Tập Trung Chuyển Đổi Vườn Tạp, Vườn Kém Hiệu Quả

Những năm gần đây, phong trào chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, vườn tạp sang những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được người dân huyện Long Mỹ tích cực hưởng ứng. Điều này không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất mà còn giúp người dân nâng cao thu nhập, phát huy tối đa hiệu quả sản xuất trên cùng diện tích canh tác.
Nhiều năm trước, cuộc sống gia đình ông Lê Minh Út, ở ấp 8, xã Long Trị, gắn bó với cây lúa, cây quýt đường. Cách đây khoảng 10 năm, vườn quýt nhà ông bị sâu bệnh gây hại, nên ông đốn bỏ, chuyển sang trồng xoài, chuối, cây tạp lấy gỗ… Do đất đai không phù hợp, không có điều kiện chăm sóc, nên vườn cây không mang lại thu nhập cao cho gia đình, cuộc sống gia đình từ đó chỉ phụ thuộc vào diện tích sản xuất lúa còn lại.
Cách đây 3 năm, khi giá quýt đường tăng cao, ông Út quyết định đầu tư cải tạo lại vườn để trồng quýt và cam mật. Với diện tích hơn 2.000m2, ông Út trồng 100 gốc cam và đã cho thu hoạch lần đầu, 160 gốc quýt sắp cho thu hoạch trái chiếng. Mảnh vườn này đang hứa hẹn mang về cho gia đình ông nguồn thu nhập khá trong những năm tới.
Với vẻ mặt phấn khởi, ông Út chia sẻ: “Không chỉ riêng gia đình tôi mà hiện nhiều hộ dân khác trong ấp cũng bắt đầu cải tạo lại vườn tạp, vườn cây kém hiệu quả sang trồng quýt, cam. Tôi nghĩ việc chuyển đổi cây trồng phù hợp sẽ giúp chúng tôi nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thêm thu nhập”.
Theo Phòng Kinh tế huyện Long Mỹ, cuối năm 2013, xã Long Trị có 57,38ha đất vườn tạp, vườn cây ăn trái kém hiệu quả. Đầu năm đến nay, địa phương đã vận động nhân dân cải tạo được khoảng 30ha, đối với diện tích còn lại, địa phương đang vận động người dân sớm chuyển đổi trong thời gian tới.
Gia đình ông Đỗ Văn Vỹ, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, là một trong những hộ tiên phong trong cải tạo vườn cây kém hiệu quả trên địa bàn ấp. Nhiều năm trước, hơn 1,3ha đất sản xuất của gia đình ông chỉ trồng tràm. Trung bình 3-4 năm thì vườn tràm mới cho thu nhập (30-40 triệu đồng/đợt).
Đầu năm nay, ông Vỹ phá bỏ tràm và đầu tư nâng liếp, làm đê bao để trồng thử nghiệm cam và mãng cầu Thái. Hiện tại, vườn cây của gia đình ông đang phát triển tốt. Ông Vỹ cho biết: “Đất đai vùng này còn hoang hóa, nhiễm phèn nặng nên trồng cây ăn trái rất khó. Mấy năm nay, nhà nước đầu tư mở đường, nạo vét kinh thủy lợi, xổ phèn, nên tôi mạnh dạn chuyển đổi sang lập vườn cây ăn trái, mong sớm cải thiện đời sống”.
Cũng theo ông Vỹ, trong quá trình cải tạo vườn, gia đình ông được Phòng Kinh tế huyện chọn làm điểm xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, được hỗ trợ 1.400 cây mãng cầu giống. Trong quá trình trồng, ông luôn được cán bộ hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật để chăm sóc cây trồng cho năng suất cao.
Ông Lê Hoàng Thái, Trưởng phòng Kinh tế huyện Long Mỹ, cho biết, việc vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả sang những loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường đã tạo được chuyển biến về nhận thức trong nông dân. Ngày càng có nhiều hộ dân chủ động cải tạo, chuyển đổi vườn kém hiệu quả để trồng những loại cây trồng mới, có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Để giúp người dân chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với định hướng phát triển chung của huyện, Phòng Kinh tế huyện đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng đề án Cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả huyện Long Mỹ giai đoạn 2014-2020. Các hộ dân có diện tích đất vườn tạp, vườn kém hiệu quả; các hộ thuộc xã điểm xây dựng nông thôn mới, xã đặc biệt khó khăn; hộ nghèo, cận nghèo… sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay, hỗ trợ cây, con giống, vật tư nông nghiệp, xây dựng mô hình và tập huấn kỹ thuật để thực hiện. Tổng vốn đầu tư thực hiện đề án trên 61 tỉ đồng. Hiện tại, đề án đang được triển khai thực hiện tích cực.
Năm rồi, toàn huyện có 1.516ha đất vườn tạp, vườn cây ăn trái kém hiệu quả, trong đó, đất vườn tạp 803ha, vườn cây ăn trái kém hiệu quả 666ha, còn lại đất viên lang bãi bồi. Đầu năm đến nay, toàn huyện đã vận động nông dân cải tạo, chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế cao được khoảng 520ha.
Có thể bạn quan tâm

Dự án thực hiện ở 3 giai đoạn: cuối năm 2014 ươm giống, đầu năm 2015 triển khai thí điểm và trồng thực nghiệm (dự kiến khoảng 250 ha) các loài cây dược liệu bản địa phù hợp với thổ nhưỡng địa phương như: Kim tiền thảo, gừng, hoài sơn, sen, tràm, rau đắng biển, xuyên tâm liên…

Để thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp mang tính khả thi cao, tỉnh Tiền Giang đã mạnh dạn quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng đến năm 2020 khoảng 78.000 ha thuộc 79 xã của 9 huyện, sản lượng ổn định từ 1 - 1,1 triệu tấn/năm, xuất khẩu 250.000 tấn gạo/năm.

Ông Trương Văn Đúng, GĐ Trung tâm giống vật nuôi Sóc Trăng nói: Với khả năng SX con giống từ 3.500-4.000 con/năm nhưng trung tâm vẫn không đủ con giống bán.

Các cán bộ của Cục Chăn nuôi đã được đào tạo về LEGs và đến nay đã được cấp chứng nhận là giảng viên đào tạo LEGs do tổ chức LEGs cấp và là người trực tiếp giảng trong các lớp tập huấn. Học viên tham gia lớp tập huấn là các cán bộ thuộc các cơ quan Bộ NN-PTNT, các Sở NN-PTNT.

Mỗi khi vào vụ thu hoạch rộ, gặp phải mưa nhiều, đa số lò sấy quá tải, muốn sấy được lúa phải đợi nhiều ngày mới đến lượt, trong khi đó lúa đã ướt, không được phơi, sấy kịp thời nên nảy mầm. Trước tình thế này, người dân không còn cách nào khác buộc phải bán lúa tươi với giá thấp.