Tạo Sinh Kế Lâu Dài Cho Người Trồng Rừng

Dự án phát triển lâm nghiệp do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, Ngân hàng CSXH quản lý đã tạo sinh kế lâu dài cho hàng ngàn hộ khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam.
Màu xanh của rừng nguyên liệu giấy phủ kín đồi, núi tại các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức và Quế Sơn. Nông dân (ND) ở đây đang được hưởng nhiều lợi ích, trong đó có lợi ích kinh tế từ chương trình vay vốn ưu đãi trồng rừng.
Cải thiện thu nhập bền vững
Gia đình chị Lê Thị Học ở thôn 3, xã Trà Giang (Bắc Trà My) nhờ được vay vốn hộ nghèo và vốn ưu đãi cách đây mấy năm đã trồng được 10ha keo nguyên liệu giấy. Tới nay, gia đình chị đã có đời sống khấm khá nhờ 40% diện tích keo đã cho thu hoạch. Cùng xã Trà Giang, hộ ông Triệu Khánh Hòa ở thôn 5 cũng vừa thu hoạch 3ha keo, đạt 60 triệu đồng/ha, 4ha khác sẽ cho thu hoạch vào những năm tới.
Chị Lê Thị Học, thôn 3, xã Trà Giang (Bắc Trà My) chăm sóc rừng cây keo được trồng nhờ vay vốn ưu đãi.
Chị Y Nong (dân tộc KDong) ở thôn 2 cũng mạnh dạn vay 76 triệu đồng vốn ưu đãi, trong đó riêng vốn trồng rừng là 48 triệu đồng. “Trước đây, cứ 1ha rừng trồng nhà tôi được vay 10 triệu đồng vốn ưu đãi, năm 2012 nâng lên 15 triệu đồng/ha…” - chị Y Nong cho hay.
Toàn xã Trà Giang hiện có hơn 2.000ha đất lâm nghiệp, trong đó riêng đất rừng sản xuất đã phủ xanh cây là 850ha. Năm 2013, nhờ được vay vốn ưu đãi nên đã có 157 hộ trồng hơn 250ha rừng kinh tế. Ông Nguyễn Ngọc Bích - Phó Chủ tịch UBND xã nói: “Có vốn ưu đãi nên bà con đã mạnh dạn trồng rừng. Dù trồng trước hay trồng sau thì chắc chắn đời sống, thu nhập của bà con trong xã sẽ được cải thiện theo hướng bền vững, lâu dài…”.
Hướng đến nhiều lợi ích
Dự án không những mang lại lợi ích kinh tế, kiến thức lâm nghiệp cho ND mà còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái, thúc đẩy nâng cao chất lượng quản lý đất rừng một cách minh bạch và khoa học. Bà Nguyễn Thị Kim Vinh ở xã Bắc Trà My cho hay: “Không có chuyện nói vay vốn là vay được ngay. Hộ vay vốn phải được xác định rõ về vị trí, diện tích đất rừng và phải được cấp sổ đỏ thì ngân hàng mới giải ngân... Việc này rất hay là giúp bà con chúng tôi rất yên tâm vì đất rừng là đúng của mình”.
Tổng dư nợ vốn vay ưu đãi cho nông dân trồng rừng theo dự án phát triển lâm nghiệp do WB tài trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện đạt hơn 150 tỷ đồng. Dự án được thực hiện trên địa bàn 2 huyện Tiên Phước, Bắc Trà My, Hiệp Đức và Quế Sơn với 4.765 hộ ND được hưởng lợi.
Ông Nguyễn Ngọc Bích - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Giang thừa nhận, cách triển khai dự án đã thúc đẩy các cơ quan chức năng vào cuộc đo đạc, xác định mốc giới và cấp sổ đỏ cho các hộ trồng rừng. Ông Nguyễn Văn Hiền - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tiên Phước cho biết, tổng dư nợ cho vay ưu đãi trồng rừng trên địa bàn huyện hiện là hơn 50 tỷ đồng. Vốn ưu đãi trồng rừng đã về với ND 10/15 xã trên địa bàn huyện, góp phần giúp bà con phát triển kinh tế…
Có thể bạn quan tâm

Ông Robert Zeigler, Tổng Giám đốc IRRI khẳng định, SXNN của Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với một số khó khăn khi đóng góp của nông nghiệp vào GDP đang có dấu hiệu giảm nhưng nếu tái cấu trúc đúng cách và có giải pháp phù hợp chắc chắn sẽ tiếp tục tạo ra kim ngạch XK và chiếm vị thế cao trong nền kinh tế.

Đầu ra cho nông sản Việt vẫn luôn là một bài toán khó cho các nhà quản lý, doanh nghiệp và người nông dân. Điệp khúc được mùa mất giá, cảnh nông sản đến mùa thu hoạch không có người mua tái diễn: hàng trăm xe dưa hấu tắc nghẽn ở biên giới, dưa hấu đổ bỏ cho gia súc ăn, thanh long cho bò ăn chán chê rồi đành vứt bỏ… nông sản rớt giá khiến người nông dân điêu đứng.

Nho là cây trồng đặc trưng có thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân Ninh Thuận. Đã có không ít nông dân Ninh Thuận bằng nỗ lực, cần cù và sáng tạo trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã thành công từ nghề trồng nho và từng bước làm giàu từ cây nho.

Diện tích tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh bị thiệt hại trên 70% trong 06 tháng đầu năm 2014 là 1.781 ha, chiếm 16,95% (tăng 81 ha so với cùng kỳ); trong đó tôm sú thiệt hại 552 ha, thẻ chân trắng 1.229 ha. Tuy nhiên, tỷ lệ tôm bị thiệt hại so với diện tích thả nuôi giảm 8,72% so cùng kỳ.

Hà Nội sau hợp nhất là một thành phố khổng lồ với 7,14 triệu dân và thường xuyên có trên 2 triệu lao động, học sinh, sinh viên ngoại tỉnh đến cư trú và làm việc. Người ta tính toán, để đáp ứng thực phẩm cho 9 triệu dân đó, mỗi năm Hà Nội cần khoảng 890.000 tấn gạo, 139.000 tấn thịt lợn, 42.000 tấn thịt gà, 900 triệu quả trứng các loại, 54.000 tấn hải sản tươi sống và chế biến, 900.000 tấn rau…