Tập Trung Phòng Trừ Sâu Bệnh Trên Lúa Mùa

Theo điều tra của Chi cục BVTV, trong đợt phát động phòng trừ sâu bệnh từ ngày 1 đến 7-8, các địa phương đã tích cực chỉ đạo bà con nông dân ra đồng phun thuốc. Tính đến ngày 4-8, diện tích được phòng trừ đạt khoảng 60%.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa kéo dài nên tốc độ phun chậm và một số diện tích đã phun xong hiệu quả chưa cao. Mặt khác, bướm sâu cuốn lá, sâu đục thân ra kéo dài, tiếp tục đẻ trứng và gây hại. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn đã xuất hiện ở một số huyện và dễ bùng phát trong điều kiện mưa bão.
Đối với sâu cuốn lá nhỏ, trên những diện tích chưa phun hoặc phun xong gặp mưa, mật độ sâu non trung bình 10 - 15 con/m2, cao 20 - 40 con/m2, cục bộ 50 - 80 con/m2 (Yên Lập, Thanh Ba). Dự báo sâu non tiếp tục gây hại mạnh trong những ngày tới do sâu vào tuổi phá hại mạnh, có thể gây trắng lá nếu không được phòng trừ. Các huyện cần chú ý: Yên Lập, Thanh Ba, Hạ Hoà, Phú Thọ, Tam Nông,...
Bên cạnh đó sâu đục thân 2 chấm, bướm lứa 4 đã ra rộ và tiếp tục ra rải rác trong vài ngày tới, mật độ bướm phổ biến 0,1 - 0,2 con/m2, cao 1 con/m2, cục bộ 3 - 4 con/m2; mật độ ổ trứng phổ biến 0,1 - 0,2 ổ/m2, cao 0,5 - 1 ổ/m2 , cục bộ 3 ổ/m2. Trong thời gian tới sâu non tiếp tục nở và gây hại trên các trà, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ ổ hại nặng nếu không phòng trừ kịp thời.
Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn đã xuất hiện trên trà mùa sớm tại các huyện Phù Ninh, Việt Trì, Lâm Thao, Thanh Ba, Thanh Thuỷ,... mức độ hại nhẹ, cục bộ ổ nhỏ hại nặng. Tỷ lệ hại phổ biến 0,6 - 2,2%, cao 12,5%, cục bộ 40 - 42% (Phù Ninh, Thanh Ba).
Nếu điều kiện thời tiết có mưa bão, bệnh phát sinh, lây lan nhanh và gây hại mạnh trên các trà, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng xanh tốt, lá rậm. Các huyện cần chú ý: Lâm Thao, Thanh Ba, Thanh Thuỷ, Cẩm Khê, Phù Ninh, Việt Trì, Hạ Hoà,...
Bệnh khô vằn gây hại nhẹ đến trung bình trên trà mùa sớm, mùa trung; tỷ lệ hại phổ biến 2 - 4%, cao 10 - 20%, cục bộ 26 - 32% (Phù Ninh, Lâm Thao). Dự báo bệnh tiếp tục lây lan, phát triển gây hại mạnh do giai đoạn lúa làm đòng - trỗ rất mẫn cảm với bệnh; đặc biệt lưu ý trên các ruộng bón nhiều đạm, lá xanh tốt, rậm rạp. Các huyện cần chú ý: Phù Ninh, Lâm Thao, Việt Trì, Thanh Sơn, Tam Nông, Hạ Hòa, Cẩm Khê, …
Theo hướng dẫn của Chi cục BVTV, trên ruộng có mật độ sâu cuốn lá trên 20 con/m2 sử dụng 1 trong các loại thuốc: F16 - 600 EC, Vitory 585 EC, Tasodant 600 EC,... có thể hỗn hợp với 01 trong các loại thuốc Dylan 10 WG, Rigell 800 WG, Tanwin 5.5 DG,... pha và phun theo hướng dẫn ghi trên vỏ bao bì. Thời gian phun thuốc không kéo dài quá ngày 12-8. Đa phần các ruộng bị đục thân đều trùng với bị sâu cuốn lá gây hại, do vậy tập trung phun sâu cuốn lá bằng các thuốc nêu trên sẽ tiêu diệt luôn cả sâu đục thân.
Đối với bệnh bạc lá và đốm xọc vi khuẩn khi ruộng chớm bị bệnh, cần phun phòng trừ ngay bằng một trong các loại thuốc: Starwiner 20WP, Novaba 68WP, Kozuma 3 SL, Xanthomix 20WP,... pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên vỏ bao bì. Đối với bệnh khô vằn, khi ruộng có tỷ lệ dảnh hại trên 20%, dùng thuốc Lervil 5SC, Validacin 5SL, Anvil 5SC, Tilt Super 300ND,... pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên bao bì.
Có thể bạn quan tâm

Sau hai năm thực hiện mô hình cấy và gieo thẳng lúa theo phương thức hàng rộng, hàng hẹp, nhiều nông dân Thái Bình đã thừa nhận hiệu quả của phương thức này, đó là: giảm 30% lúa giống, tăng năng suất 10%, giảm sâu bệnh và không còn dấu hiệu của bệnh vàng lùn, lùn sọc đen

Lũ bất ngờ lên nhanh khiến hàng nghìn nhà dân ở miền Trung bị ngập trong nước, giao thông bị chia cắt, đời sống khốn đốn. Tại tỉnh Quảng Trị, sáng 17/10 đã có gần 14.000 ngôi nhà bị ngập, nơi sâu nhất lên tới 2,5m

Hải Dương đã tuyển chọn và phát triển một số giống lúa chất lượng cao nhằm khuyến cáo, mở rộng diện tích giống lúa kháng rầy.

Tình trạng tôm chết xảy ra nhiều nhất trên diện tích nuôi công nghiệp ở các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Cái Nước, Phú Tân, Trần Văn Thời… với thiệt hại ước tính khoảng 20 tỷ đồng. Xã Lương Thế Trân thuộc huyện Cái Nước là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với hơn 30 ha nuôi tôm công nghiệp của 50 hộ dân bị thiệt hại hàng tỷ đồng

Sáng ngày 20/10, Bộ NN&PTNT tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện NĐ số 66/2006/NĐ-CP ngày 7/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Qua 5 năm triển khai, việc phát triển ngành nghề nông thôn ở các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế