Tất Bật Chăm Sóc Hoa Tết

Cùng với phát triển các loại cây rau màu, nhiều năm qua, người dân xã Triệu Thượng (Triệu Phong - Quảng Trị) đã đưa vào trồng các loại hoa nhằm phục vụ thị trường Tết. Đây được đánh giá là hướng đi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Về thăm làng hoa một ngày cuối năm 2013, dưới cơn mưa phùn giá rét, anh Lê Kim Cận, Chủ tịch Hội Nông dân xã dẫn tôi đi thăm vườn hoa của gia đình chị Hà Thị Ly, thôn Nhan Biều 2, một trong những hộ trồng nhiều hoa và lâu năm ở Triệu Thượng. Hàng năm, cứ đến cuối tháng 10 âm lịch, gia đình chị Ly lại đưa vào trồng khoảng 2.000 cây hoa cúc, pha lê, phan tím… trên diện tích 400m2.
Chị cho biết, sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình thu lãi gần 20 triệu đồng. Vụ hoa năm nay, gia đình mới xuống giống được hơn một tháng nhưng cây phát triển tốt, đồng đều. “Trồng hoa, mỗi năm một khác, còn phụ thuộc vào thời tiết, giá cả, năm được, năm mất nhưng nhìn chung nghề này mang lại nguồn thu khá cao. Năm nay gia đình tui trồng nhiều hơn năm ngoái, nếu thời tiết thuận lợi thì hứa hẹn có thu nhập cao”, chị Ly chia sẻ.
Để hoa từng bước trở thành cây trồng chính, góp phần giúp bà con thoát nghèo, bên cạnh việc chủ động mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, Hội Làm vườn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã Triệu Thượng còn phối hợp với các ngành chức năng tìm đầu ra cho sản phẩm.
Đến nay, toàn xã Triệu Thượng đã có 60 hộ trồng hoa trên diện tích 1,5ha, trung bình thu nhập đạt 100 - 150 triệu đồng/ha. Hiện, bà con đang tích cực giăng đèn, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh nhằm đảm bảo cho hoa nở đúng dịp Tết.
“Nghề trồng hoa du nhập về xã gần 5 năm nay và cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với các cây rau màu khác. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu với UBND xã mở rộng diện tích và xây dựng vùng chuyên canh hoa, cũng như có chính sách, giải pháp tạo điều kiện cho người dân được vay vốn, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa. Dự tính vài năm nữa, cây hoa sẽ giúp bà con làm giàu”, anh Cận nói.
Có thể bạn quan tâm

Trong những ngày qua, hàng trăm nhà vườn ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai) than trời vì giá chôm chôm rẻ như bèo, chưa đến 4 ngàn đồng/kg. Người dân đang rất lao đao vì không tìm được đầu ra cho mặt hàng này.

Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam khẳng định, cả cơ quan ông cũng như CITES tại Trung Quốc chưa cấp bất cứ giấy phép nào để có thể giao dịch thương mại cá tầm giữa 2 nước.

Nhằm đa dạng hóa các loại vật nuôi, năm 2012, Trạm Khuyến nông huyện Krông Pa (Gia Lai) triển khai mô hình nuôi kỳ đà thương phẩm hộ gia đình tại thị trấn Phú Túc. Mô hình được triển khai tại 3 hộ gia đình, với tổng kinh phí gần 292 triệu đồng, trong đó Nhà nước đầu tư 170 triệu đồng, vốn nông dân đối ứng gần 122 triệu đồng.

Trước những khó khăn của ngành chăn nuôi cả nước, sáng 28/5, tại Cao Bằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng ngành chăn nuôi và định hướng, giải pháp phát triển chăn nuôi giai đoạn 2013 - 2015 các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.

Hiện nay, nông dân các xã: Mỹ An, Đốc Binh Kiều, Mỹ Hòa của huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) bắt đầu thu hoạch lúa hè thu sớm.