Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tăng Trồng Màu Để Giảm Áp Lực Cho Cây Lúa

Tăng Trồng Màu Để Giảm Áp Lực Cho Cây Lúa
Ngày đăng: 12/06/2013

Việc chuyển đổi một số diện tích đất lúa sang trồng màu dù đã được Chính phủ và Bộ NNPTNT chủ trương thực hiện từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn ì ạch. Thậm chí, diện tích màu đang ngày càng giảm mạnh.

Điều này diễn ra trong trong khi sản lượng lúa tăng cao là một trong những nguyên nhân khiến giá lúa giảm liên tục trong thời gian qua. Trao đổi với phóng viên NTNN, GS-TS Bùi Chí Bửu - Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam - cựu Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết, việc giảm diện tích xuống giống lúa nhằm giảm áp lực tiêu thụ lúa gạo, thay vào đó, tăng cường sản xuất rau màu nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước là điều cần thiết ở ĐBSCL.

Kết quả sau gần 13 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xen canh luân canh các loại rau, màu trên đất lúa ở vùng ĐBSCL như thế nào, thưa Viện trưởng?

- 25 năm về trước, tỷ lệ diện tích màu trên tổng diện tích cây lương thực ở ĐBSCL đạt mức 11 - 12%. Tuy nhiên, từ thập niên 90 đến nay, khi ĐBSCL tăng cường trồng lúa, diện tích màu liên tục sụt giảm. Hiện tại, tỷ lệ diện tích màu trên tổng diện tích lương thực ở ĐBSCL rất thấp, chưa đến 4%, tỷ lệ này của cả nước khoảng 18%.

Vậy cần phải giảm bớt diện tích lúa và tăng cường sản xuất hoa màu, thưa Viện trưởng?

- Đó là việc cần thiết, phải làm trong thời gian tới. Hiện tại, ĐBSCL cần phải giảm hệ số quay vòng đất lúa để đảm bảo sản xuất lâu dài, bền vững bằng cách chuyển sang trồng xen vụ màu. Trong đó, xuân hè và thu đông là 2 vụ thích hợp nhất để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Xuân hè thì chuyển sang trồng màu càng sớm càng tốt. Còn thu đông, theo tôi, ĐBSCL chỉ cần giữ ổn định diện tích lúa thu đông ở mức 400.000 - 500.000ha.

Đã có chủ trương từ năm 2000 và có nhiều mô hình thí điểm nhưng tại sao đến nay, các mô hình này vẫn chưa thể nhân rộng được, thưa ông?

- Trước hết, do hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL chủ yếu phục vụ sản xuất lúa gạo, mà nhu cầu về nước của cây màu và thủy sản khác cây lúa. Việc điều chỉnh hài hòa hệ thống thủy lợi, vừa phục vụ sản xuất lúa và phát triển rau màu sẽ phải tốn rất nhiều thời gian và tiền của. Thứ hai, ĐBSCL chưa có các quy hoạch vùng cụ thể, thích hợp với điều kiện hiện có của từng vùng thổ nhưỡng và cho từng loại cây màu. Thứ ba, do chưa có hướng giải quyết đầu ra cho nông dân. Hơn nữa, các sản phẩm màu như bắp (ngô), đậu nành chủ yếu phục vụ chế biến thức ăn gia súc, trong khi đó hầu hết các nhà máy chế biến thức ăn gia súc hiện nay tập trung tại vùng Đông Nam Bộ.

Việc chuyển một phần diện tích lúa sang trồng màu là điều cần thiết phải làm, tuy nhiên, phải đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Nếu không, cây màu rồi cũng sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa, rớt giá như bao cây khác ở ĐBSCL”.GS-TS Bùi Chí Bửu

Nếu giải quyết được 3 vấn đề trên, khả năng trồng màu, cụ thể là bắp và đậu nành của ĐBSCL sẽ thay đổi như thế nào?

- ĐBSCL có thể tăng diện tích đậu nành lên 100.000ha trong vụ xuân hè, tuy nhiên, phải với điều kiện là tìm ra được giống đậu nành chịu ngập. Về năng suất, đậu nành trồng ở ĐBSCL có thể đạt 3,5 – 4 tấn/ha. Đối với bắp, khả năng tăng năng suất bắp lai tại ĐBSCL lên 8 – 10 tấn/ha không khó. Tuy nhiên, phải đảm bảo được đầu ra cho nông dân mới có thể tăng diện tích.

Có ý kiến cho rằng, giá thành sản xuất đậu nành và bắp ở Việt Nam cao hơn nhiều so với nhập khẩu khiến các sản phẩm này không có khả năng cạnh tranh?

- Giá thành cao vì hơn 30% diện tích trồng bắp trong nước nằm ở vùng đất đồi núi xa xôi như Sơn La, Lai Châu… với năng suất còn rất thấp. Bắp ở Tây Nguyên đạt năng suất cao hơn, khoảng hơn 6 tấn/ha nhưng vùng này lại không chủ động nước tưới. Trong khi đậu nành thì bà con phun thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng phân đạm quá nhiều khiến chi phí giá thành đội lên. Hơn nữa, thất thoát sau thu hoạch đậu nành ở ĐBSCL cũng rất cao do chưa cơ giới hóa.

Xin cảm ơn ông!


Có thể bạn quan tâm

Xuất Khẩu Tiêu Vượt Ngưỡng 1 Tỷ USD Xuất Khẩu Tiêu Vượt Ngưỡng 1 Tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ NN & PTNT, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 9/2014 ước đạt 7 nghìn tấn, với giá trị đạt 68 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 9 tháng đầu năm 2014 đạt 140 nghìn tấn với giá trị 1,06 tỷ USD, tăng 24,5% về khối lượng và tăng 41,9% giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

02/10/2014
Giảm Xuất Khẩu Trái Vải Sang Trung Quốc Giảm Xuất Khẩu Trái Vải Sang Trung Quốc

Kế hoạch này nằm trong chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương được Cục Xúc tiến thương mại tổ chức hội thảo góp ý vào sáng 30-9.

02/10/2014
Tỷ Phú Từ Hai Bàn Tay Trắng Tỷ Phú Từ Hai Bàn Tay Trắng

Về xã Đắk Sắk (Đắk Mil) hỏi ông Nguyễn Văn Tạo ở thôn Thổ Hoàng 3 thì ai cũng biết. Trong câu chuyện với chúng tôi vào một buổi chiều cuối tháng Chín, ông bộc bạch: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là tinh thần lao động và tình yêu thương con người của Bác, đã thôi thúc, hun đúc cho tôi ý chí vươn lên và sau này có điều kiện giúp đỡ mọi người khó khăn hơn mình.

02/10/2014
Triển Vọng Kinh Tế Từ Trồng Cây Dược Liệu Triển Vọng Kinh Tế Từ Trồng Cây Dược Liệu

Từ năm 2003, Công ty đã triển khai ứng dụng công nghệ cao vào trồng dược liệu bền vững sinh học trên diện tích 6 ha tại xã Đắk Sin (Đắk R’lấp). Sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu và triển khai trồng thí điểm, khảo nghiệm, đến nay nhiều loại cây đã cho kết quả khả quan.

02/10/2014
Nam Xuân, Nông Dân Mạnh Dạn Thay Đổi Tư Duy Làm Ăn Nam Xuân, Nông Dân Mạnh Dạn Thay Đổi Tư Duy Làm Ăn

Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bằng những cách thức tuyên truyền sâu rộng, nhiều nông dân ở xã Nam Xuân (Krông Nô) đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa những giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao vào sản xuất, nuôi trồng.

02/10/2014