Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tàu lưới vây rút chì cần máy dò cá

Tàu lưới vây rút chì cần máy dò cá
Ngày đăng: 21/04/2015

Hiệu quả cao từ máy dò cá

Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có hơn 7.300 tàu đánh bắt cá, trong đó có hơn 500 tàu làm nghề lưới vây rút chì, tập trung chủ yếu ở các huyện Tuy An, Đông Hòa. Lâu nay, ngư dân chỉ đánh bắt theo cách truyền thống, bằng kinh nghiệm nên việc tìm kiếm, vây bắt luồng cá khá khó khăn, hiệu quả khai thác chưa cao. Từ năm 2011, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã triển khai mô hình ứng dụng máy dò ngang trên tàu khai thác hải sản xa bờ cho một số hộ ngư dân của các huyện Tuy An và Đông Hòa, mang lại hiệu quả khả quan.

Ông Nguyễn Trí Thành ở thôn Giai Sơn, xã An Mỹ (huyện Tuy An), một trong những hộ được tham gia mô hình, cho biết: “Trước đây, bình quân mỗi chuyến biển, tàu của tôi khai thác được khoảng 20 tấn hải sản. Từ ngày có máy dò ngang hỗ trợ, sản lượng đánh bắt tăng gấp đôi, nhờ vậy thu nhập tăng đáng kể”.

Còn ông Nguyễn Rớ cũng ở thôn này thì cho hay: Hồi trước, mỗi chuyến ra khơi, ngư dân phải căng mắt nhìn con nước, nhận hướng gió, đếm lịch biển… mà đoán đường di chuyển của cá để cho tàu dò tìm vây bắt nên rất may rủi. Khi thấy các tàu có máy dò ngang hỗ trợ hoạt động hiệu quả, gia đình tôi đã mua một máy, nhờ vậy luồng cá được xác định chính xác hơn, việc vây bắt thuận lợi nên sản lượng đánh bắt tăng.

Còn theo ông Huỳnh Tấn Anh ở thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) thì gia đình ông có 2 tàu cá chuyên làm nghề lưới vây rút chì và 2 tàu này đã được lắp máy dò ngang. Vào thời điểm chính vụ, mỗi chuyến biển (kéo dài 1 tháng), một tàu có thể khai thác được từ 60 đến 100 tấn cá, thu nhập từ 400 triệu đến 1 tỉ đồng/chuyến/tàu. Từ ngày các tàu cá của ông được lắp đặt thiết bị này, sản lượng đánh bắt tăng từ 2 đến 3 lần.

Ông Nguyễn Khắc Tân, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên, cho biết: Máy dò cá là thiết bị hỗ trợ dò tìm luồng cá, giúp ngư dân có thể phát hiện đàn cá từ xa, ước lượng được trữ lượng, mật độ và hướng di chuyển để có hướng vây bắt hợp lý, tăng hiệu quả đánh bắt. Với những hiệu quả mang lại, hiện nay nhiều ngư dân đã chủ động đầu tư lắp đặt máy dò ngang để phục vụ cho việc đánh bắt hải sản.

Cần được hỗ trợ vốn

Hiện nay, nhiều ngư dân có nhu cầu được lắp đặt máy dò cá. Tuy nhiên, kinh phí lắp đặt khá cao nên không phải ngư dân nào cũng có điều kiện. Ông Trần Hữu Thỉnh ở xã An Mỹ (huyện Tuy An) cho biết, gần 10 năm trước, gia đình tôi vay mượn đóng được chiếc tàu cá có công suất 90CV chuyên làm nghề lưới vây rút chì ở đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).

Thời gian qua, việc đánh bắt chưa mang lại hiệu quả cao, có những chuyến biển chỉ đủ tổn hoặc lời rất ít. Vừa rồi, sau chuyến biển, tôi thấy những tàu đánh bắt có lắp đặt máy dò ngang đều đầy ắp cá, thậm chí hiệu quả gấp đôi đối với những tàu không lắp đặt. Tuy nhiên, mỗi máy dò ngang có giá gần 300 triệu đồng thì không phải ai cũng có tiền để lắp đặt. Còn muốn thế chấp vay vốn ngân hàng với số tiền 300 triệu đồng để mua cũng không phải dễ dàng.

Còn theo ông Huỳnh Tuấn Anh ở thôn Phú Lạc (xã Hòa Hiệp Nam), mặc dù máy dò ngang cho hiệu quả cao sau mỗi chuyến biển nhưng cũng không bằng máy dò chụp. Loại máy dò chụp có góc quét rộng, xa hơn máy dò ngang và có thể dò tìm luồng cá ở nhiều góc độ cùng một lúc nên sẽ không bỏ sót luồng cá, hiệu quả khai thác sẽ cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, giá thành mỗi máy dò chụp rất cao, từ 1,6 đến 1,8 tỉ đồng. Để lắp đặt máy dò chụp, vừa rồi ông Anh làm hồ sơ vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa được ngân hàng xét duyệt.

Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên, hiện nay máy dò cá có rất nhiều loại như máy dò ngang, máy dò chụp… Giá thành mỗi máy dao động từ 300 triệu đến gần 2 tỉ đồng. Khi tàu cá của ngư dân được trang bị các thiết bị hỗ trợ khai thác thì sản lượng đánh bắt sẽ tăng, hiệu quả kinh tế cũng tăng theo, ngư dân sẽ phấn khởi vươn khơi bám biển dài ngày. Vì vậy, Nhà nước cần tạo điều kiện để ngư dân được vay vốn ưu đãi, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ cho nghề đánh bắt hải sản.


Có thể bạn quan tâm

Sản Lượng Thủy Sản Nuôi Trồng Ước Đạt Hơn 30.000 Tấn Sản Lượng Thủy Sản Nuôi Trồng Ước Đạt Hơn 30.000 Tấn

6 tháng đầu năm, sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn thành phố Hải Phòng ước thực hiện hơn 30.000 tấn, đạt 59,46% kế hoạch năm, bằng 101,7% so với cùng kỳ 2013. Hiện, thành phố có 12.600 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 5700 ha nuôi nước ngọt; 6900 ha nuôi nước lợ, mặn; 472 bè nuôi hải sản với 7600 ô lồng và 187 giàn bè nuôi tu hài, vẹm. Các cơ sở sản xuất, dịch vụ thủy sản sản xuất trên 794 triệu giống thủy sản và dịch vụ 280 triệu giống thủy sản.

24/06/2014
Lúa Hè Thu Sớm Lãi Trên 20 Triệu Đ/ha Lúa Hè Thu Sớm Lãi Trên 20 Triệu Đ/ha

Vào thời điểm này các quận, huyện Cờ Đỏ, Thới Lai, Thốt Nốt và Bình Thủy (Cần Thơ) đang trong giai đoạn thu hoạch lúa hè thu sớm. Thời tiết hiện khá thuận lợi, máy GĐLH vào tận ruộng, năng suất đạt 900 -1 tấn/công, giá bán tại ruộng từ 4.300 - 4.500 đ/kg, tùy vào lúa đẹp, xấu.

03/06/2014
Đã Có 87 Trang Trại Trong Vùng Khuyến Khích Phát Triển Chăn Nuôi Đã Có 87 Trang Trại Trong Vùng Khuyến Khích Phát Triển Chăn Nuôi

Sáng 23-6, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Nai (NN-PTNT) về việc đầu tư xây dựng thí điểm vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy tại các huyện: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và Trảng Bom.

24/06/2014
Giá Thấp Gây Khó Cho Nông Dân Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Giá Thấp Gây Khó Cho Nông Dân Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng

Những ngày gần đây, giá tôm thẻ chân trắng (TTCT) liên tục rớt giá mạnh khiến nông dân nuôi đối tượng thủy sản này lao đao. Trong khi đó, giá tôm sú gần đây dù có sụt giảm đôi chút, nhưng vẫn nằm ở mức cao.

03/06/2014
20% Thủy Sản Của Australia Là Nhập Khẩu Từ Việt Nam 20% Thủy Sản Của Australia Là Nhập Khẩu Từ Việt Nam

Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, do nhu cầu tiêu thụ thủy sản nói chung đã vượt xa khả năng sản xuất, hàng năm, Australia nhập khẩu hơn 200.000 tấn thủy sản, trị giá khoảng 1 tỷ USD.

03/06/2014