Tất cả lô thịt gà nhập khẩu từ Mỹ đều có nguồn gốc rõ ràng

Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có văn bản trả lời thông tin cho cơ quan báo chí.
Trong đó, về việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt gà từ Hoa Kỳ nhập khẩu vào Việt Nam, Cục Thú y khẳng định, tất cả các lô sản phẩm thịt gà nhập khẩu từ Mỹ đều có nguồn gốc rõ ràng, từ các cơ sở được phép xuất khẩu vào Việt Nam.
Cục Thú y cũng cho biết, tất cả các lô hàng sản phẩm thịt gà đông lạnh từ Hoa Kỳ xuất khẩu vào Việt Nam đều được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong 7 tháng, sản lượng thịt gà Mỹ đông lạnh nhập khẩu về Việt Nam là 45.651 tấn, chủ yếu là thịt đùi gà đông lạnh, chiếm 97%.
Từ 1/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản thông báo ngừng nhập khẩu thịt gia cầm từ những bang đang có dịch cúm gia cầm của Hoa Kỳ, còn lại các bang không có dịch cúm vẫn được xuất khẩu sang Việt Nam bình thường.
Hiện có 85% sản phẩm gà từ Hoa Kỳ được nhập về Việt Nam qua cửa khẩu Thành phố Hồ Chí Minh và 15% qua cảng Hải Phòng.
Theo Cục Thú y, tất cả các lô thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam từ Hoa Kỳ đều được cơ quan thú y ở cửa khẩu lấy mẫu để kiểm tra các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.
Qua kiểm tra đã phát hiện 1 lô sản phẩm thịt gà tẩm bột (749kg) không đạt tiêu chuẩn do nhiễm vi khuẩn Salmonella và đã xử lý tiêu hủy.
Về kiểm tra tồn dư kháng sinh, kim loại nặng, hoócmôn, trong tháng 7, Cục Thú y đã tổ chức lấy 35 mẫu thịt đùi gà đông lạnh nhập từ Hoa Kỳ và không phát hiện có chất tồn dư vượt quá giới hạn cho phép (có 17 mẫu dương tính với kháng sinh với hàm lượng thấp so với giới hạn cho phép).
Về việc kinh doanh sản phẩm thịt gia súc, gia cầm theo hình thức tạm nhập tái xuất, Cục Thú y cho biết, chỉ diễn ra ở một số tỉnh phía Bắc, qua cảng biển thành phố Hải Phòng và cảng biển Cái Lân (Quảng Ninh).
Hàng hóa phải được niêm phong, kẹp chì trong các container lạnh và được các cơ quan hải quan, thú y… giám sát chặt chẽ trong quá trình làm thủ tục tạm nhập và sau đó phải tái xuất hết qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Theo Cục Thú y, trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ các nước bằng việc lấy mẫu đột xuất để giám sát các chất tồn dư, mầm bệnh…
Nếu phát hiện lô hàng không đảm bảo sẽ xử lý theo quy định và cảnh báo cho các tổ chức, cá nhân liên quan trong và ngoài nước.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2014, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Tây Hòa triển khai mô hình nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm tại Hợp tác xã (HTX) Hòa Bình 1, HTX Hòa Bình 2, HTX Hòa Phong và HTX Hòa Phú với quy mô 11.500 m2 và 115.000 con cá giống, 6 hộ tham gia.

Thông tin này được đưa ra trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report) năm 2014 được WEF công bố hôm nay (3/9). Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 6, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Lũ đem đến cho người dân ĐBSCL lượng lớn phù sa cùng nguồn cá, tôm phong phú. Tuy nhiên, cũng chính hành động đánh bắt thủy sản vô tội vạ của con người mà sản vật mùa nước nổi ngày một ít đi…

Qua đó, nhằm khẳng định giá trị của cây trôm, sản phẩm mủ từ cây trôm trong đời sống và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương; định hướng xây dựng và phát triển thương hiệu cho mủ cây trôm Tuy Phong.

Hai doanh nghiệp nuôi tôm ở Bạc Liêu được giới thiệu tiếp cận vốn ưu đãi ứng dụng công nghệ cao, đó là Công ty TNHH TM-DV Trúc Anh (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) và Công ty Hải Nguyên (nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu).