Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tập Trung Chuyển Đổi Vườn Tạp, Vườn Kém Hiệu Quả

Tập Trung Chuyển Đổi Vườn Tạp, Vườn Kém Hiệu Quả
Ngày đăng: 07/11/2014

Những năm gần đây, phong trào chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, vườn tạp sang những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được người dân huyện Long Mỹ tích cực hưởng ứng. Điều này không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất mà còn giúp người dân nâng cao thu nhập, phát huy tối đa hiệu quả sản xuất trên cùng diện tích canh tác.

Nhiều năm trước, cuộc sống gia đình ông Lê Minh Út, ở ấp 8, xã Long Trị, gắn bó với cây lúa, cây quýt đường. Cách đây khoảng 10 năm, vườn quýt nhà ông bị sâu bệnh gây hại, nên ông đốn bỏ, chuyển sang trồng xoài, chuối, cây tạp lấy gỗ… Do đất đai không phù hợp, không có điều kiện chăm sóc, nên vườn cây không mang lại thu nhập cao cho gia đình, cuộc sống gia đình từ đó chỉ phụ thuộc vào diện tích sản xuất lúa còn lại.

Cách đây 3 năm, khi giá quýt đường tăng cao, ông Út quyết định đầu tư cải tạo lại vườn để trồng quýt và cam mật. Với diện tích hơn 2.000m2, ông Út trồng 100 gốc cam và đã cho thu hoạch lần đầu, 160 gốc quýt sắp cho thu hoạch trái chiếng. Mảnh vườn này đang hứa hẹn mang về cho gia đình ông nguồn thu nhập khá trong những năm tới.

Với vẻ mặt phấn khởi, ông Út chia sẻ: “Không chỉ riêng gia đình tôi mà hiện nhiều hộ dân khác trong ấp cũng bắt đầu cải tạo lại vườn tạp, vườn cây kém hiệu quả sang trồng quýt, cam. Tôi nghĩ việc chuyển đổi cây trồng phù hợp sẽ giúp chúng tôi nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thêm thu nhập”.

Theo Phòng Kinh tế huyện Long Mỹ, cuối năm 2013, xã Long Trị có 57,38ha đất vườn tạp, vườn cây ăn trái kém hiệu quả. Đầu năm đến nay, địa phương đã vận động nhân dân cải tạo được khoảng 30ha, đối với diện tích còn lại, địa phương đang vận động người dân sớm chuyển đổi trong thời gian tới.

Gia đình ông Đỗ Văn Vỹ, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, là một trong những hộ tiên phong trong cải tạo vườn cây kém hiệu quả trên địa bàn ấp. Nhiều năm trước, hơn 1,3ha đất sản xuất của gia đình ông chỉ trồng tràm. Trung bình 3-4 năm thì vườn tràm mới cho thu nhập (30-40 triệu đồng/đợt).

Đầu năm nay, ông Vỹ phá bỏ tràm và đầu tư nâng liếp, làm đê bao để trồng thử nghiệm cam và mãng cầu Thái. Hiện tại, vườn cây của gia đình ông đang phát triển tốt. Ông Vỹ cho biết: “Đất đai vùng này còn hoang hóa, nhiễm phèn nặng nên trồng cây ăn trái rất khó. Mấy năm nay, nhà nước đầu tư mở đường, nạo vét kinh thủy lợi, xổ phèn, nên tôi mạnh dạn chuyển đổi sang lập vườn cây ăn trái, mong sớm cải thiện đời sống”.

Cũng theo ông Vỹ, trong quá trình cải tạo vườn, gia đình ông được Phòng Kinh tế huyện chọn làm điểm xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, được hỗ trợ 1.400 cây mãng cầu giống. Trong quá trình trồng, ông luôn được cán bộ hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật để chăm sóc cây trồng cho năng suất cao.

Ông Lê Hoàng Thái, Trưởng phòng Kinh tế huyện Long Mỹ, cho biết, việc vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả sang những loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường đã tạo được chuyển biến về nhận thức trong nông dân. Ngày càng có nhiều hộ dân chủ động cải tạo, chuyển đổi vườn kém hiệu quả để trồng những loại cây trồng mới, có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Để giúp người dân chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với định hướng phát triển chung của huyện, Phòng Kinh tế huyện đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng đề án Cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả huyện Long Mỹ giai đoạn 2014-2020. Các hộ dân có diện tích đất vườn tạp, vườn kém hiệu quả; các hộ thuộc xã điểm xây dựng nông thôn mới, xã đặc biệt khó khăn; hộ nghèo, cận nghèo… sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay, hỗ trợ cây, con giống, vật tư nông nghiệp, xây dựng mô hình và tập huấn kỹ thuật để thực hiện. Tổng vốn đầu tư thực hiện đề án trên 61 tỉ đồng. Hiện tại, đề án đang được triển khai thực hiện tích cực.

Năm rồi, toàn huyện có 1.516ha đất vườn tạp, vườn cây ăn trái kém hiệu quả, trong đó, đất vườn tạp 803ha, vườn cây ăn trái kém hiệu quả 666ha, còn lại đất viên lang bãi bồi. Đầu năm đến nay, toàn huyện đã vận động nông dân cải tạo, chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế cao được khoảng 520ha.


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Nuôi Dúi Sinh Sản Tại Xã Nhị Hà (Ninh Thuận) Mô Hình Nuôi Dúi Sinh Sản Tại Xã Nhị Hà (Ninh Thuận)

Sau gần 1 năm triển khai thực hiện, mô hình trình diễn nuôi thử nghiệm con Dúi sinh sản tại xã Nhị Hà (Thuận Nam - Ninh Thuận) đang đem lại những tín hiệu vui, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, giúp người dân có thêm cơ hội làm giàu trên chính quê hương mình.

08/04/2014
Hơn 24.000 Ha Nuôi Tôm Mất Trắng Vì Dịch Bệnh Hơn 24.000 Ha Nuôi Tôm Mất Trắng Vì Dịch Bệnh

Đó là thông tin được Ông Trần Đình Luân, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đưa ra tại Hội nghị Sơ kết nuôi tôm nước lợ 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch nửa cuối năm 2014 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng 29-7 tại TP.HCM.

30/07/2014
Các Mô Hình Liên Kết Trong Chăn Nuôi Hiện Thực Hóa Các Mô Hình Liên Kết Trong Chăn Nuôi Hiện Thực Hóa "Giấc Mơ"... Của Nông Dân!

Liên kết để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau làm ăn, phát triển kinh tế và xa hơn là hướng đến chuỗi liên kết chăn nuôi thống nhất, tạo ra sản phẩm có thương hiệu đang là mục đích hướng đến của nông dân tỉnh Quảng Bình hiện nay. Tuy nhiên, trong thực tế mối liên kết này vẫn còn lỏng lẻo, tự phát và người nông dân vẫn phải “tự bơi” là chủ yếu. Để những mô hình này trở nên bền vững và đi vào chiều sâu, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp chính quyền và ban ngành liên quan.

08/04/2014
Bảo Vệ Tài Nguyên Biển Để Phát Triển Thủy Sản Bảo Vệ Tài Nguyên Biển Để Phát Triển Thủy Sản

Theo TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, cũng là một người gắn bó lâu năm với ngành Thủy sản, để phát triển thủy sản, không chỉ là những chính sách hỗ trợ đánh bắt ngoài khơi, ngành Thủy sản còn cần xây dựng một cơ chế hỗ trợ trên bờ.

30/07/2014
Hiệu Quả Bước Đầu Từ Cây Mắc Ca Ở Thạch Thành Hiệu Quả Bước Đầu Từ Cây Mắc Ca Ở Thạch Thành

Ông Phạm Hữu Tú, thôn Đồng Luật, xã Thành Mỹ được biết đến là một trong những người tiên phong trồng cây mắc ca ở các tỉnh phía Bắc. Ông cho biết: Năm 1998, gia đình ông nhận khoán 20 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành.

30/07/2014