Tạo Thuận Lợi Để Ngư Dân Vay Vốn Theo Nghị Định 67

Sáng 27/12, đồng chí Huỳnh Văn Tí - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghe báo cáo kết quả thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.
Theo ông Nguyễn Hữu Long – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì đến nay đã phê duyệt danh sách đóng mới, nâng cấp tàu cá đã trình UBND tỉnh phê duyệt 82 trường hợp. Huyện Phú Quý có số đăng ký cao nhất với 51 tàu, Phan Thiết 8 tàu, La Gi 22 tàu và Tuy Phong 1 tàu. Trong đó, 71 tàu đóng mới (9 tàu dịch vụ hậu cần và 62 tàu khai thác hải sản xa bờ), nâng cấp, thay mới với tổng kinh phí lên đến 602,51 tỷ đồng.
Hiện Sở tiếp tục trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách đăng ký mới, nâng cấp đóng mới 25 trường hợp, nâng tổng số lên 107 trường hợp sửa chữa nâng cấp, đóng mới theo Nghị định 67, dự kiến kinh phí lên 715 tỷ đồng.
Theo đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, cùng với UBND tỉnh trong chính sách này là 4 ngân hàng: Nông nghiệp phát triển nông thôn, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Đầu tư, sẽ hỗ trợ cho ngư dân vay vốn. Tuy nhiên, hiện nay UBND tỉnh đang tiếp tục cùng các bên rà soát những vướng mắc, thủ tục để hỗ trợ cho ngư ngân sớm tiếp cận với nguồn vốn vay.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Huỳnh Văn Tí ghi nhận, trong một thời gian ngắn các ngành đã triển khai Nghị định 67 một cách đồng bộ, phối hợp tốt với chính quyền địa phương, các cấp về chính sách liên quan đến nghị định này. Tuy nhiên về mặt tiến độ vẫn còn chậm, trong đó nhiều khó khăn về mặt khách quan như tâm lý ngư dân còn lưỡng lự, hạ tầng luồng lạch hiện nay cũng là trở ngại khi tàu ra vào...
Vậy nên, Bí thư Tỉnh ủy cũng mong rằng trong thời gian đến, các ngành, các cấp tập trung cao các bước tạo điều kiện thuận tiện cho ngư dân tiếp cận với nguồn vốn vay theo Nghị định 67. Qua đó, tiếp tục tuyên truyền về chính sách này để ngư dân có thể nắm rõ những quy định của Nhà nước, chủ trương của Chính phủ trong việc hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ.
Đối với các cơ quan chức năng, phải tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt hồ sơ, cán bộ phải đến trực tiếp xem xét, hướng dẫn thủ tục cho ngư dân. Trong giải quyết hồ sơ cần phải khẩn trương để ngư dân được giải ngân trong thời gian ngắn nhất. Đồng thời, nắm bắt những khó khăn, trở ngại kịp thời những phương án giải quyết khó khăn.
Có thể bạn quan tâm

Trang trại nuôi gà rừng của gia đình ông Lê Toái (xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) dần dần đã trở nên đông khách và thu hút rất nhiều hội viên Hội nông dân tham quan học tập bởi đặc điểm hết sức độc đáo so với gà nhà, với vóc dáng nhỏ bé, màu sắc khác thường và giá trị dinh dưỡng mang lại rất cao, được nhiều người ưa chuộng.

Những ngày này, tại một số cánh đồng lúa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, nông dân đang tất bật các công đoạn bơm nước, ngâm ủ giống và đã bắt đầu xuống giống vụ lúa Đông xuân 2013-2014. Tuy nhiên, việc xuống giống lúc này của người dân cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết hiện nay.

Giá tiêu hiện ở mức khoảng 130.000-150.000 đồng/kg, tùy loại. Theo dự báo, giá tiêu có thể tăng thêm, bởi nhu cầu thế giới tăng, trong khi sản lượng tiêu ở các nước như Indonesia, Ấn Độ… đều giảm. Thế nhưng, niềm vui của người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh không được trọn vẹn bởi điệp khúc “được giá - mất mùa”.

Sở NN-PTNT Phú Yên đang triển khai mô hình cánh đồng mía mẫu tại 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh với tổng diện tích 40ha. Mô hình được áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất đồng bộ từ các khâu làm đất, trồng, thu hoạch; sử dụng phân bón phù hợp với chất đất và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh phối hợp với xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) triển khai thí điểm mô hình sử dụng thùng nhựa ủ rác hữu cơ trong sinh hoạt hàng ngày chuyển hóa thành phân compost để bón cho cây trồng và bảo vệ môi trường.