Tập Trung Chuyển Đổi Vườn Tạp, Vườn Kém Hiệu Quả

Những năm gần đây, phong trào chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, vườn tạp sang những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được người dân huyện Long Mỹ tích cực hưởng ứng. Điều này không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất mà còn giúp người dân nâng cao thu nhập, phát huy tối đa hiệu quả sản xuất trên cùng diện tích canh tác.
Nhiều năm trước, cuộc sống gia đình ông Lê Minh Út, ở ấp 8, xã Long Trị, gắn bó với cây lúa, cây quýt đường. Cách đây khoảng 10 năm, vườn quýt nhà ông bị sâu bệnh gây hại, nên ông đốn bỏ, chuyển sang trồng xoài, chuối, cây tạp lấy gỗ… Do đất đai không phù hợp, không có điều kiện chăm sóc, nên vườn cây không mang lại thu nhập cao cho gia đình, cuộc sống gia đình từ đó chỉ phụ thuộc vào diện tích sản xuất lúa còn lại.
Cách đây 3 năm, khi giá quýt đường tăng cao, ông Út quyết định đầu tư cải tạo lại vườn để trồng quýt và cam mật. Với diện tích hơn 2.000m2, ông Út trồng 100 gốc cam và đã cho thu hoạch lần đầu, 160 gốc quýt sắp cho thu hoạch trái chiếng. Mảnh vườn này đang hứa hẹn mang về cho gia đình ông nguồn thu nhập khá trong những năm tới.
Với vẻ mặt phấn khởi, ông Út chia sẻ: “Không chỉ riêng gia đình tôi mà hiện nhiều hộ dân khác trong ấp cũng bắt đầu cải tạo lại vườn tạp, vườn cây kém hiệu quả sang trồng quýt, cam. Tôi nghĩ việc chuyển đổi cây trồng phù hợp sẽ giúp chúng tôi nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thêm thu nhập”.
Theo Phòng Kinh tế huyện Long Mỹ, cuối năm 2013, xã Long Trị có 57,38ha đất vườn tạp, vườn cây ăn trái kém hiệu quả. Đầu năm đến nay, địa phương đã vận động nhân dân cải tạo được khoảng 30ha, đối với diện tích còn lại, địa phương đang vận động người dân sớm chuyển đổi trong thời gian tới.
Gia đình ông Đỗ Văn Vỹ, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, là một trong những hộ tiên phong trong cải tạo vườn cây kém hiệu quả trên địa bàn ấp. Nhiều năm trước, hơn 1,3ha đất sản xuất của gia đình ông chỉ trồng tràm. Trung bình 3-4 năm thì vườn tràm mới cho thu nhập (30-40 triệu đồng/đợt).
Đầu năm nay, ông Vỹ phá bỏ tràm và đầu tư nâng liếp, làm đê bao để trồng thử nghiệm cam và mãng cầu Thái. Hiện tại, vườn cây của gia đình ông đang phát triển tốt. Ông Vỹ cho biết: “Đất đai vùng này còn hoang hóa, nhiễm phèn nặng nên trồng cây ăn trái rất khó. Mấy năm nay, nhà nước đầu tư mở đường, nạo vét kinh thủy lợi, xổ phèn, nên tôi mạnh dạn chuyển đổi sang lập vườn cây ăn trái, mong sớm cải thiện đời sống”.
Cũng theo ông Vỹ, trong quá trình cải tạo vườn, gia đình ông được Phòng Kinh tế huyện chọn làm điểm xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, được hỗ trợ 1.400 cây mãng cầu giống. Trong quá trình trồng, ông luôn được cán bộ hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật để chăm sóc cây trồng cho năng suất cao.
Ông Lê Hoàng Thái, Trưởng phòng Kinh tế huyện Long Mỹ, cho biết, việc vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả sang những loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường đã tạo được chuyển biến về nhận thức trong nông dân. Ngày càng có nhiều hộ dân chủ động cải tạo, chuyển đổi vườn kém hiệu quả để trồng những loại cây trồng mới, có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Để giúp người dân chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với định hướng phát triển chung của huyện, Phòng Kinh tế huyện đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng đề án Cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả huyện Long Mỹ giai đoạn 2014-2020. Các hộ dân có diện tích đất vườn tạp, vườn kém hiệu quả; các hộ thuộc xã điểm xây dựng nông thôn mới, xã đặc biệt khó khăn; hộ nghèo, cận nghèo… sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay, hỗ trợ cây, con giống, vật tư nông nghiệp, xây dựng mô hình và tập huấn kỹ thuật để thực hiện. Tổng vốn đầu tư thực hiện đề án trên 61 tỉ đồng. Hiện tại, đề án đang được triển khai thực hiện tích cực.
Năm rồi, toàn huyện có 1.516ha đất vườn tạp, vườn cây ăn trái kém hiệu quả, trong đó, đất vườn tạp 803ha, vườn cây ăn trái kém hiệu quả 666ha, còn lại đất viên lang bãi bồi. Đầu năm đến nay, toàn huyện đã vận động nông dân cải tạo, chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế cao được khoảng 520ha.
Có thể bạn quan tâm

Bước vào vụ cá nam năm nay (từ tháng 4 - 10/2014), cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư phương tiện vươn khơi đánh bắt, hứa hẹn đem lại vụ mùa bội thu.

Được biết, trong khoảng 3 tháng trước đây, mực khô bị giảm giá đột biến khoảng 150 ngàn đồng/kg, gây rất nhiều khó khăn cho bà con ngư dân khi đánh bắt vì thu không bù nổi chi phí (doanh thu bán mực chiếm 70% tổng doanh số đánh bắt của chuyến biển), nhiều tàu ghe lỗ tổn do giá mực giảm phải nằm bờ.

Những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trong tỉnh Bắc Ninh có bước phát triển nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều cơ sở sản xuất giống, chế biến, các trang trại từng bước đưa công nghệ cao vào sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Từ đầu tháng 3 đến nay, khi bắt đầu thu hoạch vụ dưa đông xuân 2013 - 2014 và vụ dưa xuân hè 2014, tại các tỉnh miền Trung, rơm được bán với giá rất cao, gấp 2 - 3 lần so với mọi năm.

Theo Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước, thời gian qua, các bệnh hại trên cây cao su như: Rệp vảy, vàng rụng lá, nấm hồng, héo đen đầu lá... gây hại phổ biến ở mức độ nhẹ đến trung bình.