Tạo Con Giống Sạch Để Nuôi Tôm Bền Vững

Chất lượng con giống là một trong các yếu tố đầu vào quyết định sự thành công của nghề nuôi tôm nước lợ. Nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất giống tôm “sạch” là điều cấp thiết hiện nay đối với Quảng Nam.
Chưa đảm bảo chất lượng con giống
Hơn 100ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bị chết trong 5 tháng đầu năm 2013 báo động thêm về diện tích nuôi tôm nước lợ bị hoang hóa trên địa bàn tỉnh. Các đánh giá mới đây tại buổi giao ban về nuôi tôm nước lợ và sản xuất giống tại các tỉnh ven biển miền Trung cùng chung nhận định: chất lượng tôm giống yếu kém là nguyên nhân chủ yếu nhất gây nên tình trạng tôm chết hàng loạt.
Bà Hoàng Thị Kim Yến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho rằng, từ khi được UBND tỉnh giao thêm nhiệm vụ quản lý giống thủy sản, việc kiểm soát tại 18 cơ sở kinh doanh tôm giống trên địa bàn tỉnh ổn định hơn trước. Tuy nhiên, cái khó của ngành chức năng là không thể đánh giá được tôm giống tại các cơ sở này có đảm bảo chất lượng để phát triển tốt khi được thả nuôi hay không. Điều này liên quan đến một thực tế là Quảng Nam chưa thể sản xuất giống tôm thẻ chân trắng mà chỉ nhập các post tôm giống cỡ nhỏ từ các tỉnh phía trong về để “thúc” thành các post tôm giống lớn rồi bán cho người nuôi. Khi tiến hành kiểm tra, các chủ cơ sở này đều trình báo giấy kiểm dịch tôm giống, tuy nhiên không có cơ sở nào để khẳng định các giấy kiểm dịch này là sự chứng thực đảm bảo chất lượng con giống.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân lớn nhất khiến cho tôm giống kém chất lượng là tình trạng tư gia hóa tôm bố mẹ của các cơ sở sản xuất giống không đảm bảo quy trình. Tại buổi giao ban về nuôi tôm nước lợ và sản xuất giống tại các tỉnh ven biển miền Trung, ông Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, nhiều doanh nghiệp sản xuất tôm giống thẻ chân trắng đã nhập rất ít tôm bố mẹ nhưng lại sản xuất được nhiều con giống. Điều này cho thấy, một mặt, đã có tình trạng không kiểm soát được nguồn gốc của tôm thẻ chân trắng bố mẹ tại các cơ sở sản xuất giống. Mặt khác cũng cho thấy rằng, có nhiều doanh nghiệp đã “cù nhầy” không nhập tôm bố mẹ làm giống mà cứ sử dụng mãi tôm bố mẹ sẵn có nên chất lượng tôm giống kém.
Cần tạo con giống “sạch”
Theo bà Hoàng Thị Kim Yến, để nâng cao công tác quản lý tôm giống cần sự thông suốt từ trung ương đến địa phương. Theo đó, Cục Thú y cần kiểm soát chặt chẽ đàn tôm bố mẹ nhập khẩu, qua đó chỉ đạo Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát đàn tôm bố mẹ được sử dụng để sản xuất giống. Các tỉnh, thành phố cũng nên thiết lập kênh thông tin chung để chia sẻ thông tin về kiểm dịch con giống cũng như học tập, tham khảo kinh nghiệm qua đó nâng cao hiệu quả quản lý con giống.
Đại diện Cục Thú y cho biết, để ngăn ngừa các yếu tố gây bệnh xâm nhập vào đàn tôm giống tại Việt Nam, đơn vị đã cảnh báo và đưa ra các yêu cầu về vệ sinh thú y đối với các cơ quan có thẩm quyền của các nước có tôm giống xuất khẩu vào Việt Nam như Indonesia, Thái Lan, Singapore… Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản giống, ngành thú y cũng sẽ chỉ đạo các cơ quan thú y vùng, trung tâm kiểm tra vệ sinh thú y trung ương tiến hành kiểm tra điều kiện thú y an toàn của các cơ sở sản xuất giống, cách ly kiểm dịch thủy sản giống nhập khẩu.
Theo ThS. Nguyễn Hữu Hùng (cán bộ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III), nguyên nhân chính khiến nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ì ạch là do con giống chưa “sạch”, không đáp ứng được nhu cầu nuôi. Để phát triển nghề nuôi tôm thẻ chân trắng bền vững, cần gia hóa và chọn giống tôm bố mẹ thích ứng với điều kiện nuôi. Tuy nhiên, để tạo ra các giống thuần có khả năng kháng bệnh và phát triển nhanh cần thời gian 8 - 10 năm, vì vậy trước mắt cần tập trung tạo đàn tôm bố mẹ trong nước thông qua việc nhập đa dạng hóa nguồn giống từ các nguồn gốc khác nhau để lai tạo, chọn lọc các dòng ưu thế về tốc độ tăng trưởng, phục vụ nhu cầu nuôi tôm.
“Chúng ta có thể thu thập các dòng tôm vật liệu ban đầu từ Viện Hải dương học Hawaii (Hoa Kỳ), dòng tôm từ Công ty Shrimp Improvement System (Ninh Thuận), dòng tôm từ Thái Lan. Từ các dòng tôm vật liệu ban đầu, ta có thể lựa chọn các cặp lai ưng ý nhất để sản xuất thế hệ F1. Với cách làm như vậy, chúng ta có thể chủ động được tôm giống “sạch” áp dụng cho nuôi tôm bền vững” - ThS. Nguyễn Hữu Hùng nói.
Khu Sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung tỉnh Quảng Nam (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) sắp sửa đi vào hoạt động là một tín hiệu vui cho người nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh. Đã đến lúc Quảng Nam phải có cách để tiếp nhận công nghệ sản xuất giống tôm “sạch” nhằm tăng hiệu quả cho nghề.
Có thể bạn quan tâm

Số tiền này được bổ sung vào nguồn vốn sản xuất kinh doanh hàng tiểu thủ công nghiệp, đan lát xuất khẩu; sản xuất cơ khí phụ trợ; cung ứng vật tư nông nghiệp; bao tiêu sản phẩm nông nghiệp; thu gom rác thải sinh hoạt, san lấp mặt bằng làm đường giao thông nông thôn; đưa rước công nhân khu công nghiệp; trồng trọt; chăn nuôi gia súc-gia cầm-thủy sản (số dư nợ trợ vốn đến cuối tháng 9 là trên 34 tỷ đồng).

Với diện tích 0,3ha đất vườn trồng xoài cát chu và cát Hòa Lộc, anh Đỗ Văn Tới, một xã viên trồng xoài nhiều năm liền tại ấp Mỹ Hưng Hòa, xã Mỹ Xương cho biết, thời tiết năm nhuần tương đối thuận lợi cho việc trồng xoài nghịch mùa, chi phí bỏ ra cho vườn xoài khoảng 40 triệu đồng, ước tính nếu thu hoạch hết, anh có thể thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp đến tận nơi thu mua cá lóc cỡ 0,7 - 0,8kg/con với giá dao động 34.000đ/kg (tăng hơn tuần trước 2.000 đồng/kg), giá lươn cỡ 250 - 300gram/con từ 150.000 - 160.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg), giá cá tra thương phẩm từ 23.000 - 23.500 đồng/kg (tăng 500 đồng/kg).

Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2014 phấn đấu đạt 7 tỉ USD; trong đó riêng mặt hàng tôm là 3,5 tỉ USD, chiếm 50% về giá trị. Có thể nói, con tôm đang trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản, thế nhưng điều nghịch lý là hàng loạt hộ nuôi tôm ở ĐBSCL luôn phập phồng nỗi lo thua lỗ bởi dịch bệnh tràn lan và giá cả lên xuống thất thường...

Huyện Lâm Thao hiện có 620ha nuôi trồng thuỷ sản, sản lượng thuỷ sản ước đạt trên 2.600 tấn; trong đó loại hình mặt nước ao hồ nuôi chuyên 520ha, năng suất 4,6 tấn/ha, loại hình 1 lúa, 1 cá 100ha, năng suất đạt 2,1 tấn.