chủ đôi tàu trên 200 CV than thở: Bám biển hơn 20 năm nay, chưa thấy năm nào ngư dân chúng tôi phải đối mặt với nhiều cơn bão như thế này, khiến tàu tôi phải liên tục nằm bờ để tránh trú bão.

"Kinh nghiệm bao nhiêu năm đi biển của tôi, ít có năm nào bão lại đổ bộ vào thời điểm cuối mùa biển. Tuy nhiên năm nay thì khác, từ đầu năm đến nay đã có đến 15 cơn bão và nhiều đợt áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào nước ta. Trước tình hình thời tiết diễn biến thất thường, khiến mỗi chuyến ra khơi chúng tôi phải luôn thấp thỏm lo âu"- ông Lãm nói.

Theo ông Lãm, sau những khoản thu nhập còn khiêm tốn trong những phiên biển trong năm, hầu hết ngư dân đều trông chờ vào phiên biển cuối mùa để có tiền lo Tết.

Nằm bờ suốt một tháng nay để tránh trú những cơn bão dữ liên tiếp trong tháng 11 này, tranh thủ những ngày trời yên biển lặng, chủ tàu Nguyễn Hùng Dũng (44 tuổi) ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) cùng các thuyền viên của mình tất bật chuẩn bị cho chuyến ra khơi.

Ông Hùng kể, khi bão số 11 tan, tàu của ông vươn khơi đánh bắt chưa được bao nhiêu thì đành phải chấp nhập lỗ tổn cả trăm triệu đồng để quay vào bờ tránh trú cơn bão số 12. "Liên tiếp các cơn bão số 12, 13, 14 và 15 khiến tàu thuyền của ngư dân chúng tôi phải nằm bờ. Từ nay đến cuối năm chỉ còn một vài tháng nữa, nếu tình hình thời tiết bất lợi nữa thì ngư dân chúng tôi chắc khỏi ăn Tết"- ông Hùng thở dài.

Dù hơn một tháng không ra khơi, nhưng ông Hùng phải mất hàng chục triệu đồng "phí" giữ chân các bạn thuyền. "Trong thời buổi kiếm bạn đi biển khó khăn, để có bạn đi biển thường xuyên, thuyền tui thuê hẳn 10 lao động trả lương theo tháng nên thêm một ngày ở nhà là thêm một khoản nợ. Đấy là chưa kể tiền lãi các khoản vay ngân hàng"- ông Hùng cho biết.

Không chỉ chủ tàu khốn khổ khi tàu nằm bờ mà những lao động đi bạn trên tàu cũng gặp khó khăn. "Đã gần một tháng nay, chúng tôi như ngồi trên đống lửa, ở nhà hoài thì không biết làm gì để nuôi mấy miệng ăn trong gia đình. Chỉ mong sao trời yên biển lặng mấy tháng cuối năm để ngư dân chúng tôi có tiền trang trải cuộc sống"- ngư dân Lê Thanh Bình (30 tuổi) ở xã Bình Châu (Bình Sơn) chia sẻ.

Quan sát tại Cảng neo đậu tàu thuyền Tịnh Hòa, trong khi nhiều tàu lần lượt nhổ neo ra khơi với hy vọng được chuyến “biển no” thì không ít chủ tàu vẫn đang cho tàu nằm bờ nghe ngóng tình hình thời tiết để chuẩn bị tổn phí, cho tàu ra khơi. "Nếu đưa tàu ra khơi lúc này rồi phải quay trở lại ngay do gặp áp thấp nhiệt đới hay bão thì tổn thất sẽ còn lớn hơn nữa. Đấy là chưa nói đến những thiệt hại về tài sản do bão gây ra"- ngư dân Huỳnh Thanh Đạo ở xã Bình Châu cho hay.

Việc ngư dân không thể ra khơi đánh bắt thủy sản không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho các hộ gia đình bám biển mà hơn thế nữa, nó đang khiến cho nhiều ngành nghề dịch vụ đánh bắt hải sản như: đá lạnh, chế biến hải sản đông lạnh, kinh doanh dầu... cũng rơi vào cảnh khó khăn vì thiếu việc làm.

Mùa khai thác thủy sản năm nay nhiều ngư dân cho rằng hiệu quả khai thác, đánh bắt thủy hải sản không bằng mọi năm, kéo theo nguồn thu nhập của ngư dân cũng hạn chế. Dù đã và đang được hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước, nhưng do liên tiếp đối mặt với thiên tai, chi phí đánh bắt tăng cao nên hiện tại ngư dân đang gặp nhiều khó khăn trong hành trình bám biển mưu sinh.


Có thể bạn quan tâm

Đón Bằng Công Nhận Làng Nghề Chè Truyền Thống Đón Bằng Công Nhận Làng Nghề Chè Truyền Thống

Với truyền thống cần cù, chịu khó, bà con nhân dân các thôn đã tích cực phát triển kinh tế, đưa cây chè là một trong những cây chủ lực trong phát triển kinh tế. Diện tích chè của 3 xóm là 56 ha, trong đó có khoảng 40% diện tích đã dược chuyển đổi sang trồng các giống chè cành cho năng suất, chất lượng cao như: LDP1, PH1, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên.

15/12/2014
Huyện Thạch Thành Có Hơn 400 Hộ Nuôi Ong Mật Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao Huyện Thạch Thành Có Hơn 400 Hộ Nuôi Ong Mật Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Vì là huyện miền núi, nên đàn ong mật tận dụng được nguồn mật từ phấn hoa của các loại cây lâm sản và cây ăn quả dồi dào, đa dạng trên địa bàn, bởi vậy đàn ong mật phát triển tốt, cho lượng mật cao, chất lượng tốt. Theo tính toán của các hộ dân, nếu nuôi 100 đàn ong lấy mật, mỗi năm có thể thu về 60-80 triệu đồng.

15/12/2014
Sầu Riêng Tuột Giá Vì Cắt Bán Trái Non Sầu Riêng Tuột Giá Vì Cắt Bán Trái Non

Ông Ngô Quốc Cường, Phó bí thư Đảng ủy xã Long Trung (H.Cai Lậy), đồng thời cũng là một nông dân trồng sầu riêng, lại cho rằng giá sầu riêng tuột dốc còn có nguyên nhân do sầu riêng chính vụ chuẩn bị thu hoạch, đồng thời sầu riêng Mong Thong của Thái Lan cũng bắt đầu đưa ra thị trường nên “đụng hàng”. Hiện nhà vườn kêu giá 50.000 đồng/kg nhưng thương lái cũng không mua.

15/12/2014
Gạo Xứ Nghệ Bao Giờ Có Thương Hiệu? Gạo Xứ Nghệ Bao Giờ Có Thương Hiệu?

Xứ Nghệ (Nghệ An – Hà Tĩnh) là vùng đất có tiềm năng, lợi thế lớn về sản xuất lúa nước, có nhiều vùng sản xuất trọng điểm được xem là “vựa lúa” như các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đô Lương, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Thạch Hà…, với nhiều giống lúa gạo thơm ngon nổi tiếng.

16/12/2014
Xã Phước Thuận Cưỡng Chế 9 Hộ Nuôi Trồng Thủy Sản Trái Phép Trên Đầm Thị Nại Xã Phước Thuận Cưỡng Chế 9 Hộ Nuôi Trồng Thủy Sản Trái Phép Trên Đầm Thị Nại

Ông Lê Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, cho biết: Thời gian qua, 23 hộ dân ở hai thôn Nhân Ân và Lộc Hạ của xã đã cắm cọc, bao lưới trên đầm, với tổng diện tích khoảng 5 ha để nuôi trồng, khai thác thủy sản trái phép như sìa, tôm, cua, cá… gây cản trở dòng chảy, giao thông trên đầm Thị Nại và ảnh hưởng đến hệ sinh thái của đầm.

16/12/2014