Tập Trung Chăm Sóc Cây Vụ Đông

Đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng khoảng 13 ngàn ha cây trồng vụ đông các loại, trong đó: Cây ngô là 8,5 ngàn ha, còn lại là khoai lang, rau đậu. Đây cũng là thời điểm bà con nông dân trên toàn tỉnh đang tập trung chăm sóc cây rau màu đã trồng và tiếp tục trồng các loại rau khác còn trong khung lịch thời vụ.
Thực tế cho thấy trong những năm gần đây diện tích cây trồng vụ đông ưa ấm như: Ngô, đậu tương có giảm nhưng những cây vụ đông ưa lạnh như rau xanh các loại có tăng. Đặc biệt năng suất cây trồng vụ đông tăng do bà con nông dân đã biết chú trọng đến việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo đúng hướng dẫn kỹ thuật.
Ông Nguyễn Văn Tâm ở xã Văn Lung (thị xã Phú Thọ) cho biết: “Trước đây chúng tôi trồng rau theo kinh nghiệm là chính, chủ yếu để phục vụ bữa ăn trong gia đình nên thu hoạch chẳng được là bao, có khi sâu ăn hết cả rau. Bây giờ trồng rau để bán, cây rau trở thành nguồn thu nhập quan trọng của gia đình nên chúng tôi phải học hỏi để trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh theo đúng hướng dẫn kỹ thuật. Vì thế rau, củ, quả vụ đông cho năng suất cao hơn nhiều”.
Về Cẩm Khê, chúng tôi được biết huyện đã gieo trồng được 835ha ngô, 250ha rau và vẫn đang tiếp tục trồng các loại rau, đậu còn trong khung lịch thời vụ. Đáng lưu ý trên đồng ruộng đã xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh gây hại nhẹ trên ngô như: Bệnh đốm lá nhỏ, sâu đục thân; trên rau đã xuất hiện bọ nhảy, rệp, sâu xanh…
Vì vậy ngoài việc chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tiếp tục mở rộng diện tích cây vụ đông với các giống rau màu ngắn ngày còn trong khung lịch thời vụ, huyện khuyến cáo bà con chú ý theo dõi, phòng trừ sâu bệnh kịp thời để bảo vệ sản xuất.
Vụ đông năm nay huyện Hạ Hòa gieo trồng được gần 800ha cây vụ đông. Đồng chí Lữ Mạnh Thắng- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Để đảm bảo sản xuất vụ đông năm 2014 đạt năng suất, sản lượng cao, theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT, huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại diện tích cây vụ đông đã trồng.
Đối với diện tích ngô trồng muộn (đầu tháng 10) bón thúc đợt 1 khi ngô có 4 - 5 lá: Lượng bón cho 1 sào là 10 kg N.P.K-S 12.5.10-14 (phân 3 màu) hoặc bón 4 kg đạm urê + 3 kg kali clorua; kết hợp với phun bổ sung 1 lượt phân bón lá để cung cấp các chất vi lượng giúp cây sinh trưởng tốt. Đối với diện tích ngô 7 - 9 lá bón thúc lần 2 với lượng 10 kg NPK 12.5.10 (phân ba màu) hoặc 4 kg đạm urê + 3 kg kali clorua cho 1 sào.
Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện và phun trừ có hiệu quả các đối tượng sâu bệnh hại, đặc biệt lưu ý sâu cắn lá, sâu đục thân trên cây ngô; sâu đục quả hại cây đậu tương. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh gieo trồng các cây rau màu vụ đông khác như: Khoai tây, rau các loại...”
Trong những ngày này, Chi cục Thủy lợi, Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chỉ đạo và thực hiện cung cấp đủ nước tưới dưỡng cho cây trồng vụ đông. Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và đầu tư thâm canh tăng năng suất cây trồng .
Tuy nhiên khó khăn trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây vụ đông hiện nay là giá vật tư, phân bón tăng cao ảnh hưởng đến việc đầu tư thâm canh của bà con nông dân. Hệ thống công trình thủy lợi ở một số nơi chưa đảm bảo tưới tiêu cho cây vụ đông. Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng cách vẫn xảy ra.
Tình trạng kinh doanh buôn bán phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng vẫn còn. Vì vậy, sở, ngành, đơn vị liên quan, các huyện, thành, thị tăng cường xuống cơ sở phối hợp chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện nhằm khắc phục những tồn tại trên để vụ đông đạt hiệu quả cao hơn.
Có thể bạn quan tâm

Khó khăn hiện nay là diện tích nuôi tôm phát triển, nguồn điện phục vụ thiếu, nên chi phí trong quá trình nuôi tăng cao. Người nuôi tôm ở huyện Phú Tân đang gặp nhiều khó khăn không chỉ về vốn, con giống, kỹ thuật, đầu ra, mà yếu tố quan trọng đó là về điện.

Ngày 25/8/2014, Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản chính thức có hiệu lực. Đây được xem là cú hích cho ngành thủy sản cả nước trong đó có Quảng Trị. Tuy nhiên, hiện nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh đang băn khoăn lo lắng mình không nằm trong danh sách được ưu tiên vay vốn đóng tàu vì chỉ tiêu phân bổ quá ít.

Đến nay, đã có 15 Khu bảo vệ thủy sản ở vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, với tổng diện tích mặt nước được bảo vệ trên 430 ha. Theo đó, trong các khu bảo vệ thủy sản, nghiêm cấm hoàn toàn các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản và xây dựng các công trình sản xuất kinh tế… làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên và môi trường thuỷ sinh của vùng đầm phá.

Chỉ thị nêu rõ, nghiêm cấm tuyệt đối mọi hành vi chặt phá rừng phi lao và các loại cây trồng khác ven biển, chuyển đổi đất vườn, đất ở để san ủi, đào ao lót bạt nuôi tôm.

Trung bình mỗi ngày tại các cơ sở chế biến cá cơm khô có từ 30 – 40 lao động, có hôm cá nhiều lượng lao động tăng lên hơn 50 lao động/cơ sở chế biến. Trung bình mỗi lao động một ngày có thu nhập từ 150.000 - 170.000 đồng, nhiều hôm tăng ca mỗi người có thể thu nhập hơn 200.000 đồng.